Thách thức bủa vây ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

10/06/2019

Ngành công nghiệp ô tô truyền thống toàn cầu đang đứng trước nhiều mối đe dọa cùng lúc: sự trỗi dậy của xe điện, xu hướng giảm sở hữu xe cá nhân trong kỷ nguyên của Uber, các quy định siết chắt các tiêu chuẩn khí thải trên toàn cầu.

Các công nghệ mới đang làm lung lay ngành công nghiệp giải trí, truyền thông, viễn thông, bán lẻ truyền thống, đe dọa việc làm của hàng triệu lao động và các hãng xe toàn cầu sẽ là mục tiêu tiếp theo.

"Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ trải qua cuộc chuyển đổi lớn nhất trong vòng 100 năm qua và điều này thực sự tốn kém ngay cả đối với hãng xe lớn nhất”, Erik Gordon, giáo sư tại Trường kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan (Mỹ), nói.

Công ty tư vấn AlixPartners cho rằng các hãng xe lớn nhất toàn cầu sẽ chi hơn 400 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới để phát triển xe điện được trang bị công nghệ, giúp tự động hóa phần lớn nhiệm vụ lái xe. Họ cũng phải trang bị lại các nhà máy, đào tạo lại công nhân, tái tổ chức mạng lưới những nhà cung ứng và phải suy nghĩ lại về xu hướng sở hữu xe cá nhân.

Đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, khoản đầu tư khổng lồ cho xe điện là vấn đề sống còn. Nếu không thích nghi, họ có thể trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, không hãng xe nào chắc chắn rằng khách hàng thực sự sẵn sàng trả tiền cho các công nghệ mới và cũng không chắc chắn liệu họ có kiếm được lợi nhuận hay không.

Doanh số xe ở Trung Quốc giảm 3% vào năm 2018 là đây là cú sụt giảm doanh số xe lần đầu tiên trong hai thập kỷ ở Trung Quốc. 

Nhiều nhà đầu tư đã báo hiệu công ty nào sẽ vươn lên dẫn trước trong cuộc sự chuyển đổi này. Dù đang vấp phải khó khăn, nhà sản xuất xe điện Tesla (Mỹ) vẫn có mức vốn hóa thị trường cao hơn cả hãng xe Fiat Chrysler hay hãng xe Renault.

Sự chỉnh đốn trong ngành công nghiệp ô tô đặt ra những rủi ro rất lớn cho xã hội. Các hãng xe như Volkswagen, General Motors hay Toyota đang vận hành những nhà máy rộng lớn, nơi hàng ngàn công nhân ra vào cổng trong mỗi lần thay ca.

Trên toàn thế giới, 8 triệu công nhân đang làm việc trực tiếp cho các nhà sản xuất ô tô và một lực lượng công nhân, gấp nhiều lần con số đó, đang làm việc cho các nhà cung cấp phanh, lốp xe, cảm biến và các linh kiện ô tô khác.

Song số việc làm nay đang bị đe dọa. Năm ngoái, doanh số xe toàn cầu lần đầu tiên giảm kể từ năm 2009. Các nhà phân tích ở hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch Ratings cho biết dù mức giảm không lớn nhưng điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu vì ngành công nghiệp ô tô là một chất xúc tác kinh tế quan trọng.

Nguyên nhân trực tiếp khiến doanh số xe toàn cầu sụt giảm là do các đòn thuế mà Tổng thống Trump áp với hàng hóa Trung Quốc năm ngoái, gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc, khiến tăng trưởng doanh số xe ở thị trường xe lớn nhất thế giới rơi vào bế tắc.

Xe điện đang được sạc pin trên đường phố Oslo, Na Uy, nước đang đặt mục tiêu chuyển hoàn toàn sang sử dụng xe điện vào năm 2025. 

Trong 3 tháng đầu năm 2019, tại Trung Quốc, doanh số xe của Ford giảm 36%, xuống còn 136.000 chiếc do bị tác động của các đòn thuế. Song cũng có những xu hướng dài hạn đáng ngại khác đang tác động đến ngành công nghiệp ô tô.

Doanh số xe ở Mỹ và châu Âu đang trì trệ và mức tăng trưởng nhu cầu mua xe cá nhân cũng gây thất vọng.  Theo nghiên cứu của cựu giáo sư Michael Sivak ở Đại học Michigan (Mỹ), số bằng lái cấp cho giới trẻ Mỹ hàng năm đã giảm dần kể từ thập niên 1980.

