Châu Âu tung kế hoạch đẩy mạnh sản xuất hydro "sạch"

29/07/2020

Ủy ban châu Âu vừa công bố kế hoạch phát triển sản xuất hydro "sạch" ở châu Âu, với mục đích khử cacbon cho các ngành gây ô nhiễm nhất để đạt mục tiêu trung hòa về khí hậu vào năm 2050.

chau au tung ke hoach day manh san xuat hydro sach

Hydro sạch là một phần không thể thiếu của một hệ thống năng lượng tích hợp tốt hơn ở châu Âu

Cơ quan hành pháp châu Âu đã coi kế hoạch này là một trong những ưu tiên về đầu tư từ quỹ phục hồi kinh tế của mình, giống như 5G, năng lượng tái tạo, pin và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo.

"Trong khi 75% lượng khí thải nhà kính của EU xuất phát từ sản xuất năng lượng, chúng tôi cần thực hiện một sự thay đổi mô hình để đạt được các mục tiêu vào các năm 2030 và 2050 của mình”, Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết trong một thông cáo báo chí. “Hệ thống năng lượng của EU cần được tích hợp tốt hơn, linh hoạt hơn và có khả năng cung cấp các giải pháp sạch nhất và hiệu quả nhất về chi phí. Hydro sẽ đóng vai trò chính trong việc này, khi giá năng lượng tái tạo giảm và đổi mới liên tục làm hydro trở thành một giải pháp khả thi cho nền kinh tế trung hòa khí hậu”, Kadri Simson cho biết thêm.

Đối với Ủy ban châu Âu, hydro "sạch" sẽ giúp các ngành nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính: không chỉ thay thế nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp, đặc biệt là sản xuất thép mà còn thay thế nhiên liệu cho vận tải hàng không và đường biển, xe tải, và cho sản xuất pin và lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên, Kadri Simson đánh giá rằng trong những năm đầu tiên, một “giai đoạn chuyển tiếp” sẽ là cần thiết để đảm bảo sản xuất ổn định và giá cả cạnh tranh, trong đó các quy trình sản xuất khác, các nguồn phát thải cacbon sẽ được duy trì nhưng sẽ được giảm thiểu bằng các kỹ thuật thu giữ cacbon.

Cơ quan hành pháp châu Âu đặt kế hoạch thúc đẩy hydro “tái tạo” là ưu tiên hàng đầu, nghĩa là hydro “sạch” được sản xuất bằng cách điện phân nước với điện được lấy từ các nguồn tái tạo. “Phát thải khí nhà kính của chu trình sản xuất hydro tái tạo gần như bằng 0”và đây là sự lựa chọn “tương thích nhất với mục tiêu trung hòa khí hậu”, Uỷ ban châu Âu nhấn mạnh.

Sản xuất và tiêu thụ hydro hiện tại ở EU ở mức 9,8 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu được sản xuất từ ​​nhiên liệu hóa thạch. Chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mức tiêu thụ năng lượng ở châu Âu, nhưng Uỷ ban châu Âu muốn tăng năng lượng “sạch” này lên 14% vào năm 2050.

Ban đầu, Uỷ ban muốn hỗ trợ lắp đặt 6 máy điện phân có công suất 6 gigawatt và sản xuất lên tới một triệu tấn hydro tái tạo mỗi năm. Từ năm 2025 đến 2030, Uỷ ban đặt mục tiêu 40 GW và sản xuất 10 triệu tấn hydro “tái tạo” mỗi năm. Và từ năm 2030 đến 2050, Uỷ ban hi vọng sẽ thấy công nghệ này trưởng thành và được phát triển trên quy mô lớn. Cơ quan hành pháp châu Âu xem sự phát triển của hydro sạch là một phần không thể thiếu của một hệ thống năng lượng tích hợp tốt hơn ở châu Âu. Hệ thống năng lương tích hợp cũng là chủ đề của một "chiến lược" mới được EU công bố.

VW bồi thường 9,5 tỷ USD cho khách hàng Mỹ liên quan bê bối khí thải

VW boi thuong 9,5 ty USD cho khach hang My lien quan be boi khi thai hinh anh 1

Ôtô tại một chi nhánh của hãng Volkswagen ở Berlin, Đức, ngày 7/5/2020.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết hơn 86% trong số người hoàn tất quá trình kiện tụng với VW, đã lựa chọn phương án trả lại ôtô cho nhà sản xuất này, hơn là việc gửi đi sửa chữa. 9,5 tỷ USD là số tiền bồi thường mà Tập đoàn xe hơi Volkswagen (VW) Đức phải chi ra để dàn xếp các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải. Đây là con số thống kê do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) công bố ngày 27/7.

Trong báo cáo cuối cùng liên quan đến cái gọi là "chương trình bồi thường cho khách hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ," FTC cho biết hơn 86% trong số người hoàn tất quá trình kiện tụng với VW, đã lựa chọn phương án trả lại ôtô cho nhà sản xuất này, hơn là việc gửi đi sửa chữa.

Trước đó, VW đã nhất trí với yêu cầu mua lại hoặc sửa chữa hơn 500.000 xe sử dụng phần mềm gian lận khí thải tại Mỹ sau khi sự việc bị phát giác hồi năm 2015. Bên cạnh đó, nhà cung cấp xe VW sử dụng động cơ diesel, Robert Bosch, cũng phải bồi thường hơn 300 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng. Theo thỏa thuận, mỗi chủ xe sử dụng động cơ diesel 2 lít bị ảnh hưởng sẽ được nhận khoản tiền bồi thường từ 5.100 USD đến 10.000 USD bên cạnh khoản tiền ước tính giá trị của chiếc xe đó. Có khoảng 475.000 người sẽ được nhận tiền bồi thường. 

Vụ bê bối có tên "Dieselgate" bị phát giác hồi năm 2015 khi Đại học Tây Virginia (Mỹ) công bố báo cáo đề cập lượng khí thải cao từ một số xe của VW. Sau thông tin này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra và phát hiện VW cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải với khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel của hãng nhằm giúp các xe này vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải.

Vụ bê bối đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ôtô sau khi việc gian lận cũng được phát hiện tại một số công ty khác. Để tránh một vụ kiện tập thể, VW đồng ý bồi thường thiệt hại cho 235.000 chủ sở hữu xe hơi ở Đức, với số tiền ước tính lên tới 830 triệu euro. Tính đến nay, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới đã phải chi hơn 30 tỷ euro (34 tỷ USD) để giải quyết vụ bê bối ở Mỹ và các quốc gia khác./.