ICS và ITF kêu gọi các cơ quan của UN đảm bảo các cảng luôn mở và cho phép thay đổi thuyền viên

20/03/2020

Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã gửi thư ngỏ tới bốn cơ quan của Liên hợp quốc (UN), kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên trong đại dịch COVID-19 đang càn quét thế giới.


Bức thư được gửi đến Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) nhấn mạnh điều quan trọng là các chính phủ phải duy trì hoạt động thương mại hàng hải khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

"Trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, điều quan trọng hơn bao giờ hết là giữ cho chuỗi cung ứng mở và thương mại vận tải hàng hải hoạt động. Cụ thể, điều này có nghĩa là giữ cho các cảng của thế giới mở để các tàu thương mại ghé vào, tạo điều kiện cho việc thay đổi thuyền viên và thuyền viên được di chuyển với càng ít trở ngại càng tốt", bức thư được ký bởi ông Guy Platten, Tổng Thư ký ICS và ông Stephen Cotton Tổng Thư ký ITF viết.

"Mỗi tháng, khoảng 100.000 người đi biển cần được thay trên các tàu họ làm việc để đảm bảo tuân thủ các quy định hàng hải quốc tế có liên quan về quản lý thời giờ làm việc an toàn và phúc lợi của thuyền viên, để họ có thể tiếp tục vận chuyển thương mại toàn cầu một cách an toàn."

"Do đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nhu cầu thiết yếu đối với những thuyền viên tàu thương mại chuyên nghiệp trên thế giới để được miễn trừ thích hợp khỏi mọi hạn chế đi lại của quốc gia, khi họ đi đến hoặc rời tàu của mình, để giữ cho chuỗi cung ứng hàng hải thế giới hoạt động."

ICS đại diện cho khoảng 80% tổng dung tích đội tàu thương mại thế giới và ITF đại diện cho xấp xỉ 2 triệu thuyền viên bày tỏ mong muốn những người đi biển được đối xử giống như phi hành đoàn hàng không và nhân viên y tế.

"Theo quan điểm về vai trò quan trọng của họ trong đại dịch toàn cầu, chúng tôi đề nghị những người đi biển chuyên nghiệp, bất kể quốc tịch, nên được đối xử như bất kỳ "công nhân quan trọng" quốc tế nào khác, như phi hành đoàn hàng không và nhân viên y tế. Vì vậy, họ cần được xem xét đặc biệt và, mặc dù cần phải tuân thủ các quy trình y tế khẩn cấp, cần được đối xử theo cách thức thực tế và thấu hiểu khi những người này tìm cách đến và rời  tàu của mình."

"Do đó, chúng tôi kêu gọi các tổ chức nêu bật tầm quan trọng của vấn đề này với chính phủ của các quốc gia thành viên."

"Chúng tôi yêu cầu, vì vấn đề cấp bách, chủ đề này phải được thêm vào chương trình nghị sự cấp cao thích hợp, và các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên các tổ chức được khuyến khích tham gia ngay lập tức với hiệp hội chủ tàu quốc gia và hiệp hội thuyền viên quốc gia, để tìm ra giải pháp nhanh chóng cho vấn đề nghiêm trọng này, nếu không sẽ có các rủi ro cản trở nỗ lực toàn cầu để giải quyết đại dịch COVID-19", ICS và ITF kết luận trong thư./.