Báo động ô nhiễm không khí toàn cầu

07/03/2019

Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 do AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành, ô nhiễm không khí vẫn ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất.

​​

Báo Ä‘á»™ng ô nhiá»…m không khí toà n cầu 

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ tư gây tử vong

Theo báo cáo công bố ngày 5-3, AirVisual thu thập dữ liệu cập nhật nhất về ô nhiễm bụi PM2.5 từ các trạm quan trắc công cộng nhằm tổng hợp thông tin về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018, thiết lập một bộ dữ liệu toàn cầu chi tiết và kịp thời, tập trung vào những dữ liệu được công khai cho người dân trong theo thời gian thực. Nguồn dữ liệu thu thập bao gồm các mạng lưới các trạm quan trắc của chính phủ ở các quốc gia, cũng như từ các thiết bị theo dõi chất lượng không khí IQAir AirVisual chọn lọc được vận hành bởi các cá nhân, nhà nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ.

Báo cáo cho biết, ô nhiễm không khí vẫn ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trên thế giới. Dữ liệu của WHO cho thấy cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở bầu không khí có chứa các chất gây ô nhiễm ở mức cao. Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời đã được coi là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới, và những thiệt hại này ước tính sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu với tổng chi phí đáng kinh ngạc 225 tỷ USD hằng năm.

Báo cáo chỉ ra, trong số hơn 3.000 thành phố được thống kê, 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO (10μg / m3) đối với bụi mịn, còn được gọi là bụi PM2.5. Các thành phố được theo dõi ở Trung Đông và châu Phi đều vượt quá mức khuyến cáo này, trong khi 99% các thành phố ở Nam Á, 95% các thành phố ở Đông Nam Á và 89% các thành phố ở Đông Á cũng vượt quá mức này. Do vẫn còn nhiều khu vực thiếu thông tin cập nhật về chất lượng không khí và vì một số lý do khác, nên tổng số thành phố vượt quá ngưỡng bụi PM2.5 của WHO dự kiến sẽ cao hơn nhiều.

Tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí - nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm.

Thí dụ, đối với trẻ em sống ở Bắc Kin​h, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Những “điểm mù” nghiêm trọng trên thế giới

Bản đồ các trạm quan trắc chất lượng không khí PM2.5 ở Nam Á và Đông Nam Á.

Dữ liệu mới cho thấy vùng Nam Á đang khủng hoảng ô nhiễm không khí. Trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, có 18 thành phố nằm ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Dữ liệu cũng cho thấy chín thành phố Nam Á thậm chí còn có chất lượng không khí tồi tệ hơn Delhi. Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất năm 2018. Mức độ ô nhiễm không khí ở Pakistan gần đây chỉ được công khai thông qua mạng lưới giám sát chất lượng không khí do cộng đồng thiết lập trên toàn quốc.

Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, trong khi Samut Sakhon, một tỉnh gần Bangkok, đứng thứ ba. Trong khi chất lượng không khí của Bắc Kinh ngày càng được cải thiện, thì Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thành phố bị ô nhiễm nổi tiếng của Trung Quốc, vì mức độ ô nhiễm năm 2018 ở Jakarta chỉ thấp hơn khoảng 12% so với Bắc Kinh. Ba trong số năm nơi ô nhiễm nhất nằm ở Tháí-lan.

Theo số liệu của AirVisual, mức độ ô nhiễm trung bình tại các thành phố ở Trung Quốc đã giảm 12% từ năm 2017 đến 2018. Bắc Kinh hiện xếp hạng thứ 122 trong các thành phố ô nhiễm trên thế giới, với mức PM2.5 giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Nếu nồng độ PM2.5 của Bắc Kinh giữ nguyên ở mức năm 2013, thành phố sẽ xếp thứ 21 trong danh sách năm 2018.

Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia bị ô nhiễm không khí nhiều nhất. Nước này có 44 thành phố trong top 100 thành phố ô nhiễm nhất ở các nước OECD năm 2018 và tương ứng là 43 thành phố năm 2017. Báo cáo cho thấy so với năm 2017, Hàn Quốc có một sự cải thiện nhỏ, đó là giảm khoảng 5% trong trung bình năm 2018.

Ở khu vực phía Tây Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ, có 10 thành phố ở Tây Balkan - Bosnia Herzegovina, Macedonia và Kosovo - và bốn thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ có mức PM2.5 gấp hơn ba lần so với khuyến cáo của WHO. Tám thành phố ở Balkan nằm trong số 10% thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Từ các số liệu trên, Greenpeace kêu gọi các chính phủ mở rộng và cải thiện hệ thống giám sát chất lượng không khí và truy cập dữ liệu chất lượng không khí. Đặt mục tiêu cùng thời gian và xây dựng các kế hoạch hành động để đưa chất lượng không khí về mức có thể chấp nhận được càng sớm càng tốt. Đồng thời, khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.