Ăn nên làm ra nhờ vận tải tuyến pha sông biển Bắc - Nam

02/05/2019

Từ con số 0, tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển VR-SB kết nối Bắc Nam sau 4 năm mở tuyến, đội tàu đã lên đến hơn 1.800 chiếc.

Keyword đầu tiên có dấu

​Tàu SB chờ lấy hàng tại vùng nước cảng biển Quảng Ninh

Đầu không xuôi sợ đuôi không lọt…

“Tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển là trục kết nối vận tải thủy quan trọng bậc nhất, mục tiêu của ngành đường thủy là ưu tiên đầu tư, quản lý để phát huy hiệu quả khai thác vận tải.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN”

Nhớ lại những ngày đầu chuẩn bị mở tuyến, ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam kể, khoảng năm 2013, công ty của ông mua một tàu biển 2.600 tấn cũ với kế hoạch nâng cấp chở than sang Trung Quốc. Nhưng không may, đúng lúc tuyến vận tải biển này hết thời.

“Đúng lúc đó, tôi nghe thông tin Bộ GTVT sẽ có chủ trương mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Quảng Bình dành cho tàu pha sông biển. Lúc đầu, tôi không tin tuyến sẽ thành công. Nhưng ở thế chẳng còn đường lùi, sau khi tìm hiểu ngọn ngành liền dốc toàn bộ tài sản của gia đình được khoảng 20 tỷ đồng, quyết định cải tạo con tàu thành tàu pha sông biển trọng tải 4.600 tấn”, ông Ngọ kể lại.

Ông Ngọ cho biết, năm 2014 khi tuyến được mở, ông đăng ký đưa tàu vào chạy ngay ngày khai trương, chở chuyến hàng đầu tiên từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Nhưng chẳng hiểu sao, đúng ngày chạy tàu lại bị trục trặc, không tham gia được. “Khi đó, tôi rất buồn và luôn có suy nghĩ “đầu không xuôi chắc đuôi không lọt”, chỉ sợ phá sản”, ông Ngọ kể.

Tuy nhiên, nỗi lo đó nhanh chóng qua đi, mọi việc sau đó rất thuận buồm xuôi gió. Tuyến ven biển được mở dành cho tàu đi cả sông và ven biển lúc đó như một luồng gió mới để các doanh nghiệp vận tải biển hồi sinh và mở mang cho doanh nghiệp vận tải thủy. Nắm bắt cơ hội mới, các doanh nghiệp dần đua nhau nâng cấp tàu sông hoặc chuyển tàu biển cỡ nhỏ, rồi đóng mới tàu SB. Công ty TM&VT Vũ Gia Tam hai năm sau cũng đầu tư đóng mới con tàu thứ 2 trọng tải 4.800 tấn và hiện đang đầu tư thêm một con tàu 5.000 tấn.

“Năm đầu tiên chưa có nhiều tàu tham gia tuyến, giá vận tải khá, tàu của chúng tôi chở không hết hàng nên thắng lớn, nhất là than từ Quảng Ninh đi Hòn La. Ngay năm đầu chúng tôi thu lời được 7 tỷ đồng, sau 3 năm chúng tôi đã thu đủ vốn đầu tư. Tuyến ven biển sau đó tiếp tục được Bộ GTVT kéo dài đến Kiên Giang, Phú Quốc nên nguồn hàng ngày càng đa dạng hơn”, ông Tam phấn khởi kể.

Ông Ngọ so sánh: Một tàu biển cỡ 2.000 tấn cần biên chế 11 thuyền viên, chi phí lương bổng mất khoảng 130 triệu/tháng nhưng trọng tải nhỏ, hàng chở được ít, tiền lãi thu về chẳng được là bao, thậm chí nhiều chuyến phải bù lỗ. Một tàu VR-SB cỡ 5.000 tấn cũng chỉ phải biên chế 11 thuyền viên, lương bổng tương tự nhưng sức chở tăng lên 2,5 lần. Đối với tàu to, chi phí nhiên liệu cũng đỡ hơn nhiều. Nếu tàu 2.000 tấn chạy hết 70 lít dầu/giờ thì tàu 5.000 tấn mất khoảng 110 - 120 lít dầu/giờ. Dầu mỡ chưa gấp đôi nhưng hàng chở gấp hơn 2 lần (do yêu cầu chiều cao mạn khô thấp).

Ông Trương Xuân Hoàn, Giám đốc Công ty Vận tải biển Long Tân nhớ lại: “Thời điểm đó, gạo xuất khẩu đến Trung Quốc qua đường tiểu ngạch giảm sút nghiêm trọng. Nếu không có tuyến ven biển dành cho tàu SB, có lẽ bây giờ chúng tôi đã phá sản, những con tàu ngàn tấn của tôi đã rơi vào tình cảnh “chạy thì lỗ, cắt sắt vụn thì xót”, ông Hoàn tâm sự.

Ông Lê Quý Giang, Công ty Thương mại và vận tải Hải Nam cũng cho biết, đã tham gia tuyến ngay trong thời gian đầu mở tuyến vì thấy được lợi hơn nhiều so với tàu biển. Bởi cùng trên hành trình, nếu đầu tư tàu biển cỡ 5.000 tấn phải bỏ ra gần 100 tỷ đồng, còn đóng mới hoặc hoán cải tàu biển thành tàu SB chỉ cần đầu tư một nửa. Tàu SB vừa được vào cảng sông và cảng biển, chi phí vận hành lại rẻ hơn khoảng 30% tàu biển cùng trọng tải nên cạnh tranh tốt hơn.