Hơn nữa, đối với nhiều người tiêu dùng trẻ ở Mỹ, xe cá nhân là thứ xa xỉ chứ không phải là phương tiện cần thiết. Tại các khu vực đô thị, người dân có thể tiết kiệm chi phí đỗ xe và chi phí bảo hiểm bằng cách sử dụng các dịch vụ gọi xe như Uber hay Lyft hoặc có thể thuê xe theo giờ từ các dịch vụ như Zipcar.

Mối quan hệ đang lung lay giữa người tiêu dùng và xe hơi càng suy yếu thêm do các mối quan tâm chính trị liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như tình trạng chất lượng không khí suy giảm ở các thành phố lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động vận chuyển chiếm 1/5 khí thải carbon dioxide trên toàn cầu.

Trước sức ép của công luận, các nhà hoạch định chính sách buộc những hãng xe cải thiện mức tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải ở các dòng xe mới của họ. Tại EU, hãng xe được yêu cầu phải đạt mức trung bình tiết kiệm nhiên liệu tương đương với khoảng 84km/gallon (3,78 lít) nhiên liệu vào năm 2021, nếu không sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, các hãng xe châu Âu vẫn chưa đạt được mục tiêu này, một phần là do khách hàng ở châu Âu chuộng các dòng xe thể thao đa dụng, vốn tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Do đó, các hãng xe ở châu Âu đang đối mặt với khoản phạt 34 tỉ euro, theo ước tính của công ty nghiên cứu JATO Dynamics.

Cơ quan quản lý và những người tiêu dùng ngày càng có ý thức về môi trường đang thúc đẩy hồi kết của các dòng xe chạy bằng động cơ đốt trong. Trung Quốc, Anh, Pháp đang dẫn đầu một nhóm nước muốn loại bỏ xe chạy bằng xăng và diesel vào năm 2040. Na Uy đang nỗ lực chuyển sang sử dụng toàn bộ xe điện vào năm 2025.
Lãnh đạo của các hãng xe toàn cầu đã nhận thấy những chuyển động này từ cách đây nhiều năm và đang sẵn sàng ứng phó.

Hãng xe BMW đã bán dòng xe điện BMW i3 từ năm 2013. Hãng xe Nissan giới thiệu dòng xe điện Leaf vào năm 2010. Các hãng xe truyền thống khác như General Motors, Daimler, BMW và Volkswagen cũng đã phản ứng với xu hướng giảm sử dụng xe cá nhân bằng cách ra mắt các dịch vụ dùng chung xe.

Dù có quy mô lớn nhưng các hãng xe như Fiat Chrysler, Ford hay Volkswagen đang ở thế bất lợi so với các đối thủ mới chẳng hạn Dyson, công ty sản xuất máy hút bụi nổi tiếng ở Anh, đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Singapore.

Phần lớn doanh thu của hãng xe truyền thống vẫn dựa vào xe động cơ đốt trong và họ phải duy trì mạng lưới nhà máy đang nhanh chóng trở thành gánh nặng tài chính do hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, thị trường xe Trung Quốc chỉ hấp thụ được 50% sản lượng xe sản xuất hàng năm của nước này nên các hãng xe ở Trung Quốc đang tìm cách len lỏi vào các thị trường châu Âu.

Cán cân sức mạnh đang thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô đã đe dọa đời sống của hàng ngàn công nhân.
Để ứng phó với nguy cơ thị trường ô tô suy thoái tại Mỹ, General Motors đã đóng cửa một nhà máy ở bang Ohio vào tháng 3-2019 và dự định đóng cửa thêm 3 nhà máy khác ở Mỹ vào cuối năm nay nhằm cắt giảm chi phí.

Quyết định của General Motors khiến hơn 10.000 công nhân mất việc làm. Volkswagen hôm 5-6 cho biết sẽ tuyển dụng 2.000 việc làm mới trong các ngành công nghệ số hóa nhưng sẽ cắt giảm 4.000 việc làm khác bị dôi dư khi hãng xe này nâng cao tự động hóa trong sản xuất.

Theo một số ước tính, khoảng 50% việc làm trong ngành công nghiệp ô tô của Đức đang đứng trước rủi ro. Xe điện cần ít linh kiện hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong và cuộc chuyển đổi sang xe điện chắc chắn đe dọa các nhà cung cấp van, piston và các linh kiện khác sử dụng ở các động cơ truyền thống.