Thị trường ô tô chao đảo vì ảnh hưởng từ Covid-19

03/07/2020

Những tháng đầu năm 2020 có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của thị trường ô tô khi phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.


Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu những tháng đầu năm 2020 đã gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt nhà máy trên thế giới cũng như ở Việt Nam phải đóng cửa, cho công nhân tạm nghỉ hay cắt giảm nhân viên...

Đầu tiên là các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô ở Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động vì sự diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sau đó, nhiều nhà máy khác ở trên thế giới cũng phải tạm cho nhân viên nghỉ để đảm bảo an toàn...

Cụ thể, tháng 3/2020, Honda, Mazda, Mitsubishi, Yamaha tại Malaysia ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hãng ô tô nội địa của Malaysia - Perodua cũng thông báo tạm ngừng hoạt động để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.


Cùng với Trung Quốc và châu Á, nhiều nhà máy ô tô ở châu Âu, Mỹ cũng đã phải ngừng hoạt động vì sự bùng phát chóng mặt của dịch Covid-19 tại Italia và Mỹ như: Ford thông báo tạm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất ô tô tại châu Âu, Bắc Mỹ (trong đó bao gồm Mỹ, Canada, Mexico).

Cuối tháng 3/2020, một loạt các nhà máy khác của BMW, Daimler, Porsche... hay các hãng xe sang, siêu xe như: Rolls-Royce, Ferrari, Lamborghini... cũng đã đồng loạt cho dừng các hoạt động ở các nhà máy tại Italia.

Cùng với đó, tại Việt Nam, nhiều nhà máy ô tô cũng tạm ngừng sản xuất để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ngày 26/3/2020, Ford Việt Nam - hãng xe đến từ Mỹ đã công bố tạm dừng sản xuất tại nhà máy Hải Dương vì diễn biến phức tạp của Covid-19. Tiếp sau đó, các hãng xe khác – Toyota, Honda và Hyundai cũng phải tạm ngừng sản xuất với cùng một lý do như Ford.


Sau các "ông lớn" của ngành ô tô Việt Nam (Ford, Honda, Toyota, Hyundai) phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, 3 hãng xe khác là VinFast, Nissan và Mercedes-Benz cũng tạm dừng hoạt động tại các nhà máy từ đầu tháng 4/2020.

Theo đại diện các hãng, lý do duy nhất khiến các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và an toàn của các công nhân tại nhà máy...

Không chỉ có các nhà máy ô tô phải tạm ngừng sản xuất, dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020 còn khiến nhiều sự kiện, triển lãm ô tô trên thế giới phải đóng cửa.

Đầu tiên, theo dự kiến, triển lãm thường niên Beijing Auto Show 2020 (Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2020) sẽ diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 21 - 30/4. Nhưng trước tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19, sự kiện này đã bị hoãn và dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2020.


Đây có thể là một tổn thất nặng nề cho ngành kinh tế, du lịch của Trung Quốc vì Triển lãm ô tô Bắc Kinh là một trong những triển lãm xe lớn nhất thế giới và được nhiều hãng xe mong đợi.

Theo báo cáo, mỗi năm, Triển lãm ô tô Bắc Kinh thu hút gần 800.000 du khách thăm quan. Đồng thời, đây cũng là một thị trường lớn của nhiều hãng xe và triển lãm là nơi mà họ muốn giới thiệu những mẫu xe và công nghệ mới của ngành ô tô tới các khách hàng.

Cùng với đó, một triển lãm khác là Geneva Motor Show 2020 (Triển lãm ô tô Geneva) dự kiến được tổ chức tại Thụy Sĩ từ ngày 2-15/3 cũng chính thức phải tuyên bố hủy vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hay, triển lãm ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Bangkok International Motor Show 2020 (Triển lãm ô tô quốc tế Bangkok) dự kiến tổ chức tại Thái Lan vào 25/3/2020 cũng phải lùi tới ngày tới ngày 15-26/7 (dự kiến),...

Ngoài ra, nhiều giải đua xe MotoGP, F1... tại nhiều quốc gia cũng phải hoãn hay hủy bỏ vì Covid-19.

Theo các chuyên gia, đây là một ảnh hưởng to lớn tới ngành công nghiệp ô tô cũng như các dịch vụ "ăn theo" các triển lãm, giải đua xe.


