Kết quả khóa họp thứ 74 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển

23/05/2019

Khóa họp thứ 74 của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã diễn ra tại trụ sở IMO (Luân Đôn, Vương quốc Anh) từ ngày 13 đến 17/5/2019.


Tại cuộc họp này, MEPC đã thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải được tóm tắt dưới đây.

1. Thông qua sửa đổi, bổ sung các văn kiện mang tính ràng buộc của IMO

a) Sửa đổi, bổ sung Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL)

Sử dụng nhật ký điện tử

Công ước MARPOL đã được sửa đổi, bổ sung để cho phép sử dụng các nhật ký sau dưới hình thức điện tử: Nhật ký dầu Phần I - Các hoạt động trong buồng máy và Nhật ký dầu Phần II - Các hoạt động làm hàng/dằn tàu (Phụ lục I); Nhật ký hàng (Phụ lục II); Nhật ký rác (Phụ lục V); Nhật ký liên quan đến chất làm suy giảm tầng ôzôn, ôxít nitơ, ôxít sunphua và chất dạng hạt (Phụ lục VI). Các sửa đổi, bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2020. MEPC cũng đã thông qua các hướng dẫn về sử dụng nhật ký điện tử theo quy định của Công ước MARPOL.

Cặn hàng và việc rửa két chứa các chất lỏng độc hại nổi khó tan

MEPC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục II của Công ước MARPOL với mục đích thắt chặt các quy định về cặn hàng và việc rửa két chứa các chất lỏng độc hại nổi khó tan với độ nhớt cao, và/hoặc  điểm chảy cao có thể hóa rắn ở một số điều kiện nhất định (ví dụ như một số loại dầu thực vật và một số loại hàng như paraphin).

Bổ sung, sửa đổi này thêm một mục mới vào Quy định 13 "Kiểm soát thải cặn chất lỏng độc hại" của Phụ lục II yêu cầu việc rửa trước (prewash), và thải hỗn hợp nước/cặn hàng được tạo ra trong qua trình rửa trước đến phương tiện tiếp nhận đối với một số loại hàng cụ thể trong các khu vực quy định (vùng nước tây bắc Âu, vùng biển Bantíc, vùng nước tây Âu và vùng biển Na Uy). Dự kiến, sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Quy định về chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) của tàu gia cường đi băng

Sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI liên quan đến quy định EEDI của tàu gia cường đi băng, trong đó thay thế cụm từ "các tàu hàng có khả năng phá băng" bằng cụm từ "các tàu loại A được định nghĩa trong Bộ luật tàu hoạt động tại các cực của trái đất". Sửa đổi, bố sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2020/

b) Sửa đổi, bố sung Bộ luật IBC và BCH


MEPC đã thông qua bộ sửa đổi, bổ sung toàn diện đối với Bộ luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (IBC) liên quan đến Chương 17 "Tóm tắc các yêu cầu tối thiểu", Chương 18 "Danh mục các sản phẩm mà Bộ luật không áp dụng" và Chương 21 "Các tiêu chí để chỉ định các yêu cầu vận chuyển các sản phẩm thuộc Bộ luật IBC". Đồng thời, MEPC cũn đã thông qua các sửa đổi, bổ sung tương tự đối với Bộ luật về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm (BCH). Các sửa đổi, bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

c) Sửa đổi, bổ sung Bộ luật kỹ thuật NOX năm 2008

Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật kỹ thuật NOX năm 2008 liên quan đến việc sử dụng nhật ký điện tử và các yêu cầu chứng nhận đối với hệ thống giảm phát thải xúc tác chọn lọc (SCR). MEPC cũng đã thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung đối với hướng dẫn năm 2017 để đề cập các khía cạnh bổ sung của Bộ luật kỹ thuật NOX năm 2008 về các yêu cầu cụ thể liên quan đến động cơ điêzen hàng hải có trang bị hệ thống  SCR. Sửa đổi, bổ sung dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.

2. Giảm phát thải khí nhà kính từ tàu

MEPC đã thúc đẩy một số biện pháp nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược ban đầu của IMO về giảm phát thải khí nhà kính (GHG) từ tàu, phù hợp với Thỏa thuận Paris theo Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.

