Cần sớm tổng điều tra phương tiện thủy nội địa

14/11/2018

Số liệu từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng phương tiện thuỷ hiện nay.

11

Phương tiện thủy lưu thông qua sông Thượng Lý (Hải Phòng)

Số liệu tổng điều tra phương tiện thủy từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng. Đường thủy nội địa hiện tồn tại thực trạng “3 không”, thậm chí “5 không”: Không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, bến thuỷ nội địa không phép, không có sự quản lý của cơ quan chức năng.

Việt Nam là 1 trong 10 nước có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhất thế giới với 3.551 sông, kênh lớn nhỏ dài khoảng 85.577km. Với hệ thống sông, ngòi, kênh rạch dày đặc, Việt Nam hiện có 272 cảng thủy nội địa, 8.730 bến thủy nội địa, 2.526 bến ngang sông. Tuy vậy, trong những năm qua công tác quản lý đường thủy nội địa vẫn tồn tại nhiều bất cập gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT.

Theo số liệu tổng điều tra năm 2007, tổng số phương tiện thủy nội địa trên toàn quốc có 806.577 chiếc trong đó số phương tiện phải đăng ký là 470.886 chiếc, có 397.680 phương tiện chưa đăng kiểm. Số người điều khiển phương tiện chưa có các loại giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn lên đến 922.606 người.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các địa phương và công tác tổng hợp của cơ quan liên quan, tính tới thời điểm hiện tại tổng số phương tiện thủy nội địa được đăng ký là 252.286 chiếc (đạt 53,6% so với tổng điều tra năm 2007); Tổng số phương tiện đăng kiểm là 227.039 phương tiện (đạt 60% so với tổng điều tra năm 2007); Tổng số người được đào tạo là 389.586 chiếc (đạt 42,2% so với tổng điều tra).

Tại cuộc họp về công tác quản lý nhà nước trong quản lý phương tiện, thuyền viên, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa được tổ chức ở Hải Phòng đầu tháng 11, ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng: Số liệu từ năm 2007 đến nay đã quá lạc hậu, không đánh giá được đúng thực trạng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức Tổng điều tra toàn diện phương tiện thủy nội địa để từ đó có đánh giá chính xác, đưa ra phương hướng phát triển lĩnh vực này.