Theo Liên đoàn đua xe mô tô quốc tế (FIM), Hiệp hội các đội đua MotoGP và ban tổ chức MotoGP 2020, họ rất tiếc khi phải đưa ra quyết định hủy hạng mục MotoGP của mùa giải 2020.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, khiến không chỉ có doanh số toàn thị trường ở nước này giảm mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới do thiếu linh, phụ kiện.

Quan trọng hơn, Vũ Hán - tâm điểm của sự bùng phát lại là một trong những thành phố lớn của ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc. Đây là nơi đặt cơ sở sản xuất của hàng loạt thương hiệu ô tô lớn như: General Motors (GM), Honda, Nissan, Peugeot và Renault... chiếm gần 10% số lượng xe được sản xuất trong nước và là nhà cung ứng phụ tùng của của nhiều hãng sản xuất ô tô.

Điều này đã khiến cho nguồn cung linh, phụ kiện của nhiều hãng sản xuất xe rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng không đủ để sản xuất và phải tạm ngừng hoạt động.


Tại Hàn Quốc, Hyundai buộc phải đóng cửa các nhà máy lắp ráp ô tô do thiếu nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô SsangYong Motor của Midtier Hàn Quốc (thuộc sở hữu của tập đoàn Ấn Độ Mahindra & Mahindra), hãng xe Renault của Pháp tạm ngừng vận hành nhà máy ở Hàn Quốc cũng vì thiếu linh kiện.

Hãng xe Volkswagen mới đây cũng đã xác nhận, đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do lo ngại về dịch bệnh và thiếu phụ tùng sản xuất. Nhiều hãng xe khác như BMW, Daimler, Toyota, Honda, Nissan, Ford, GM, Tesla tại Trung Quốc cũng tạm ngưng sản xuất từ tháng 2/2020.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm, Mỹ nhập tới 25% tổng số linh phụ kiện mà Trung Quốc xuất khẩu, 10% chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức nhập khoảng 5%.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng, linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%) và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Riêng ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh, phụ kiện từ Trung Quốc.

Cho nên, đến cuối Quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh, phụ kiện phục vụ sản xuất.


Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện nay nguồn cung nguyên vật liệu và linh phụ kiện đầu vào sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác gặp nhiều khó khăn, bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại biên giới của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ khiến việc thông quan các lô hàng nhập khẩu khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Theo Hiệp hội xe khách Trung Quốc (PCA), doanh số ô tô giảm 79% trong tháng 2/2020, mức giảm hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Honda Motor Co. giảm 85% tháng trước, trong khi đó Nissan Motor Co. báo cáo mức giảm 80%.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc cho biết, dịch Covid-19 sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng tự động của đất nước và có hiệu ứng "bươm bướm" trên nền công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Theo LMC Automotive, ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm hơn 20% xuống còn khoảng 71 triệu chiếc trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Việc giảm sút này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô hao hụt doanh số khoảng 19 triệu chiếc xe. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, những tác động có thể nặng nề hơn nhiều nữa tùy theo tốc độ phục hồi sau dịch bệnh của các thị trường trọng yếu.


Trong khi đó, IHS Markit dự báo, Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm hơn 15,5% xuống còn 21 triệu xe trong năm 2020, với những lo ngại về tác động thứ cấp từ sự lây nhiễm toàn cầu, có thể làm gián đoạn sự phục hồi, dù hầu hết các nhà máy đã hoạt động trở lại sau khi đóng cửa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Trong khi đó, khắp Tây và Trung Âu, IHS dự báo doanh số giảm 24,9% xuống còn 13,9 triệu xe trong năm nay. Công ty cho biết các thị trường châu Âu "sẽ trải qua các chu kỳ phục hồi kết hợp, dựa trên các hạn chế và hướng dẫn của địa phương, cùng với sự hỗ trợ kinh tế và cung cấp kích thích mua hàng khác nhau".

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đến hết tháng 5/2020 giảm 34% so với cùng kì năm ngoái khi chỉ đạt 63.181 xe.


Biểu đồ doanh số xe du lịch, xe thương mại, xe chuyên dụng 5 tháng đầu năm 2020

Biểu đồ doanh số xe lắp ráp và nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2020

Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 36%; xe thương mại giảm 28% và xe chuyên dụng giảm 39% so với cùng kì năm ngoái. Tính đến hết tháng 5/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 32% trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kì năm ngoái.

Theo các nhà kinh doanh xe, việc sụt giảm này hoàn toàn đã được dự báo trước khi thời gian qua cả xã hội đều thực hiện giãn cách và hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch Covid-19.