“Thời gian đầu tàu SB chạy suốt ngày đêm không hết việc và đến giờ nguồn hàng vẫn rất tốt. Công ty chúng tôi đã có 2 tàu SB trọng tải 4.800 và 5.200 tấn chạy từ Quảng Ninh - TP HCM và hoạt động chuyển tải ở Trà Vinh”, ông Giang chia sẻ.


Nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ tuyến vận tải này

Gõ cửa từng doanh nghiệp vận động

“Ngày 30/6/2014, Bộ GTVT công bố quyết định mở tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình dành cho tàu tối thiểu cấp VR-SB. Hai điểm đầu là Hòn Soi Đèn (Quảng Ninh), vị trí cách cửa biển Nhật Lệ 5km về phía Nam, gồm 17 đoạn, với tổng chiều dài hơn 533km.

Sau đó, tháng 10/2014, Bộ GTVT tiếp tục công bố mở tuyến ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang, chia làm 2 chặng Quảng Bình - Bình Thuận, Bình Thuận - Kiên Giang và nối thông 3 chặng theo dọc ven biển. Tuyến Quảng Bình đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858km đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Riêng từ Kiên Giang đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 700km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.”

“Ngày mở tuyến cái gì cũng mới, trong khi các quy định, thủ tục liên quan đến thuyền viên, phương tiện, thủ tục cảng bến chưa có hoặc không rõ ràng. Biết đâu chuyển đổi tàu sang SB xong lại bị “vỡ” tuyến”, ông Giang chia sẻ.

Lo nhất khi đó là thuyền viên, thuyền trưởng tàu sông hạng Nhất không được điều khiển tàu SB. Nhiều doanh nghiệp phải đành liều thuê bằng thuyền trưởng rồi bổ sung bằng cấp cho anh em thuyền viên sau.

“Tháng đầu tiên mở tuyến chỉ có khoảng chục tàu tham gia. Chúng tôi phải đi từng địa phương, gõ cửa từng doanh nghiệp, nhất là những nơi có nhiều tàu như: Hải Phòng, TP HCM để vận động thêm. Khi các doanh nghiệp nhận biết được tiềm năng và lợi thế lớn của tuyến, chỉ sau 3 tháng, số tàu đăng ký cấp SB đã tăng gấp hàng chục lần và lên đến gần 200 chiếc. Ngoài tàu chở hàng khô còn có tàu chuyên chở container đóng mới”, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN chia sẻ.

Cũng theo ông Học, sau 4 năm, đến nay, đội tàu VR-SB trên toàn quốc đã lên đến hơn 1.800 chiếc các loại; trong đó 664 tàu chở hàng và 50 tàu chở container.

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm đầu tiên, toàn tuyến mới đạt khoảng 6 triệu tấn. Nhưng năm thứ hai đã tăng gần gấp 3, lên hơn 17 triệu tấn. Năm thứ ba lên 23 triệu tấn và năm thứ tư đạt hơn 36,5 triệu tấn, gấp 6 lần so năm đầu.

Ông Nghiêm Quốc Vinh, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chia sẻ, việc tăng trưởng nhanh chóng của đội tàu SB cho thấy thành công vượt ngoài mong đợi của tuyến vận tải pha sông biển. “Xu hướng của tuyến vận tải ven biển bằng tàu SB là ngày càng có nhiều tàu trọng tải cỡ lớn tham gia để tăng năng lực vận chuyển. Vì vậy, bên cạnh khuyến khích phát triển cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ bằng thiết bị định vị, định biên thuyền viên phù hợp với trọng tải tàu… để tàu SB hoạt động ổn định, an toàn trên biển”, ông Vinh nói.

Khi tàu SB phát triển mạnh giúp kéo giảm cước vận tải bằng tàu biển, đến nay hai loại hình này có giá cước tương đương. Hiện tại, vận tải hàng hóa bằng tàu SB tương đương với vận tải bằng tàu biển, giá cước hàng hóa khoảng 180.000 - 185.000 đồng/tấn đối với chặng từ Quảng Ninh - TP HCM, 200.000 đồng/tấn trên chặng đến Phú Quốc, Kiên Giang.

“Giá cước vận tải tùy thuộc vào cung chặng và khối lượng hàng, nhưng mặt bằng chung chỉ bằng 1/3 so với vận tải bằng đường bộ. Về thời gian hành trình, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, từ Quảng Ninh đến Quảng Bình mất khoảng 2 ngày, đến Bình Thuận 3 ngày, đến TP HCM 4 ngày và đến Phú Quốc 5 ngày. Còn trên chặng Quảng Bình - Bình Thuận, thời gian vận chuyển khoảng 10 giờ, chỉ nhiều hơn đường bộ khoảng 4 giờ”, ông Trương Xuân Hoàn, Giám đốc Công ty Vận tải biển Long Tân cho biết.

Về vận tải container, giá vận tải bằng tàu SB từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3-3,2 triệu đồng/container 20 feet, trong khi vận tải bằng đường bộ có giá 12- 20 triệu đồng. Thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ.