Nhiều cơ chế ưu đãi nâng thị phần đội tàu biển Việt Nam

29/01/2019

Bộ GTVT chỉ ra nguyên nhân và đề xuất nhiều cơ chế nâng thị phần hàng hóa XNK của đội tàu biển...

Keyword đầu tiên có dấu

Nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực vận tải biển sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ thực hiện, tạo điều kiện cho DN vận tải biển Việt Nam giành được thị phần hàng hóa XNK cao hơn - Ảnh minh họa​

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hải Phòng về việc ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để đội tàu trong nước có thể tăng thị phần vận chuyển trong các dự án vận tải quốc tế.

Văn bản số 584 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công ký cho biết, tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, đứng thứ 4 ASEAN và thứ 30 thế giới. "Thời gian qua, cơ cấu đội tàu biển Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể, phát triển theo hướng chuyên dụng hóa. Đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt (bình quân 20%/năm) với số lượng tàu tăng từ 19 tàu lên 41 tàu. Tuổi tàu của Việt Nam đã đạt độ tuổi trẻ hơn (14,7 tuổi) so với thế giới (20,8 tuổi) nhờ số lượng tàu mới được tăng lên. Tuy vậy, đội tàu mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và tại một số nước trong khu vực. Với vận tải hàng XNK, Việt Nam mới chỉ đảm nhận chưa được 10% sản lượng", Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân của thực trạng trên do đa số các chủ hàng Việt Nam vẫn thực hiện mua CIF, bán FOB, quyền thuê phương tiện thuộc về các đối tác nước ngoài. "Xu hướng vận tải thế giới trong giai đoạn hiện nay theo hướng container hóa nhưng đội tàu container của Việt Nam hầu hết là tàu nhỏ, DN vận tải biển Việt Nam lại khó khăn về tài chính, không đủ nguồn lực để nâng cấp đội tàu nên khó cạnh tranh với các đội tàu lớn trên thế giới. Các DN vận tải biển Việt Nam hiện cũng thiếu liên kết với chủ hàng, hợp đồng ký với khách hàng thường trong thời gian ngắn nên chủ tàu Việt Nam không dám đầu tư đóng tàu mới khi chưa có nguồn hàng ổn định”, Bộ GTVT nhận định.


 Ảnh minh họa​​​

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với các DN để tìm ra các giải pháp phát triển vận tải biển. Đặc biệt, Bộ GTVT đã thiết lập quy định biểu khung giá dịch vụ cảng biển, quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển để tạo ra một môi trường cân bằng về năng lực cạnh tranh giữa đội tàu nước ngoài và đội tàu Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, Tổng công ty XNK có vốn nhà nước thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của các DN vận tải biển Việt Nam. Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, đề nghị các bộ, ngành đề nghị chủ hàng giành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện.

Bộ GTVT cũng kiến nghị một số chính sách tạo thuận lợi cho DN vận tải biển trong nước như: Cho các DN vận tải biển vay vốn nâng cấp đội tàu từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho DN khoanh nợ cũ, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi; Miễn thuế nhập khẩu các trang thiết bị để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền công nhận; Giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu tàu biển trong thời hạn 10 năm và giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển tham gia vận tải nội địa,.. cũng sẽ được Bộ GTVT kiến nghị thực hiện.

Trước đó, kiến nghị tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hải Phòng cho rằng, theo đề án tái cơ cấu vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, vận tải biển Việt Nam sẽ đảm nhận thị phần vận chuyển hàng hóa XNK lên đến 25 - 30%. Cùng đó, thị trường vận tải biển sẽ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không phấn đấu cước phí sẽ giảm 15 - 20%. Tuy nhiên, hiện đội tàu Việt Nam vẫn đang trong tình trạng dư thừa tàu nhỏ, thiếu tàu chuyên dụng và tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.

Trên cơ sở đó, cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, cơ chế đấu thầu trong các dự án vận tải quốc tế, tạo điều kiện để đội tàu trong nước có thể giành được 20 - 30% các dự án vận tải, từ đó nâng cao thị phần và sản lượng.