Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 - vận tải biển sạch hơn cho không khí sạch hơn

24/12/2019

Từ ngày 01/01/2020, tất cả các tàu biển Việt Nam, bao gồm cả tàu chỉ hoạt động trong vùng biển Việt Nam, phải sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5. Hướng dẫn chi tiết về thực hiện Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 có thể truy cập và tải về từ liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=788.


Phụ lục VI "Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu" của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL) quy định, từ ngày 01/01/2020, giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu biển trên phạm vi toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% khối lượng (từ ngưỡng 3,5% hiện nay), đối với cả vận tải biển quốc tế và vận tải biển nội địa của quốc gia. Tại các khu vực kiểm soát phát thải ô xít lưu huỳnh (SECA), bao gồm biển Baltic, biển Bắc, khu vực Bắc Mỹ và khu vực Caribbe thuộc Hoa Kỳ, quy định về giới hạn hàm lượng lưu huỳnh 0,1% trong dầu nhiên liệu hàng hải đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu biển 0,5%, thường được gọi là "Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020", sẽ cắt giảm đáng kể lượng phát thải ô xít lưu huỳnh (SOx) có hại từ tàu, mang lại lợi ích đáng kể cho cả sức khỏe con người và môi trường.

Việc thực hiện Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 sẽ giảm 77% lượng phát thải SOx tổng thể từ ngành vận tải biển toàn cầu, tương đương với mức giảm hàng năm khoảng 8,5 triệu tấn SOx. Bụi mịn, là các hạt có hại rất nhỏ hình thành khi dầu nhiên liệu bị đốt cháy bởi các động cơ và nồi hơi của tàu, cũng sẽ  giảm rất nhiều. Do đó, có thể hy vọng làm giảm một số chứng bệnh nguy hiểm xảy ra đối với con người liên quan đến ô nhiễm không khí như đột quỵ, hen suyễn, ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi, … Cắt giảm phát thải SOx từ hoạt động vận tải biển cũng sẽ giúp ngăn chặn mưa a xít và a xít hóa đại dương, mang lại lợi ích cho cây trồng, rừng và các loài thủy sản.

Để đảm bảo việc chuyển đổi từ dầu nhiên liệu 3,5% lưu huỳnh sang Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 diễn ra suôn sẻ, IMO và các quốc gia trên thế giới đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. IMO đã ban hành một loạt các hướng dẫn để giúp ngành vận tải biển và các quốc gia thành viên có thể triển khai kế hoạch áp dụng cụ thể cho từng tàu biển, bao gồm hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện của tàu (giải quyết các vấn đề như đánh giá rủi ro đối với nhiên liệu mới, hoán cải hệ thống dầu nhiên liệu của tàu, huấn luyện thuyền viên), hướng dẫn đối với các cơ sở cung cấp dầu nhiên liệu hàng hải, hướng dẫn kiểm soát của quốc gia có cảng, ….

Tổng thư ký IMO Kitack Lim cho biết, "Trong ba năm qua, các quốc gia thành viên IMO, ngành vận tải biển và cung ứng dầu nhiên liệu đã làm việc không mệt mỏi để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn này về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu. Tôi tin tưởng rằng những lợi ích sẽ sớm được cảm nhận và việc thực hiện sẽ suôn sẻ."


Ông nói thêm, "Tôi rất đánh giá cao tất cả những nỗ lực của các nhà máy lọc dầu, chủ tàu, thuyền viên, tổ chức công nghiệp và những bên liên quan khác trong việc chuẩn bị cho sự thay đổi cực kỳ quan trọng này - sẽ mang lại lợi ích tích cực đáng kể cho sức khỏe con người và môi trường."

Nhằm hỗ trợ việc triển khai suôn sẻ, Ban thư ký IMO đã thiết lập một địa chỉ email đường dây nóng chuyên biệt để trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ các quốc gia thành viên và ngành vận tải biển khi Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 có hiệu lực.

Để cung cấp dầu nhiên liệu tuân thủ, các nhà máy lọc dầu có thể hòa trộn dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn và thấp hơn. Phụ gia có thể được sử dụng để tăng cường các tính chất khác của dầu nhiên liệu, chẳng hạn như tính bôi trơn. Tàu cũng có thể sử dụng các loại nhiên liệu khác nhau, với lưu huỳnh thấp hoặc thậm chí bằng không - ví dụ, khí tự nhiên hóa lỏng hoặc nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, IMO khuyến cáo không thực hiện việc pha trộn các loại nhiên liệu khác nhau trên tàu để đáp ứng yêu cầu về hàm lượng lưu huỳnh. Chủ tàu nên tham khảo các tiêu chuẩn có liên quan của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) (ISO 8217 và ISO/PAS 23263: 2019). Trước khi tiếp nhận lên tàu, chủ tàu nên kiểm tra tính tương thích, tính ổn định và các đặc tính liên quan khác của dầu nhiên liệu.

Hạn chế các chất gây ô nhiễm không khí bằng cách trang bị cho tàu hệ thống làm sạch khí thải, thường được gọi là "scrubber", được chấp nhận nếu quốc gia tàu mang cờ quốc tịch phê chuẩn đây là phương pháp thay thế để đáp ứng yêu cầu giới hạn hàm lượng lưu huỳnh của dầu nhiên liệu. Scrubber loại bỏ ô xít lưu huỳnh có trong khí thải của động cơ và nồi hơi, cho phép các tàu được trang bị loại thiết bị này tiếp tục sử dụng dầu nhiên liệu nặng với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5%.

Phụ lục VI của Công ước MARPOL đã có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 19/3/2015. Các quy định kỹ thuật áp dụng cho tàu trong việc sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh 0,5% đã được đưa vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26: 2018/BGTVT), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2019. Từ ngày 01/01/2020, tất cả các tàu biển Việt Nam, bao gồm cả tàu chỉ hoạt động trong vùng biển Việt Nam, phải sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5. Hướng dẫn chi tiết về thực hiện Ngưỡng lưu huỳnh IMO 2020 có thể truy cập và tải về từ liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=788./.

Tác giả: Hải Vũ