Trong những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới thị trường ô tô khiến doanh số nhiều hãng xe giảm sút nặng nề và khó tiêu thụ. Vì vậy, nhiều quốc gia, hãng xe đã phải liên tiếp công bố các chương trình ưu đãi, khuyến mại hay chính sách giảm giá, giảm thuế, phí cho lĩnh vực ô tô nhằm hy vọng vực dậy thị trường những tháng cuối năm khi dịch Covid-19 đã từng bước tạm được khống chế.

Cụ thể, tại Trung Quốc một chương trình khuyến mãi đã được Tesla thực hiện - lái thử và vận chuyển mà không cần phải tiếp xúc với nhân viên. Hơn thế nữa Zhejiang Geely đã bắt đầu vận chuyển xe khử trùng đế cho khách hàng và giao nhận khóa xe bằng máy bay không người lái để tránh tiếp xúc giữa người với người.

Không chỉ vậy, những chiếc xe điện của Guangzhou Automobile Group còn tiến hành một hệ thống thử nghiệm với chiếc Aion LX SUV của mình với mùi hương thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.

Bên cạnh đó, SAIC-GM-Wuling cũng đưa ra chương trình ưu đãi đến khách hàng lên tới 1.550 USD (tương đương 34,1 triệu) cho bất cứ ai mua xe đến từ thương hiệu Wuling và Baojun. Khách hàng cũng sẽ nhận được khẩu trang y tế.


Ngoài các chiến dịch quảng cáo này, các cơ quan công nghiệp muốn chính phủ Trung Quốc giúp đỡ để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng. Ví dụ, chính phủ đang được kêu gọi cung cấp cắt giảm thuế mua hàng đối với các phương tiện nhỏ, đồng thời hỗ trợ bán hàng ở khu vực nông thôn và giảm bớt các quy định phát thải hiện hành.

Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc cũng đã vận động các khoản vay dành cho các đại lý và hỗ trợ thanh khoản tạm thời, bao gồm cả các hạn mức tín dụng.

Thủ tướng Malaysia vừa công bố kế hoạch kích thích kinh tế mới, bao gồm các biện pháp kích cầu doanh số bán xe ô tô. Trong đó có miễn thuế bán hàng 100% cho các mẫu lắp ráp trong nước (CKD) và 50% cho các mẫu nhập khẩu hoàn toàn (CBU) từ ngày 15/6 đến ngày 31/12/2020.

Chính sách miễn thuế bán hàng sẽ giúp giá ô tô CKD (lắp ráp trong nước) tại Malaysia giảm khoảng 10%, không áp dụng cho thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Đáng lưu ý, thuế bán hàng được tính cao hơn trong tổng cấu trúc giá (trước lợi nhuận và phí kiểm tra) để cấu thành giá bán lẻ.


Với chính sách mới nhất này, thuế SST (thuế bán hàng và dịch vụ) hiện sẽ được gỡ bỏ tạm thời cho xe ô tô CKD và giảm một nửa xuống còn 5% đối với xe CBU (xe nhập khẩu).

Mới đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019.

Theo đó, từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019.

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), để kịp thời triển khai Nghị định mới, ngay trong ngày 28/6, Tổng cục thuế sẽ tiến hành nâng cấp ứng dụng về mức thu riêng cho xe sản xuất, lắp ráp, hoàn thành nâng cấp để áp dụng và hướng dẫn nội bộ thực hiện vào ngày 29/6/2020.

"Nghị định mới giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được áp dụng với tất cả trường hợp đi nộp hồ sơ lệ phí trước bạ từ ngày 28/6, không phụ thuộc vào thời điểm xuất hóa đơn mua xe. Thủ tục nộp lệ phí trước bạ cũng không có gì thay đổi, ngoài số tiền nộp sẽ được giảm đi" - bà Hương cho biết.


Cùng với đó, ngay sau khi Nghị định 70 được ban hành, Tổng cục Thuế đã phát đi Công điện số 05/CĐ-TCT gửi cơ quan thuế toàn ngành yêu cầu áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị định 70 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-TTg ngày 29/5/2020.

Cơ quan soạn thảo cho biết, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau dịch.

Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân. Theo tính toán sơ bộ, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp người tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiết kiệm khoảng 15 – 300 triệu đồng (tùy mẫu xe) so với trước đây.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng./.

 


Tác giả: Huy Phương