Bắt đầu dùng chung kho dữ liệu giao thông

28/11/2019

Hệ thống dữ liệu giao thông khi liên thông giữa các ngành, lĩnh vực thuộc trung ương với TP HCM sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề trong quản lý và điều hành.

Bắt đầu dùng chung kho dữ liệu giao thông - Ảnh 1.

Việc chia sẻ và liên thông hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, đăng kiểm... sẽ gỡ vướng nhiều vấn đề trong quản lý và xử lý giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Nguyễn Văn Thể vừa thống nhất nhiều đề xuất, kiến nghị của UBND TP HCM trong quản lý, điều hành cũng như xử lý vi phạm trong hoạt động GTVT tại TP.

Liên thông toàn bộ

Một trong những nội dung quan trọng là hệ thống dữ liệu GTVT sẽ được liên thông giữa các ngành, lĩnh vực của trung ương với TP HCM và các địa phương. Bộ GTVT thống nhất chia sẻ toàn bộ các dữ liệu như từ thiết bị giám sát hành trình của ôtô, dữ liệu đăng kiểm cùng các dữ liệu khác liên quan. Để phục vụ vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ làm việc với Sở GTVT TP HCM thống nhất phương án kết nối chia sẻ dữ liệu đăng kiểm. Đồng thời, Vụ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ tham mưu, rà soát để ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu GTVT, dữ liệu lớn, hệ thống giao thông... nhằm phục vụ quản lý và điều hành trên tất cả lĩnh vực GTVT ở toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với Vụ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các dự án đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành GTVT, thực hiện theo hướng thuê dịch vụ từ các tập đoàn công nghệ lớn. Đồng thời, sớm kết nối hệ thống camera chuyên ngành như ITS (hệ thống giao thông thông minh) ở các đường cao tốc, quốc lộ, các đô thị...), nhằm giúp giám sát những điểm đen giao thông, bến cóc, xe dù..., từ đó giúp tăng hiệu quả của công tác quản lý và công khai, minh bạch...

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng được yêu cầu làm việc với các địa phương để chia sẻ đầy đủ dữ liệu chuyên ngành giao thông, bảo đảm phù hợp với điều kiện từng tỉnh, thành. Đặc biệt, phải xây dựng phương án nâng cấp dữ liệu giám sát hành trình, phương tiện, kết cấu hạ tầng...; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ GTVT ban hành quy chế vận hành liên thông dữ liệu các phần mềm hiện có nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện các thông tin thuộc ngành GTVT với hệ thống dữ liệu đồ sộ nhưng chưa khai thác hiệu quả dù đã có phần mềm quản lý. Các ngành, lĩnh vực như quản lý vi phạm hành chính trong hoạt động GTVT, đăng ký, đăng kiểm, quản lý giấy phép lái xe... đang thiếu sự chia sẻ giữa các bộ - ngành và địa phương, dẫn đến thông tin không kịp thời và mất nhiều thời gian xác minh. Đơn cử như với các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên ôtô, dù được liên tục cập nhật, kết nối với trung tâm dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng việc chia sẻ lại có nhiều bất cập. Với Sở GTVT TP HCM, dữ liệu chỉ được chia sẻ theo dạng "đóng gói" định kỳ, trong khi nhiều lần chậm và quá tải, khó đáp ứng các yêu cầu quản lý. Chưa kể, không ít trường hợp vi phạm, thông tin gửi về chậm làm cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn. "Do đó, khi hệ thống dữ liệu được liên thông sẽ rất hiệu quả trong công tác theo dõi, quản lý cũng như khi cần tra cứu các thông tin liên quan" - một cán bộ Sở GTVT TP HCM đánh giá.


Hệ thống dữ liệu khi liên thông cũng được xem là sẽ gỡ nhiều nút thắt trong xử lý các vi phạm an toàn giao thông

Phát huy tối đa hiệu quả phạt nguội

Hệ thống dữ liệu khi liên thông cũng được xem là sẽ gỡ nhiều nút thắt trong xử lý các vi phạm liên quan đến xử phạt qua hình ảnh (phạt nguội). Vấn đề này có thể so sánh với quy trình hiện nay, Sở GTVT chỉ được cấp quyền tra cứu dữ liệu xe cơ giới kiểm định trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Còn dữ liệu đăng kiểm với các phương tiện đường bộ nhằm phục vụ việc xử phạt nguội cũng như quản lý, điều hành giao thông tại địa phương lại chưa được chia sẻ. Trở ngại này khiến cho việc phạt nguội tại TP HCM rất thấp, chỉ khoảng 20% số vụ.

Chính vì lẽ đó, TP kiến nghị triển khai thí điểm quy trình xử phạt nguội, đồng thời đề xuất treo cảnh báo từ chối đăng kiểm các phương tiện sau khi nhận thông báo đề nghị của các cơ quan chức năng mà không cần chờ quyết định xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khi dữ liệu giữa các ngành đăng kiểm được chia sẻ sẽ giúp CSGT, thanh tra giao thông... hiệu quả hơn trong việc xử phạt nguội như thông báo cho các cơ quan đăng kiểm để từ chối đăng kiểm với các phương tiện vi phạm.

Chính vì thấy rõ hiệu quả mang lại nên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND TP phối hợp các bộ - ngành lập đề án thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn TP để trình Chính phủ xem xét. Đồng thời, giao Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp các đơn vị nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện việc treo biển cảnh báo từ chối đăng kiểm xe sau khi nhận thông báo đề nghị của các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT, CSGT.

Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT quốc gia cũng đề nghị Bộ Công an rà soát lại các quy trình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng kết quả thu được từ các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như kiểm tra tải trọng, máy đo tốc độ có ghi hình, thiết bị ghi âm, ghi hình... nhưng chưa được quy định. Từ đó xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định phù hợp. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vi phạm hành chính điện tử để thực hiện nhanh, giảm công việc thủ công như hiện nay. 

Giảm quy trình xử lý xe quá tải

Bộ GTVT cũng vừa thống nhất với đề xuất của TP HCM trong việc sử dụng kết quả một cấp cân trong hệ thống cân động tốc độ cao khi kiểm tra, xử lý xe quá tải. Lý do có đề xuất nêu trên, theo Sở GTVT, hiện TP có 6 trạm cân tải trọng xe tự động và theo quy trình, khi cân cùng sử dụng kết quả cân phải thực hiện qua 2 bước, gồm cân sơ cấp (xe di chuyển bình thường) và cân thứ cấp (buộc dừng phương tiện). Tuy nhiên, quy trình này tốn nhiều thời gian, nhân sự, mặt bằng..., nhất là ở trạm cân thứ cấp.