Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Cần các giải pháp đồng bộ

19/12/2019

Lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí để theo dõi; tiến hành thu gom rác bảo đảm việc sạch sẽ, khoa học; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, đốt rác, không sử dụng bếp than tổ ong… là những giải pháp cần làm ngay để Hà Nội giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Rất nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí

Chiều 18/12, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản; đại diện các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cùng các công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Ô nhiễm môi trường phát sinh chủ yếu từ khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt khi lưu lượng giao thông quá nhiều 

Tại cuộc họp, các sở, ngành, quận, huyện, cơ quan liên quan đã báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường. Trong đó, kết quả thực hiện đến năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành trồng 1 triệu cây và tiếp tục trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; hạn chế tiến tới xóa bỏ bếp than tổ ong; đưa vào sử dụng nhiên liệu sạch (xăng sinh học E5), nâng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô lên EURO 4,5…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực Hà Nội đã thực hiện, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Liên quan đến môi trường không khí. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí ở mức "Kém", "Xấu" và "Rất Xấu", trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là từ ngày 8 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức "Xấu" và "Rất Xấu", chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất là 266.

Theo kết quả phân tích, kiểm tra, rà soát các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho thấy, các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường chủ yếu từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện cũ, nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; hoạt động xây dựng phá dỡ công trình cũ; các xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không được che chắn, không rửa xe, hoạt động đổ trộm phế thải nơi công cộng cũng gây ô nhiễm môi trường...

Đáng chú ý, các hoạt động đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ; đốt rác thải sinh hoạt gây khói mù và tạo ra khí độc hại… là những nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến môi trường không khí.

Một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí còn do ảnh hưởng của điều kiện địa hình, khu vực nội thành Hà Nội là vùng trũng thấp dẫn đến việc tích tụ, khó khăn trong việc đối lưu không khí. Đặc biệt, trong những ngày qua, nguồn thải không biến động nhiều, song điều kiện khí tượng bất lợi cho việc khuếch tán, các chất ô nhiễm bị ứ đọng dưới mặt đất, không phát tán được, khiến môi trường không khí bị ô nhiễm.

Triển khai những giải pháp cụ thể cùng với sự đồng lòng của người dân

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đang trong thời kỳ phát triển “nóng”, tác động không nhỏ đến môi trường. Do mật độ dân cư cao nên giải pháp tháo gỡ không đơn giản. Ngoài biện pháp trước mắt, Hà Nội cần phải có lộ trình quản lý tốt nguồn phát thải như: vấn đề giao thông; nguồn rác thải lớn; các dạng đốt cháy ngoài trời; các công trình xây dựng lớn trên địa bàn; sử dụng nguyên liệu theo quy chuẩn của EURO...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong công tác bảo vệ môi trường còn chưa chặt chẽ; còn tình trạng rác thải ở các vùng giáp ranh chưa được thu gom triệt để; công tác phối hợp giữa các ngành trong xử lý phương tiện giao thông chở vật liệu xây dựng chưa tốt, còn rơi vãi vật liệu ra đường; bếp than tổ ong còn nhiều...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí theo kế hoạch để hoàn thiện mạng lưới quan trắc; các công ty thu gom rác bảo đảm việc thu gom sạch sẽ, tiết kiệm, khoa học. Sở Xây dựng đôn đốc các quận, huyện, thị xã xử lý ô nhiễm các ao hồ; nạo hút bùn; đồng thời thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các việc trên. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định; bảo đảm việc đổ phế thải xây dựng đúng quy định. Sở Giao thông vận tải sớm nghiên cứu sớm có quy định về thu hồi và xử lý các xe quá hạn sử dụng…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các quận huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, sử dụng loại năng lượng khác thay thế; tuyên truyền vận động người dân ở các huyện ngoại thành, các làng nghề, hạn chế đốt rác, tiến tới không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ. Để giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề án nhân rộng mô hình sử dụng công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, với tốc độ phát triển đô thị nhanh, kéo theo dân số cơ học tăng, bình quân mỗi năm Hà Nội có thêm 160.000 người. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai”, đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, đồng lòng của người dân mới giải quyết được. Do vậy, để giải quyết ô nhiễm môi trường “Bắt đầu từ thứ thứ Bảy, Chủ nhật tuần này, các quận, huyện, thị xã, phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường và duy trì phong trào này thường xuyên; bên cạnh đó tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, đặc biệt là đốt rác tại các làng nghề…” Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.