Xã hội hóa “thay da đổi thịt” trung tâm đăng kiểm

02/05/2019

Cơ chế xã hội hóa đầu tư tạo bức tranh mới trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Keyword đầu tiên có dấu

Bên trong nhà xưởng đăng kiểm của một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội

Thời trung tâm đăng kiểm chiều… khách

Anh Lê Hữu Tuyên (xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên đưa xe tải đi kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm 29-08D cho biết, vài năm trước mỗi lần đi đăng kiểm rất khổ vì phải đưa xe đi vài chục cây số lên tận TX Sơn Tây hoặc về quận Hà Đông mới có trung tâm đăng kiểm. Khi xã hội hóa, mở thêm nhiều trung tâm đăng kiểm, anh chỉ phải đi chưa đến chục cây số.

Ông Nguyễn Văn Đương, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm đăng kiểm 29-08D cho biết, theo quy định, các xe không đạt kiểm định trong lần đầu phải khắc phục các khiếm khuyết mới được kiểm định tiếp, nếu trong ngày quay lại kiểm định không mất phí.

“Không ít trường hợp hết giờ làm, máy móc thiết bị kiểm định đã tắt nhưng khách hàng đưa xe quay lại, anh em lại bật máy làm. Nếu theo nguyên tắc không nhận, hôm sau chủ xe đến sẽ mất thời gian và thêm một lần chi phí”, ông Đương kể.

Khảo sát của PV Báo Giao thông, hầu hết các trung tâm đăng kiểm mới được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa ở các địa phương trong vài năm gần đây đều có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi và kết hợp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng.

Cùng với các trung tâm do doanh nghiệp đầu tư, hai năm gần đây nhiều trung tâm đăng kiểm ở các địa phương được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, trong đó có đơn vị được cổ phần hóa hoàn toàn hoặc Nhà nước không giữ vốn chi phối. Xu hướng xã hội hóa trên góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tác động đến ý thức nâng chất lượng phục vụ của các trung tâm đăng kiểm. Quan trọng hơn, nhiều chủ phương tiện, khách hàng cảm nhận được thái độ ứng xử của trung tâm đăng kiểm tốt hơn, không còn tư tưởng độc quyền trong dịch vụ đăng kiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 34-01D Hải Dương cho biết, giờ các trung tâm đăng kiểm không chỉ cạnh tranh với trung tâm trong cùng tỉnh mà cả với các trung tâm ở địa phương lân cận, nhất là khu vực giáp ranh. “Chúng tôi luôn quán triệt anh em trong đơn vị phải có tinh thần phục vụ, chăm sóc khách hàng tốt để giữ chân khách hàng. Đăng kiểm viên, nhân viên phải chủ động hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho khách hàng thủ tục, hồ sơ, giấy tờ hay bất kỳ thắc mắc nào của chủ phương tiện”, ông Hiếu nói.

Giảm đầu tư ngân sách, không còn độc quyền công nghệ

“Theo Cục Đăng kiểm VN, các thiết bị, dây chuyền kiểm định không còn do một hãng nước ngoài độc quyền cung cấp như trước đây, mà được cung cấp bởi một số hãng có uy tín ở châu Âu như MAHA, BOSCH (Đức), Muler (Pháp), RYME (Tây Ban Nha). Các kết quả kiểm định được dữ liệu hóa trên thông tin điện tử nhằm can thiệp vào kết quả kiểm định tự động, đồng thời tự động kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm VN để phục vụ công tác quản lý.”

Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, toàn quốc có 173 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động, đáp ứng đủ nhu cầu kiểm định xe cơ giới đang lưu hành trên toàn quốc. Ở nhiều địa phương trước đây chỉ có một trung tâm đăng kiểm, nay có thêm từ một đến vài trung tâm, giúp các chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải được lựa chọn đơn vị kiểm định, giảm thời gian đi lại, chờ đợi.

“Chủ trương xã hội hóa đầu tư dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã huy động thêm các nguồn lực, tiềm năng xã hội để tăng số lượng trung tâm đăng kiểm, mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị kiểm định. Ngân sách Nhà nước không phải chi cho công tác kiểm định xe cơ giới, chủ phương tiện, người dân được lựa chọn đơn vị kiểm định có chất lượng phục vụ tốt hơn. Các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định độc lập, tự chủ và ý thức hơn trong phục vụ khách hàng”, ông Quân cho biết.

Theo Cục Đăng kiểm VN, việc xã hội hóa đầu tư còn là cú hích hình thành các trung tâm đăng kiểm mới có cơ sở vật chất, nhà xưởng khang trang, hiện đại để cạnh tranh với các trung tâm đã có trước đó. Chủ trương xã hội hóa đầu tư cũng cho phép các hãng sản xuất thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại cạnh tranh cung cấp sản phẩm. Nhờ đó, thiết bị, dây chuyền, hệ thống kiểm định xe cơ giới trong nước không còn độc quyền và có mức độ tự động hóa cao, công nghệ tiên tiến so với các nước trong khu vực ASEAN và phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Đăng kiểm ô tô quốc tế.

Ai được kiểm tra, phúc tra kết quả đăng kiểm xe ô tô?

Keyword đầu tiên có dấu

Tổ kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN phúc tra kết quả kiểm định xe tải tại một trung tâm đăng kiểm phía Bắc

Trong 4 tháng đầu năm 2019, Cục Đăng kiểm VN tổ chức 17 đợt kiểm tra chuyên ngành về hoạt động kiểm định đối với các trung tâm đăng kiểm xe ô tô trên toàn quốc, qua đó phát hiện 7 trung tâm, với 13 đăng kiểm viên vi phạm. Cục này cũng đình chỉ hoạt động đăng kiểm 1-3 tháng đối với các đăng kiểm viên vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động một trung tâm và yêu cầu các trung tâm khác chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động nội bộ.

Ngày 30/4, ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, hoạt động kiểm tra, phúc tra chuyên ngành đăng kiểm được thực hiện theo Thông tư 42 ngày 16/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT và văn bản (số 2757 năm 2013) của Cục Đăng kiểm VN hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành.

“Các tổ kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN thực hiện nhiệm vụ phải theo chỉ đạo của lãnh đạo Cục, phân công của Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN. Người kiểm tra phải có thẻ kiểm tra viên do Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cấp và chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra, phúc tra của mình”, ông Trần Anh Quân nói.

Cụ thể, kiểm tra viên phải mang theo thẻ kiểm tra khi thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc bí mật khi được giao nhiệm vụ, tính chính xác, trung thực và khách quan trong quá trình kiểm tra; có quyền lập biên bản vi phạm và đề xuất xử lý đối với trung tâm đăng kiểm, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động đăng kiểm.

Cùng với kiểm tra đột xuất, trong trường hợp cần thiết, Phòng Kiểm định xe cơ giới được bố trí người có trình độ nghiệp vụ phù hợp để thực hiện giám sát trực tiếp hoạt động kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm. Mỗi đợt giám sát không quá 5 ngày/đơn vị và báo cáo Cục Đăng kiểm kết quả giám sát bằng văn bản, trường hợp giám sát dài hơn phải được lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN đồng ý.

Theo Thông tư số 42 ngày 16/10/2012 của Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm VN có trách nhiệm tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm. Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan.

Sở GTVT các địa phương chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan của Cục Đăng kiểm VN.

Được biết, toàn quốc hiện có 173 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động theo mô hình đơn sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.