MEPC đã phê chuẩn các sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường các yêu cầu bắt buộc hiện có để các tàu mới có hiệu quả năng lượng cao hơn; khởi xướng nghiên cứu GHG lần thứ tư của IMO; thông qua nghị quyết khuyến khích hợp tác với các cảng để giảm phát thải từ vận tải biển; phê chuẩn quy trình đánh giá tác động của các biện pháp mới được đề xuất; đồng ý thành lập quỹ ủy thác nhiều nhà tài trợ cho GHG; thống nhất các điều khoản tham chiếu cho các nhóm làm việc giữa hai kỳ họp thứ sáu và thứ bảy sẽ được tổ chức vào tháng 11/2019 và tháng 3/2020 để xúc tiến công việc.

MEPC cũng đã thảo luận về các giải pháp đề cử ngắn hạn, trung hạn và dài hạn có thể nhằm mục đích giảm phát thải GHG từ tàu để xem xét thêm tại các khóa họp tiếp theo.

MEPC đã phê duyệt sửa đổi, bổ sung đối với Phụ lục VI của Công ước MARPOL để tăng cường đáng kể các yêu cầu "Giai đoạn 3" của Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI). Dự kiến, sửa đổi, bổ sung này sẽ được thông qua tại khóa họp 75 của MEPC (tháng 4 năm 2020).

3. Thực hiện giới hạn lưu huỳnh năm 2020

MEPC đã phê chuẩn và thông qua Nghị quyết MEPC.320(74) - Hướng dẫn năm 2019 về thực hiện nhất quán giới hạn lưu huỳnh 0,50% theo Phụ lục VI của Công ước MARPOL.

Hướng dẫn toàn diện này bao gồm mẫu "Báo cáo về sự không có sẵn dầu nhiên liệu (FONAR)" trong Phụ lục 1 và "Đánh giá kỹ thuật về các tác động an toàn tiềm tàng có thể được nhận biết liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu tuân thủ năm 2020" trong Phụ lục 2.


4. Kế hoạch hành động về rác nhựa thải ra biển từ tàu

Thực hiện Kế hoạch hành động của IMO về vấn đề rác nhựa thải ra biển từ tàu đã được thông qua tại khóa họp thứ 73, tại khóa họp lần này, MEPC đã:

• Phê duyệt các điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu của IMO về rác nhựa thải ra biển từ tàu, tập trung vào thông tin về sự đóng góp của tất cả các tàu trong việc thải rác nhựa ra biển; và thông tin về việc cất giữ, chuyển giao, tiếp nhận chất thải nhựa do tàu tạo ra và do tàu thu gom được.

• Ghi nhận việc Nhóm các chuyên gia khoa học bảo vệ môi trường biển (GESAMP) đã thành lập Nhóm công tác về các nguồn rác nhựa tạo ra trên biển (GESAMP WG 43) để thực hiện việc xem xét, phân tích các kiến thức hiện có về rác nhựa thải ra biển từ tất cả các nguồn trên biển và đánh giá các lỗ hổng dữ liệu.

• Đề nghị GESAMP cung cấp báo cáo về công việc của GESAMP WG 43 cho MEPC tại khóa họp 75.

• Phát triển ma trận khung pháp lý để xác định tất cả các công cụ điều tiết quốc tế và thực tiễn tốt nhất liên quan đến vấn đề xả rác nhựa ra biển từ tàu.

• Phê duyệt phạm vi công việc cho Tiểu ban Ngăn ngừa và ứng phó ô nhiễm (PPR) liên quan đến các nội dung của Kế hoạch hành động nhằm giải quyết rác nhựa thải ra biển từ tàu (Nghị quyết MEPC.310 (74)), bao gồm cả việc tạo điều kiện và tăng cường báo cáo về việc  mất hoặc xả thải ngẫu nhiên ngư cụ.

