Thỏa thuận Xanh của EU gặp “bài toán nan giải”

23/12/2019

Cuối tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về mục tiêu giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 (trung hòa carbon) vào năm 2050, hay còn gọi là Thỏa thuận Xanh. Tuy nhiên, chỉ còn một quốc gia thành viên EU chưa thể cam kết thực hiện mục tiêu chung.

lmgq_11a

Thỏa thuận Xanh đã đạt được trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra vào ngày 12 và 13-12.

Điểm nhấn quan trọng trong thỏa thuận này là việc nâng mục tiêu giảm lượng khí carbon từ 40% lên 55% vào năm 2030 và đến năm 2050 giảm về bằng 0. Mặt khác, nhằm hài hòa lợi ích cho một số quốc gia thành viên, Thỏa thuận Xanh cũng xác định năng lượng hạt nhân là một trong các nguồn năng lượng cần thiết.

Trong khi Hungary và Czech quyết định tham gia vào phút chót, thì Ba Lan là nước duy nhất từ chối đăng ký vào mục tiêu chung của Thỏa thuận Xanh. Mặc dù vậy, kết luận chung đều được tất cả các nước đồng thuận thông qua, trong đó nêu rõ, Ba Lan là nước chưa thể cam kết thực hiện mục tiêu chung trong giai đoạn hiện nay. Vào tháng 6-2020, khối EU sẽ tiếp tục tiến hành thảo luận về vấn đề này.

Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, việc Ba Lan giảm khí thải carbon về bằng 0 theo cam kết của Thỏa thuận Xanh là một “bài toán nan giải”, bởi nền công nghiệp của Ba Lan đang chịu sự phụ thuộc chủ yếu vào nguồn năng lượng từ than đá. Đây được xem là sự khác biệt quá lớn giữa Ba Lan và các quốc gia trong khối này, nên việc chuyển đổi nguồn năng lượng của Ba Lan để có thể tham gia vào cam kết sẽ rất khó khăn.

Trước đó, trong các cuộc thảo luận, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nêu ra 2 đề xuất đáng chú ý nhất, gồm nguồn tiền hỗ trợ chuyển đổi cho Ba Lan trong 10 năm tới là 560 tỷ euro và thời hạn đạt mục tiêu giảm khí thải về bằng 0 là năm 2070, thay vì 2050 theo kế hoạch của EU. Số tiền này dù được xem là mức phù hợp với thực trạng của Ba Lan, song, đây là con số quá lớn, gấp hơn 5 lần nguồn ngân sách dự kiến của toàn khối phục vụ chuyển đổi nhằm đảm bảo tài chính cho các nước thành viên. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng, những thỏa thuận giữa Ba Lan và EU vào mùa hè tới đây vẫn có thể đạt được những điều khả quan, giúp Thỏa thuận Xanh có sự tham gia của toàn khối EU.

Chống biến đổi khí hậu là một vấn đề nổi cộm, gây ra chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU. Thỏa thuận Xanh là một bước tiến lớn của EU và là minh chứng cho thấy nỗ lực dẫn đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới. Mục tiêu vào năm 2050, EU sẽ là lục địa đầu tiên giảm khí thải carbon về bằng 0 với nguồn đầu tư khổng lồ được coi là tín hiệu rất tích cực, có thể trở thành “lá cờ tiên phong” kêu gọi được sự tham gia của các quốc gia khác. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ca ngợi Thỏa thuận Xanh là tiền đề quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, từ nay đến tháng 6-2020, nền tảng cơ bản của Thỏa thuận Xanh sẽ từng bước được thống nhất trong toàn khối, trong đó có việc đưa ra các điều luật chính thức; xác định cơ cấu tài chính của Quỹ hỗ trợ chuyển đổi; cùng các tiêu chí khác.

Trong một diễn biến khác, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) bế mạc ngày 15-12, tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã gặp phải sự chia rẽ sâu sắc dẫn tới những bất đồng và bế tắc trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, “điểm sáng” tại hội nghị này là việc 84 quốc gia cam kết tăng mục tiêu cắt giảm khí thải trong năm 2020 và thêm nhiều nước cam kết giảm khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050, gồm các nước thành viên của EU.