Dấu ấn phong trào thi đua “4 xin - 4 luôn”

03/09/2019

Phong trào “4 xin - 4 luôn” tạo ra sự lan tỏa lớn và góp phần gây dựng hình ảnh người lao động ngành Giao thông đẹp hơn, nhân văn hơn…

Keyword đầu tiên có dấu

Với những cống hiến vào sự nghiệp phát triển tổ chức công đoàn, cán bộ, lãnh đạo Bộ GTVT và Công đoàn GTVT VN được Tổng liên đoàn LĐVN trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” nhân dịp kỷ niệm 90 năm Công đoàn VN (28/7/1929 - 28/7/2019)

Nét đẹp người lao động ngành Giao thông qua phong trào “4 xin, 4 luôn”

Một trong những đổi thay tích cực của ngành GTVT thời gian qua được người dân ghi nhận là hình ảnh CBCNV lịch sự, thân thiện, nhiệt tình hơn khi giao tiếp, phục vụ nhân dân, khách hàng. Đó là kết quả của phong trào thực hiện văn hóa ứng xử giao tiếp “4 xin”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn”: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ” mà Công đoàn GTVT Việt Nam phát động đến các cơ quan, đơn vị, DN trong ngành GTVT từ tháng 5/2014.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho biết, để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa, Công đoàn đã tranh thủ được sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn khi triển khai. Vì vậy, phong trào đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện được xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, từng chức danh, vị trí công việc.

“Phương châm “4 xin - 4 luôn” được đặt ở các vị trí dễ thấy nhất như để nhắc nhở CBCNV thực hiện, đồng thời người dân, DN thấy để giám sát”, ông Việt nói.

Đến nay, sau 5 năm, phong trào này vẫn được duy trì thường xuyên; tạo sức lan tỏa trong toàn thể CBCNV, hình thành nên nét đẹp văn hóa người giao thông. Điều dễ thấy nhất là tại những nơi trước kia “có tiếng” về sự lộn xộn, hách dịch như: Bến tàu, bến xe, thì nay đã nhiều hơn những lời thưa gửi mềm mỏng, lịch sự, những sự chỉ dẫn, giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ… Tại các cơ quan hành chính thường xuyên tiếp xúc với người dân, DN, đã có nhiều cải cách, đổi mới thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, giảm bớt các thủ tục phiền hà hay thái độ cửa quyền, sách nhiễu…


Đồng chí Lê Đình Thọ trao hỗ trợ cho nhân dân huyện Mường Lát, Thanh Hóa

Ý nghĩa nhân văn to lớn của Quỹ Xã hội - Từ thiện

Cùng với phong trào “4 xin - 4 luôn”, việc thành lập và duy trì hoạt động Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT VN ổn định, bền vững trong 5 năm qua đã góp phần xây dựng hình ảnh người lao động ngành Giao thông nhân văn hơn, đẹp hơn.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho hay, đặc thù của người lao động ngành giao thông làm việc trong điều kiện phân tán, nặng nhọc, thu nhập thấp. Hơn nữa, với những thế hệ đi trước như cựu TNXP còn rất thiệt thòi. Điều này đặt ngành giao thông trước trăn trở làm gì để chia sẻ với lực lượng cựu TNXP và CBCNV ngành giao thông có hoàn cảnh khó khăn. Từ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Công đoàn GTVT VN đã xây dựng Quỹ Xã hội - Từ thiện để thực hiện mục tiêu này một cách ổn định, bền vững. Quỹ Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2014.

Tính đến hết 31/12/2018, Quỹ đã hỗ trợ xây dựng 89 nhà “Mái ấm công đoàn”; thăm, hỗ trợ, tặng quà 4.169 lượt CNVC-LĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm CNLĐ bị tai nạn lao động, TNGT. Hỗ trợ xây dựng 465 “Nhà tình nghĩa”, tặng 4.483 sổ tiết kiệm; thăm, hỗ trợ, tặng quà 4.358 cựu TNXP và cựu chiến sĩ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, và nhiều hoạt động xã hội - từ thiện khác với tổng số tiền lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, Quỹ đã tặng quà cho 882 CNLĐ, 19 tập thể khó khăn; hỗ trợ xây dựng 3 nhà “Mái ấm Công đoàn”; tặng 250 suất quà, hỗ trợ xây dựng 13 “Nhà tình nghĩa” cho cựu TNXP, cựu chiến sĩ Trường Sơn… với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

“Thời gian tới Công đoàn GTVT VN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp duy trì, phát triển quỹ để tiếp tục chia sẻ với người lao động, với những hoàn cảnh khó khăn một cách kịp thời, chu đáo”, ông Minh nói.