• Đề nghị Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) :

•      Cung cấp thông tin về các chương trình đánh dấu và ghi nhật ký ngư cụ cho MEPC và/hoặc cho Nhóm công tác GESAMP 43, nếu phù hợp;

•      Hợp tác với IMO và đưa ra khuyến nghị về việc áp dụng đánh dấu ngư cụ tự nguyện hoặc bắt buộc, bao gồm các chi phí liên quan đến việc thực hiện yêu cầu bắt buộc và các văn kiện của FAO hoặc IMO thích hợp nhất để có khả năng đưa ra yêu cầu đó;

•      Cung cấp cho các khóa họp tiếp theo của MEPC hoặc Tiểu ban PPR thông tin thích hợp về cơ chế báo cáo hiện có liên quan đến ngư cụ bị mất hoặc bị xả thải ngẫu nhiên, bao gồm các thách thức và lợi ích của cơ chế đó, cũng như thông tin có thể giúp làm rõ các chi tiết về việc mất ngư cụ cần phải báo cáo.

• Đề nghị các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế quan tâm chuyển cho Tiểu ban PPR các đề xuất về cơ chế báo cáo trong trường hợp ngư cụ bị mất hoặc bị xả thải ngẫu nhiên, bao gồm các thách thức, lợi ích của cơ chế đề xuất và các biện pháp hiện có cũng như tiềm năng để khuyến khích các tàu cá báo cáo.

• Thống nhất việc các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế quan tâm đề xuất cách thức phù hợp để tiến hành báo cáo bắt buộc về các container bị mất trên biển và cách thức thông báo vị trí của các container này cho Ủy ban An toàn hàng hải (MSC). MEPC yêu cầu Tiểu ban Vận chuyển hàng hóa và container (CCC) và Tiểu ban Hành hải, thông tin và tìm kiếm cứu nạn (NCSR) lưu ý tầm quan trọng của vấn đề container bị mất trên biển đối với việc xử lý rác nhựa thải ra biển từ tàu trong các công việc chuyên môn của tiểu ban trong tương lai.

Tại khóa họp, MEPC đã thành lập nhóm công tác để hoàn thiện dự thảo chiến lược giải quyết rác nhựa thải ra biển từ tàu đề  báo cáo tại khóa họp thứ 75.


5. Thực hiện Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu (BWM)

MEPC đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung đối với Công ước BWM liên quan đến việc thử nghiệm vận hành hệ thống quản lý nước dằn và mẫu giấy chứng nhận quản lý nước dằn quốc tế. Sửa đổi, bổ sung này sẽ  được gửi cho các bên liên quan với dự kiến sẽ được thông qua tại khóa họp thứ 75. MEPC tán thành quan điểm về việc thử nghiệm vận hành hệ thống quản lý nước dằn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, theo hướng dẫn đã được phê chuẩn (Thông tư BWM.2/ Circ.70)

Tại khóa họp, MEPC đã phê chuẩn 5 hệ thống quản lý nước dằn sử dụng hoạt chất.

6. Phê chuẩn các hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung một số văn kiện của IMO

Tại khóa họp, MEPC đã:

• Phê chuẩn 4 thông tư bao gồm các hướng dẫn mới hoặc hướng dẫn cập nhật liên quan đến việc đánh giá và vận chuyển xô hóa chất.

• Phê chuẩn phương pháp phân tích tác động của việc cấm sử dụng và vận chuyển dầu nặng làm nhiên liệu cho tàu biển ở vùng nước Bắc Cực.

• Phê duyệt Hướng dẫn thực hiện Công ước quốc tế về sự sẵn sàng, ứng phó và hợp tác chống ô nhiễm dầu (OPRC Convention) và Nghị định thư của Công ước này (OPRC-HNS Protocol).

• Giao cho Tiểu ban PPR dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu (AFS) để bao gồm các biện pháp kiểm soát mới đối với biocide cybutryne.

7. Hoạt động hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực

Để triển khai các văn kiện liên quan đến môi trường của IMO, các hoạt động hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực đã đóng một vai trò rất quan trọng tại IMO.

Tại khóa họp thứ 74, MEPC đã đồng ý thành lập quỹ ủy thác nhiều nhà tài trợ tự nguyện (Quỹ ủy thác GHG TC), để cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính chuyên dụng cho các hoạt động hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược ban đầu của IMO về giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ tàu.

Dự án IMO-Norway GreenVoyage-2050 đã được triển khai ngày 13/5/2019 với mục đích đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy việc thu hút công nghệ xanh nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải.