Bộ GTVT làm việc với Cục ĐKVN về ứng dụng Công nghệ thông tin

13/03/2019

Ngày 12/3/2019 tại trụ sở Cục ĐKVN, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với Cục ĐKVN về thực trạng ứng dụng CNTT. Tham dự cuộc họp về phía Cục ĐKVN có Cục trưởng Trần Kỳ Hình, Phó Cục trưởng Đặng Việt Hà và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ.

​​​1303.4.JPG

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại cuộc họp lãnh đạo Cục ĐKVN cho biết; Trên cơ sở báo cáo cáo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2017 của các đơn vị và kết quả kiểm tra, Bộ GTVT đã đánh giá Cục  ĐKVN xếp thứ 4 trong 7 Cục thuộc Bộ GTVT.

Cục ĐKVN đã tin học hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động đăng kiểm, từ cơ quan Cục đến các đơn vị đăng kiểm tại địa phương được kiểm soát thống nhất. Tất cả các phương tiện đều được cấp giấy chứng nhận, ấn chỉ từ phần mềm tin học. Hồ sơ kỹ thuật phương tiện và văn bản hành chính đều được phân loại và lưu trữ số hóa. Cục tiếp tục thực hiện chữ ký số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Hiện tại, có 8 dịch vụ công trực tuyến của Cục ĐKVN đang được đặt tại Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia Bộ GTVT gồm; Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy; Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện nhập khẩu; Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dung; Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe bốn bánh chở người có gắn động cơ hoạt động trong phạm vi hạn chế; Cấp phát phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho xe mô tô, xe gắn máy; Cấp phát phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho xe mô tô, xe sơ mi rơ moóc; Cấp phát tem hợp quy cho xe đạp điện.

DSC_5618.JPG

Thư trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại cuộc họp

Có 6 dịch vụ công trực tuyến của Cục đang được đặt tại Cổng thông tin điện tử của Cục gồm; Thẩm định thiết kế xe cơ giới sản xuất lắp ráp mới; Thẩm định thiết kế phương tiện giao thông đường sắt; Thẩm định thiết kế tàu biển; Đánh giá năng lực cơ sở cung cấp dịch vụ tàu biển; Cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; Công nhận Đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa.

Cục đã xây dựng và đưa vào áp dụng thống nhất toàn ngành các phần mềm quản lý chuyên ngành cho công tác đăng kiểm phương tiện và thiết bị giao thông vận tải. Việc sử dụng các phần mềm là bắt buộc tại các đơn vị, toàn bộ các biên bản, báo cáo kiểm tra và giấy chứng nhận đều được in ra từ chương trình. Dữ liệu phần mềm ngoài việc lưu trữ tại đơn vị còn được tập hợp thành cơ sở dữ liệu chung tại hệ thống máy chủ của Cục phục vụ mục đích quản lý của toàn ngành.

Về tiếp cận công nghệ 4.0; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đầu tư triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cục đã và đang thực hiện: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi mặt công tác đăng kiểm; Xây dựng kho cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực đăng kiểm bao gồm thông tin liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển, có khả năng kết nối với các cơ quan, đơn vị liên quan. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao nhất cho hầu hết các thủ tục đăng kiểm. Liên tục cập nhật, công khai tối đa thông tin, dữ liệu phục vụ nhu cầu của các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Nhanh chóng hiện đại hóa thiết bị, dây chuyền đăng kiểm thế hệ mới có khả năng điều khiển thông minh, có kết nối dữ liệu với máy tính để quản lý thông tin và tự động hóa quá trình đánh giá kết quả kiểm tra.

DSC_5621.JPG

Lãnh đạo Cục ĐKVN báo cáo tình hình ứng dụng CNTT

Về thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT. Nhằm đáp ứng khả năng phối hợp với các đơn vị trong Bộ GTVT triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử, Cục đã ban hành quyết định số 1594/QĐ – ĐKVN ngày 05/12/2018 ban hành kế hoạch thực hiện Kiến trúc Chính phủ Điện tử Bộ GTVT của Cục ĐKVN, xác định công việc cần làm trong thời gian tới: Giao nhiệm vụ cho các phòng chức năng xây dựng các danh mục dùng chung cho ngành giao thông theo sự phân công của Bộ; Phối hợp với Trung tâm CNTT Bộ GTVT xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông vận tải trong hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ; Chuẩn hóa quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Cục theo quy định chung đặt ra trong Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ; Tích hợp chữ ký số trong các giấy chứng nhận đăng kiểm cấp cho doanh nghiệp, phương tiện và thiết bị giao thông vận tải tra cứu trên Cổng thông tin này; Đặt yêu cầu với các nhà thầu xây dựng các phần mềm quản lý chuyên ngành cho Cục tuân thủ chuẩn giao tiếp dữ liệu đặt ra trong Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ để có thể bổ sung các chức năng trao đổi dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của Bộ.

DSC_5625.JPG

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra việc ứng dụng CNTT tại phòng nghiệp vụ

Hiện nay, việc ứng dụng CNTT là xu thế chung và là yếu tố tất yếu nhằm phát triển ngành đã được lãnh đạo Bộ GTVT nói chung, lãnh đạo Cục ĐKVN nói riêng quan tâm đưa vào ứng dụng thực tế trong toàn ngành Giao thông đem lại hiệu quả thiết thực trong quản lý, điều hành. Trong thời gian tới, Cục ĐKVN sẽ thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng việc ứng dụng CNTT hỗ trợ công tác chuyên môn cao hơn nữa của các đơn vị trực thuộc.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận những nỗ lực trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của Cục ĐKVN  thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu Cục cần phát huy thế mạnh sẵn có, cần khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo nhưng phải đúng quy định, xác định nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, rà soát sắp xếp lại dữ liệu, đề xuất danh mục đầu mối, số hóa, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung theo phân cấp quản lý và bảo mật an toàn thông tin; phối hợp với các Vụ tham mưu và Trung tâm CNTT của Bộ sớm hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý, chia sẻ dữ liệu, vận hành hệ thống CNTT; tăng cường ứng dụng CNTT trong thời đại công nghiệp 4.0 vào công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Bộ GTVT.