Gỡ vướng thủ tục nhập khẩu, phá dỡ tàu cũ

05/09/2019

Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 114/2014 quy định về điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Keyword đầu tiên có dấu

Việc cấp phép cho các đơn vị đóng tàu thực hiện chức năng phá dỡ tàu cũ sẽ tận dụng được năng lực hạ tầng, phương tiện thiết bị sẵn có, đồng thời tạo việc làm cho người lao động

Dự thảo thay thế Nghị định 114/2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động.

Vẫn câu chuyện “quả trứng, con gà”

Nghị định 114 có hiệu lực từ 1/1/2015 mở ra hướng đi mới và tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp tàu thủy của Việt Nam trong điều kiện nhiều DN đóng tàu khó khăn về việc làm kéo dài do thị trường vận tải biển, ngành đóng tàu thế giới sụt giảm. Tuy nhiên, đến nay chưa có DN, cơ sở phá dỡ tàu biển nào được công bố, cấp phép để thực hiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó phòng Quản lý dự án - thiết bị Công ty Đóng tàu Phà Rừng chia sẻ, từ năm 2015 đến nay, đơn vị này đã thực hiện danh mục quy định để được công bố thí điểm phá dỡ tàu cũ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một đầu mục chưa được cấp phép. Nguyên do là theo pháp luật môi trường hiện hành, đơn vị phải thực hiện phá dỡ tàu cũ để vận hành thí điểm các công trình về bảo vệ môi trường liên quan, sau đó trên cơ sở kết quả thực tế sản xuất thí điểm mới xem xét cấp phép. Trong khi đó, theo Nghị định 114, phải có giấy phép công nhận công trình bảo vệ môi trường, DN mới được công bố là cơ sở phá dỡ tàu cũ.

“Các quy định xung đột này như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Công ty đã xây dựng, hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, làm hồ sơ lên Bộ TN&MT nhưng Bộ này yêu cầu công ty phải mời Sở TN&MT đến kiểm tra, xác nhận là công ty đã vận hành thử nghiệm thực tế, đạt yêu cầu, khi đó Bộ mới cấp giấy phép. Trong khi đó, công ty chưa được công bố là cơ sở phá dỡ thí điểm nên chưa có sản phẩm thực hiện thực tế”, bà Phương cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, nguyên nhân chủ yếu do quá trình triển khai Nghị định 114 và các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các quy định về môi trường còn khó khăn, vướng mắc. Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau Nghị định 114 có điều khoản xung đột hoặc bãi bỏ một số quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Ông Cường nêu ví dụ, theo quy định của Nghị định 114, để đưa vào hoạt động, cơ sở phá dỡ phải có giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, giấy đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả thải vào nguồn nước và giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường. Nhưng theo quy định tại Nghị định số 18/2015 và Nghị định 19/2015, cơ sở phá dỡ phải vận hành một khoảng thời gian nhất định (từ 6 đến 12 tháng) mới đáp ứng yêu cầu để hoàn thành các thủ tục về môi trường và được cấp các giấy tờ pháp lý nêu trên.


Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Sửa nghị định, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp

“Bộ GTVT đã có quy hoạch về ngành nghề phá dỡ tàu cũ. Vì vậy, để thực hiện quy hoạch, cùng với ban hành các chính sách, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn, tài chính hoặc cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia phá dỡ tàu cũ.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó phòng Quản lý dự án - thiết bị Công ty Đóng tàu Phà Rừng”

Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng thay thế Nghị định 114 và Điều 4 Nghị định số 147/2018. Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 37/2015 quy định về thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ tại Việt Nam; ban hành Quyết định số 4711 phê duyệt Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phá dỡ tàu biển... nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như định hướng lâu dài cho lĩnh vực phá dỡ tàu cũ hoạt động.

Tuy nhiên theo ông Dương, xuất phát từ những vướng mắc trong triển khai thực tế, đến nay cần phải sửa đổi lại Nghị định nhằm bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp hơn, tháo gỡ vướng mắc cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. “Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng khi các đơn vị đóng tàu có đầy đủ hạ tầng kĩ thuật về môi trường sẽ được công bố để hoạt động thí điểm và có khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành các thủ tục”, ông Dương nói.

Ông Ngô Tùng Lâm, Phó TGĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho biết, việc cấp phép không chỉ tạo việc làm cho các DN đóng tàu mà còn tận dụng được năng lực dư thừa từ mặt bằng, cầu tàu đến các trang thiết bị như nâng hạ, cắt thép, mà không phải đầu tư thêm nhiều. Hiện có 2 đơn vị thuộc tổng công ty là Công ty Đóng tàu Phà Rừng và Công ty Đóng tàu Nam Triệu đã đủ điều kiện về năng lực, hạ tầng, cơ sở vật chất, được lựa chọn thí điểm phá dỡ nhưng vẫn chưa được cấp phép. “Chúng tôi mong rằng dự thảo Nghị định thay thế sớm được thông qua, ban hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở đóng tàu thực hiện được chức năng phá dỡ tàu biển”, ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoài, TGĐ Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho rằng, sản phẩm đầu ra của hoạt động phá dỡ tàu biển là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép, như vậy sẽ góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, giảm tác động môi trường khi khai thác nguồn quặng thép thiên nhiên. Vì vậy, ngành nghề phá dỡ tàu cũ đã được thực hiện ở nhiều nước.

“Một năm bao nhiêu tàu cũ của Việt Nam hết hạn đăng điểm đi đâu? Chắc chắn sẽ có đơn vị phá dỡ nhưng không chính thống, như vậy tiềm ẩn rủi ro về ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, Nghị định mới cần cho phép tháo dỡ thí điểm để có cơ sở cấp các giấy phép, thông qua các thủ tục về môi trường”, ông Hoài nêu quan điểm.