Toyota đầu tư gần 2 tỷ USD vào Indonesia phát triển xe hybrid

01/07/2019

Nhà sản xuất ôtô hàng đầu Nhật Bản Toyota Motor Corp sẽ đầu tư khoảng 210 tỷ yen (tương đương 1,9 tỷ USD) vào Indonesia từ nay đến năm 2023, chủ yếu để phát triển xe động cơ lai xăng điện (hybrid).


Một nhà máy sản xuất ôtô của Toyota

Theo các nguồn tin thân cận, nhà sản xuất ôtô hàng đầu Nhật Bản Toyota Motor Corpsẽ đầu tư khoảng 210 tỷ yen (tương đương 1,9 tỷ USD) vào Indonesia từ nay đến năm 2023, chủ yếu để phát triển xe động cơ lai xăng điện (hybrid).

Các nguồn tin cũng nói rằng, Chủ tịch Toyota Motor, ông Akio Toyoda, đã giải thích kế hoạch đầu tư của công ty cho các quan chức chính phủ Indonesia trong cuộc họp của họ hồi đầu tuần này.

Kế hoạch đầu tư vào một trong những thị trường ôtô lớn nhất khu vực Đông Nam Á cũng nhằm giúp nhà sản xuất ôtô Nhật Bản chuẩn bị trước cho sự nở rộ của nhu cầu xe điện toàn phần trong tương lai.

Trong năm 2018, Toyota Motor đã sản xuất khoảng 200.000 chiếc xe tại Indonesia.

Trước đó vào đầu tháng này, Toyota Motor cho biết công ty này sẽ nâng mục tiêu doanh số bán xe điện và các loại xe thân thiện với môi trường khác lên 5,5 triệu xe trên toàn cầu mỗi năm, trong giai đoạn 5 năm kết thúc vào năm 2025.

Thông báo trên được đưa ra sau khi hồi cuối năm 2017, Toyota Motor cho hay công ty này đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm hơn một nửa doanh số bán toàn cầu của họ vào khoảng năm 2030, tương đương khoảng 5,5 triệu chiếc, trong đó có 1 triệu chiếc xe điện và xe sử dụng công nghệ pin nhiên liệu hydro.

Trong một diễn biến liên quan, các nguồn thạo tin cho hay Toyota Motor dự kiến sẽ tham gia một nền tảng phần mềm mở dành cho các phương tiện tự lái do Tập đoàn công nghệ Baidu của Trung Quốc đứng đầu. Đây là một trong những nỗ lực để tăng tốc phát triển công nghệ xe tự lái của công ty này.

Toyota Motor đã tích cực mở rộng quan hệ đối tác với các công ty phát triển công nghệ xe tự lái.

Hồi đầu năm nay, Công ty cũng công bố một kế hoạch đầu tư vào công ty con chuyên nghiên cứu xe tự lái của Uber Technologies Inc.

Một số nguồn tin khác cũng đã tiết lộ gần đây rằng Toyota Motor đang xem xét cung cấp các công nghệ tự lái cho các công ty chuyên về dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng.

Chính phủ Đức đặt mục tiêu có 10 triệu ôtô điện đến năm 2030


Đức đặt mục tiêu đến 2030 sẽ có 10 triệu ôtô điện cá nhân và 500.000 xe tải điện chạy trên các con đường toàn liên bang, cùng với đó sẽ là một hệ thống gồm 300.000 trạm xạc điện đặt khắp mọi nơi.

Chính phủ Đức và ngành công nghiệp ôtô nước này đang tập trung phát triển mạnh mẽ phương tiện ôtô điện sau khi không đạt được mục tiêu đưa ra năm 2008 là có 1 triệu chiếc xe chạy điện đến năm 2020.

Theo tạp chí Der Spiegel (Tấm gương), mục tiêu cho thập kỷ tới đã được Chính phủ nước này đưa ra trong một kế hoạch nhiều tham vọng. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 10 triệu ôtô điện cá nhân và 500.000 xe tải điện chạy trên các con đường toàn liên bang, cùng với đó sẽ là một hệ thống gồm 300.000 trạm xạc điện đặt khắp mọi nơi, có thể “phục vụ cho tất cả mọi người ở bất kỳ đâu."

Theo Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer, hệ thống rộng lớn các trạm xạc điện này sẽ “xóa tan những nghi ngại cuối cùng” của người dân về ôtô chạy điện.

Bộ Giao thông Đức cho biết, việc phát triển mạnh mẽ ôtô điện sẽ giúp nước này cũng như châu Âu đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu, khi mà theo kế hoạch, đến năm 2030, lĩnh vực giao thông của Đức sẽ phải cắt giảm được 40% lượng phát thải khí CO2 so với năm 1990.

Hiện nay tại Đức, ôtô điện chưa được người dân quan tâm nhiều như ôtô chạy xăng hay diesel. Trong tổng số hơn 47 triệu ôtô đang lưu hành tại nước này mới chỉ có 83.000 ôtô điện và 341.000 ôtô Hybrid cùng với 17.400 trạm xạc điện. Trong khi đó, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã phải từ bỏ mục tiêu đưa ra trước đây là đến năm 2020, sẽ có 1 triệu xe ôtô điện và 100.000 trạm xạc điện hoạt động.

Bộ trưởng Scheuer cho biết, việc xây dựng các điểm xạc điện tại các gara ôtô dưới lòng đất sẽ dễ thực hiện hơn và chính phủ sẽ phải cho ý kiến về một dự luật liên quan vấn đề này. Theo dự kiến, khoản tiền cho việc thực hiện kế hoạch sẽ vào khoảng 1 tỷ euro.

Ông Bernhard Mattes - Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức (VDA), cho biết các trạm xạc điện là cực kỳ quan trọng đối với ôtô điện, và đây có thể coi là “nền tảng tốt” để các lãnh đạo ngành công nghiệp ôtô, công đoàn và các nhà chính trị gặp gỡ, thảo luận, thống nhất kế hoạch phát triển loại phương tiện cho tương lai này.