Nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô có hiệu lực

19/02/2021

Nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô có hiệu lực năm 2021 như: Ô tô từ EU được giảm thuế nhập khẩu thêm 7,4%, tiêu chuẩn khi thải mới...

Nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô có hiệu lực 1

Thuế nhập khẩu giảm khoảng 7,4% giúp khách hàng Việt có thêm cơ hội tiếp cận xe từ EU trong năm 2021

Nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô có hiệu lực trong năm 2021 sẽ tác động đến giá bán xe, chi phí vận hành phương tiện cũng như điều chỉnh hành vi của lái xe.

Ô tô từ EU được giảm thuế nhập khẩu thêm 7,4%

Ngày 8/6/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội phê duyệt. Theo cam kết, nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình. Trong đó, thuế nhập khẩu ô tô từ EU vào Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục được giảm theo lộ trình cắt giảm.

Theo đó, từ năm 2021, các xe ô tô nhập khẩu từ các nước EU sẽ được giảm thuế theo lộ trình, mức giảm thuế nhập khẩu có thể lên đến 7,4% so với thuế suất năm 2020, tùy thuộc vào loại xe.

Đại diện truyền thông một thương hiệu xe Đức nhập khẩu cho hay, năm ngoái mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam là 70% (với xe dưới 3.0L) và 75 - 78% (với xe trên 3.0L). Nếu năm nay mức thuế giảm thì đương nhiên nhà phân phối sẽ giảm giá tương ứng để cạnh tranh, mở rộng tệp khách hàng.

Tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô từ 13 - 22 năm tuổi

Tiêu chuẩn khí thải mới được thực hiện theo Quyết định số 16/2019 ban hành ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo đó, tất cả xe ô tô được sản xuất từ năm 1999 - 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 từ ngày 10/1/2021. Hiện nay, những xe ô tô thuộc nhóm này vẫn đang được áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức thấp nhất (mức 1) trong 4 mức tiêu chuẩn khí thải. Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, ô tô sản xuất từ năm 1999 - 2008 tức là đã sử dụng từ 13 - 22 năm.

Nếu là nhóm xe thương mại, chủ yếu sản xuất theo công nghệ cũ sẽ khó đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải cao hơn. Trong nhóm xe này phần lớn sắp hết niên hạn sử dụng.

Nếu là nhóm xe du lịch dưới 9 chỗ, xe cá nhân thì có thể vẫn đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 nhưng phải qua kiểm tra thực tế mới biết có đạt hay không.

Ô tô dưới 9 chỗ không còn phải lắp bình chữa cháy

Ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136 hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nghị định 136 đã bãi bỏ quy định ô tô phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện theo quy định của Bộ Công an (quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 79/2014). Nghị định có hiệu lực từ năm 2021.

Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch (chủ gara ô tô Lê Văn Tạch tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), quy định này cũng từng gây lúng túng cho cả nhà sản xuất ô tô cũng như các đại lý ủy quyền lẫn khách hàng. Vì thế việc bỏ quy định trên là điều đáng mừng.

Xây dựng bộ dữ liệu về lịch sử ATGT của người và phương tiện

Nhiều chính sách mới liên quan đến ô tô có hiệu lực 2

Lịch sử ATGT của người và phương tiện sẽ được xây dựng và chia sẻ trong hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý nhà nước

Ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Bộ Tài chính cũng đồng thời ban hành Thông tư 04/2021 hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên. Thời điểm có hiệu lực của cả Thông tư và Nghị định đều từ ngày 1/3 tới đây.

Nghị định 03/2021 có một quy định mới cho phép căn cứ vào lịch sử tai nạn của xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động tăng phí bảo hiểm bắt buộc, mức tăng không quá 15% biểu phí do Bộ Tài chính ấn định.

Đồng thời, quy định mới bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ thông tin bồi thường tổn thất xe cơ giới lên một cơ sở dữ liệu dùng chung do Bộ Tài chính quản lý, phối hợp với dữ liệu đăng kiểm (Cục Đăng kiểm) và dữ liệu của cảnh sát giao thông (Cục CSGT) để truy lục lại được lịch sử an toàn giao thông của người và phương tiện, làm cơ sở điều chỉnh phí bảo hiểm nếu tái tục thường niên (khi hợp đồng bảo hiểm cũ đến hạn, bên mua muốn tiếp tục mua/gia hạn ký kết hợp đồng bảo hiểm mới với bên bán).

Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), mặc dù quy định mới chỉ áp dụng trong phạm vi bảo hiểm bắt buộc nhưng về lâu dài sẽ có tác động đến cách tính phí bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới, bởi đánh giá rủi ro sẽ không cào bằng mãi được, mà phải có căn cứ thực tế, trong đó lịch sử an toàn giao thông của người và phương tiện là một trong những căn cứ quan trọng.


Tác giả: Lan Anh