Thiếu cơ chế xử lý môtô, xe gắn máy quá hạn

02/12/2019

Cơ chế quản lý môtô, xe gắn máy đang tồn tại nhiều “lỗ hổng”, khiến công tác kiểm soát, xử lý phương tiện quá hạn sử dụng gặp khó khăn. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với phương tiện giao thông đường bộ.

Việc dùng xe máy cũ, quá niên hạn sử dụng kém an toàn và tác động không tốt đến môi trường.

Chưa có ai “tự nguyện” giao nộp xe cũ

Thẳng thắn chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy, Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ TNGT và tuổi đời phương tiện có mối liên hệ chặt chẽ. Xe máy mới từ 1-5 năm có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.

Tuy nhiên, theo ông Huy, việc kiểm soát, xử lý những phương tiện quá niên hạn của các cấp chức năng vẫn còn rất khó khăn. “Quyết định số 16/2105 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định từ ngày 1-1-2018, xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi.

Song, việc quy định niên hạn hiện mới chỉ áp dụng với xe ôtô chở hàng và ôtô chở người, riêng với xe ôtô con (dưới 9 chỗ ngồi) và xe môtô, xe gắn máy vẫn chưa có. Đó là lý do việc xử lý, thu hồi những chiếc xe “cà tàng” gây mất ATGT khi lưu thông trên đường và gây ô nhiễm môi trường chưa có cơ sở để thực hiện”, ông Huy nói.

Cũng tỏ ra bức xúc trước vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Minh, đại diện nhóm chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy giãi bày: Quyết định 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định sản phẩm phải xử lý, thu hồi có liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Trong đó, từ ngày 1-1-2018, các nhà sản xuất xe ôtô, môtô, xe gắn máy cung ứng sản phẩm ra thị trường phải xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý sản phẩm thải loại. Trách nhiệm của người tiêu dùng là sau khi đã sử dụng, không dùng phương tiện nữa phải đưa sản phẩm đến địa điểm thu hồi, xử lý có điều kiện của từng hãng xe.

Nhưng thực tế, chưa có một người dân nào mang xe đến. Bởi lẽ đối với người dân, giá trị một chiếc ôtô, xe máy vẫn khá lớn nên tất cả mọi người sau khi không dùng nữa đều tính đến chuyện mua đi bán lại thay vì nộp đến điểm thu hồi.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện “Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy theo đúng lộ trình tại Quyết định số 909 của Chính phủ. Từ đó, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép, không có biện pháp khắc phục khi tham gia giao thông.

“Riêng những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, thực hiện thu phí môi trường phương tiện thông qua dán tem các mức: xanh, vàng, đỏ với môtô, xe gắn máy bảo đảm ATGT và không gian môi trường đô thị”, ông Huy nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), kiểm soát khí thải là vấn đề rất nhạy cảm, tác động đến toàn dân. Cơ sở pháp lý để thực hiện còn chưa đủ mạnh nên trong chương trình xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT đang “luật hóa” vấn đề này, để có cơ sở triển khai.

“Quan điểm của các cấp quản lý là xây dựng “hàng rào kỹ thuật”, thắt chặt dần tiêu chuẩn khí thải của phương tiện, kết hợp tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại đến bản thân và cộng đồng xung quanh trong việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là các xe quá niên hạn để họ tự nguyện chuyển đổi dần sang phương tiện công cộng và cùng chung tay loại thải những chiếc xe quá tuổi nguy hại đến ATGT và môi trường”, ông Tiến nói.


CSGT chỉ xử phạt các lỗi theo quy định chứ không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy...

Lực lượng chức năng cũng khó thu hồi

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng 3,4 triệu ôtô và 50 triệu xe máy. Trong đó, thành phố Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 9 triệu xe máy thường xuyên tham gia giao thông. Mỗi TP còn có khoảng hơn 600.000-700.000 ôtô. Do có quá nhiều phương tiện lưu thông khiến 2 thành phố này ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là khi nhiều người không chăm sóc xe định kỳ, sử dụng xe quá cũ...

Trước những lo ngại này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, việc ngăn chặn xe máy hết niên hạn và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông là chính đáng, đặc biệt là trong điều kiện Thủ đô có mật độ giao thông rất lớn và mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới, làm cho chất lượng không khí ở Hà Nội đã lên tới mức báo động.

Đây là mong muốn chính đáng và rất có trách nhiệm. “Tôi ủng hộ việc thực thi pháp luật về kiểm tra và bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo vệ môi trường đối với phương tiện”, ông Hùng thẳng thắn.

Thế nhưng, về phía Cảnh sát giao thông, đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội chia sẻ: trong quá trình tuần tra, các đơn vị đã phát hiện và xử phạt nhiều xe máy cũ nát, không bảo đảm các quy định về an toàn kỹ thuật, tham gia giao thông gây nguy hiểm cho người đi đường, thậm chí không có đăng ký. Đối với những xe này, CSGT chỉ xử phạt các lỗi theo quy định chứ không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy...

Ở góc độ pháp lý, vị lãnh đạo này cho rằng xe máy cũ cũng là tài sản của người dân nên các quy định, chế tài xử lý hay thu hồi đều phải căn cứ trên văn bản quy phạm pháp luật. 

Thực tế cũng có nhiều phương tiện được người dân sở hữu từ lâu nhưng thời gian tham gia giao thông ít nên chất lượng phương tiện không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, việc đánh giá chất lượng khí thải và chất lượng phương tiện cần có sự kiểm định để ra quyết định xử lý chính xác.