Ô tô nội tiếp tục nhận gói ưu đãi từ chính sách thuế mới

06/09/2019

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất một nhóm giải pháp ưu đãi về thuế nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Keyword đầu tiên có dấu

Chính sách thuế mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô 

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh ô tô nhập khẩu đang ngày càng lấn át thị trường, đồng thời thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới.

Còn 10 năm để ô tô nội bước ra biển lớn

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 125. Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (CPTPP), cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm. Việt Nam và EU cũng vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 9-10 năm nữa. Hiện nay, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0%. Như vậy, tới năm 2030 thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới như: ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.

“Hiện nay, số lượng xe ô tô nhập khẩu tăng đột biến, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước bị thu hẹp thị phần và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật không còn, các doanh nghiệp nước ngoài đang dần chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thương mại thay cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm hỗ trợ phát triển “xe xanh”. Tuy nhiên theo ông Long, cần bổ sung quy định cụ thể, bởi xe xanh có nhiều dòng, như xe điện, xe hybrid hay xe chạy nhiên liệu sinh học thì mức độ ”xanh” là khác nhau.”

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng được áp dụng chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ở mức 0%.

Cụ thể, trường hợp tập đoàn, tổng công ty, công ty có quy mô vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% vào các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô thì các công ty nhận vốn góp (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% sẽ không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng khi xét điều kiện hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của chương trình (hết năm 2022) nếu đạt điều kiện của chương trình ưu đãi.

Việc áp dụng mức thuế suất 0% đối với các linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô của mỗi doanh nghiệp phải tương ứng với sản lượng ô tô nguyên chiếc thực tế mà mỗi doanh nghiệp đã sản xuất, lắp ráp tại kỳ xét ưu đãi.

Như vậy có thể hiểu, dự thảo sửa đổi Nghị định 125 đã nới rộng điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất thay vì chỉ có quy định cứng về quy mô sản lượng như hiện nay.

Một đề xuất nữa là việc bổ sung các loại “xe xanh” như: Ô tô điện, sử dụng pin nhiên liệu, ô tô hybrid, ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn... vào danh mục được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%. Theo đó, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe cam kết.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, trong nước chỉ có công ty VinFast dự kiến sẽ sản xuất lắp ráp xe buýt điện vào năm 2020 với công suất 500 xe/năm nên giai đoạn đầu đi vào hoạt động cần có giai đoạn phát triển thị trường, chưa thể đáp ứng các tiêu chí sản lượng như các chủng loại xe chạy bằng xăng, dầu. Vì vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định doanh nghiệp không phải cam kết về mẫu xe và không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng tối thiểu trong 2 kỳ đầu tiên xét ưu đãi kể từ ngày đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế nhưng phải đáp ứng đủ sản lượng tối thiểu kể từ kỳ xét ưu đãi tiếp theo.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 125 còn bổ sung quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ô tô. Tuy nhiên, để được hưởng thuế nhập khẩu 0%, những loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện này phải có tên trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển…

Sẽ có thêm một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi

Keyword đầu tiên có dấu

Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ góp phần giảm giá bán linh kiện cho các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mục tiêu dự thảo sửa đổi Nghị định 125 vẫn là tạo đột phá cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Khi được hỏi về số lượng doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng nếu quy định mới có hiệu lực, ông Thi cho biết: “Số lượng doanh nghiệp ô tô có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đến nay chưa thống kê được. Tuy nhiên, một trong các căn cứ để lấy mốc doanh nghiệp vốn điều lệ 3.000 tỷ trở lên được miễn cam kết sản lượng tối thiểu là dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình tại cuộc làm việc của Thủ tướng với tỉnh này”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), dự thảo lần này chủ yếu vẫn là định hướng sản xuất lắp ráp ô tô trong nước và hạ bớt yêu cầu sản lượng đối với xe tải xuống bởi như trước đây thì khó đạt bởi thị trường không quá lớn đến mức như vậy. Cái hay của dự thảo là có bổ sung, thêm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cũng nằm trong diện được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.

“Vấn đề này trước đây VAMA cũng đã đề xuất nhiều lần nhưng nay mới được đưa vào dự thảo sửa đổi bổ sung. Nếu được thực thi, các nhà cung cấp phụ tùng được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó giảm giá bán linh kiện cho công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 được thông qua, các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi không có nhiều thay đổi so với trước đây. Ngoài một số doanh nghiệp như Toyota Việt Nam, Thaco, Ford Việt Nam hay TC MOTOR có thể sẽ có thêm TMT Motor hoặc VinFast.

Nhận định về việc mở rộng diện ưu đãi đối với các dòng xe xanh, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: ”Đó là một ý hay. Một số nước trên thế giới cũng quy định với các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu khi đạt các tiêu chuẩn về mức phát thải và mức tiêu hao nhiên liệu theo quy định sẽ được hưởng ưu đãi như hỗ trợ thuế đầu tư, trợ cấp, tạo thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đánh thuế thấp hơn dòng xe dùng xăng. Hiện nay ngoài VinFast ra, cũng chưa mấy doanh nghiệp dám đầu tư vào lĩnh vực xe điện”.


Tác giả: Anh Lê