Gần 100.000 thủy thủ du thuyền không về được bờ vì dịch

04/05/2020

Hơn 50 tàu du lịch có lây nhiễm Covid-19. Người lao động kẹt lại trên những con tàu này với trang thiết bị y tế ít ỏi. Một số còn không được trả lương, không biết ngày trở về.

Gan 100.000 thuy thu du thuyen khong ve duoc bo vi dich hinh anh 1 Thuy_thu_1.jpg

Thủy thủ đoàn trên một du thuyền được tiếp nhận và kiểm tra sức khỏe tại Miami. Ảnh: AP.

Theo điều tra của Guardian, trên khắp thế giới, khoảng 100.000 thủy thủ đang kẹt lại trên các tàu du lịch viễn dương. Trong đó, ít nhất 50 tàu đã ghi nhận lây nhiễm virus corona. Họ không thể về nhà vì tàu không được cập cảng và bản thân thuộc diện cấm đi lại bằng đường hàng không.

Trong khi phần lớn hành khách trên các du thuyền đã được các chính phủ vận động "giải cứu" về nước, vẫn còn cả trăm nghìn thủy thủ kẹt lại trên những con tàu này vì đó là công việc của họ.

Theo ước tính của tuần duyên Mỹ, thống kê đến ngày 9/4 riêng trong lãnh hải Mỹ và các vùng biển lân cận, còn khoảng 93.000 thủy thủ đang làm việc trên những con tàu còn hoạt động ngoài khơi.

Đối với những tàu có ca nhiễm virus corona, nhiều thủy thủ phải cách ly trong các cabin chật hẹp trên tàu. Một số phải chấp nhận giảm lương. Những du thuyền như trở thành "vương quốc nổi" của những người bị bỏ mặc ngoài biển, lênh đênh từ quần đảo Galapagos đến cảng Dubai.

Họ đa phần gặp hạn chế về liên lạc với thế giới bên ngoài, khiến việc làm rõ thông tin về tình hình thủy thủ đoàn trên tàu rất khó khăn. Đã có ít nhất 17 trường hợp thủy thủ đoàn trên các tàu du lịch được xác nhận tử vong vì Covid-19. Hàng chục trường hợp cần sơ tán y tế lên đất liền.

"Chúng tôi đều có gia đình. Chúng tôi muốn về nhà", một thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền MSC Seaview, đang lênh đênh ngoài khơi Nam Mỹ gần một tháng qua, cho biết anh chưa được trả lương và phải tự cách ly trong cabin.

Gan 100.000 thuy thu du thuyen khong ve duoc bo vi dich hinh anh 2 du_thuyen_2.jpg

Nhân viên y tế Nhật Bản làm việc tại du thuyền Diamond Princess vào ngày 7/2, khi con tàu còn đang trong thời hạn cách ly. Ảnh: Reuters.

Theo tiết lộ của người thủy thủ giấu tên, ban đầu ban quản lý tàu cho phép thủy thủ tự do đi lại trên tàu. Lệnh tự cách ly trong cabin được ban bố sau khi phát hiện một ca nhiễm trong thủy thủ đoàn.

"Không ai cho chúng tôi biết khi nào được về nhà, hay công ty sẽ đưa thủy thủ về nhà bằng cách nào. Chúng tôi phải ở trong cabin như tù nhân", người này bức xúc.

Phần lớn nhân viên trên các tàu du lịch là công dân những nước đang phát triển như PhilippinesIndonesia hay Ấn Độ. Thủy thủ trên tàu phải làm việc cả 7 ngày trong tuần, không có ngày nghỉ, với thu nhập trung bình 1.000-2.000 USD/tháng, theo Ross Klein, giáo sư Đại học St John ở Newfoundland (Canada).

Điều tra của Guardian phát hiện ít nhất một hãng tàu du lịch đã ngưng trả lương cho nhân viên đang kẹt trên những con tàu lênh đênh ngoài biển. Thủy thủ tàu biển rơi vào tình cảnh không nhận được sự giúp đỡ cần thiết giữa đại dịch.

John Kickey, chuyên gia về luật hàng hải, nhận định thủy thủ rơi vào tình huống vừa không thể tiếp cận sự hỗ trợ công dân của nước mình, vừa ở ngoài quyền hành của các nước mà du thuyền sắp đến.

Trong khi đó, phần lớn hãng tàu đăng ký ở những nước có quy định quản lý lỏng lẻo để hưởng mức thuế thấp như Panama hay Liberia, vốn không đủ khả năng hay động lực để hỗ trợ hàng nghìn thủy thủ mắc bệnh.