Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển thế nào trong 10 năm qua

07/08/2020

Việt Nam trở thành thành viên WTO vào ngày 11/1/2007, từ đó đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trải qua 4 giai đoạn với nhiều biến động.

Xuất khẩu lô 80 xe du lịch Kia Grand Carnival sản xuất tại nhà máy Thaco Kia ở Chu Lai (Quảng Nam) đi Thái Lan đầu tháng 7/2020

Theo một báo cáo từ nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), công bố hồi đầu năm 2020, ngành ô tô Việt Nam từ mốc 2007 đến nay có thể chia làm 4 giai đoạn chính, gồm:

Giai đoạn 2007 - 2008: tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe duy trì ở mức 2 con số, lần lượt ở mức 97% và 37%.

Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã tiến hành 3 đợt giảm thuế với hy vọng hạ nhiệt giá bán xe trong nước.

Tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (1/2017), các loại ô tô mới nguyên chiếc được giảm thuế nhập khẩu từ 90% xuống 80%.

Tháng 8/2007, cắt giảm tiếp xuống còn 70% và vào tháng 11/2007, thuế xuất đối với ô tô mới nguyên chiếc còn 60%.

Giai đoạn 2009 - 2012: tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe bắt đầu chậm lại vào năm 2009 (+7%), và sụt giảm mạnh vào năm 2012 (-33%).

Trong đó, sự suy giảm của thị trường ô tô năm 2012 xuất phát từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, việc tăng phí, thuế cùng với việc các loại thuế, phí mới được ban hành cũng góp phần làm giảm sức mua của thị trường.

Giai đoạn 2013 - 2016: tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe liên tục đạt 2 con số, mạnh nhất là vào năm 2015, với tốc độ tăng trưởng 55%.

Trong đó, mức tăng trưởng 55% trong năm 2015 được cho là đến từ việc thị trường chạy đua tránh áp lực tăng giá trong năm tới do các thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong khi dó, mức tăng trưởng 24% năm 2016 được cho là nhờ chiến lược giảm giá xe để kích cầu tiêu dùng của nhiều hãng xe.

Giai đoạn 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe có dấu hiệu chững lại vào năm 2017, khi sụt giảm 10%, tuy nhiên phục hồi nhẹ trở lại vào năm 2018 (+6%) và 11 tháng đầu năm 2019 (+14%).

Trong năm 2017, sự suy giảm doanh số toàn thị trường chủ yếu bị tác động từ những chính sách mới có hiệu lực từ 2018.

Tâm lý chung của khách hàng là chờ đợi, chủ yếu kỳ vọng giá xe giảm nhiều trong 2018 do thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% và thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe chậm lại được lý giải là do những vướng mắc trong việc nhập khẩu xe, qua đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Năm 2019, giá xe giảm khoảng từ 8 - 15% đã góp phần thúc đẩy đẩy tăng trưởng doanh số bán xe toàn thị trường.


Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng

Báo cáo doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam từ 2007 - 2019, từ nguồn VAMA và tổng hợp của ASEANSC

Năm

Doanh số bán xe (chiếc)

Tăng trưởng (%)

2007

80.392

97%

2008

111.946

37%

2009

119.460

7%

2010

112.224

-6%

2011

110.938

-1%

2012

92.584

-33%

2013

110.519

19%

2014

157.810

43%

2015

244.914

55%

2016

304.427

24%

2017

272.750

-10%

2018

288.683

6%

đến tháng 11/2019

289.128

14%

Do báo cáo của ASEANSC được lập vào cuối năm 2019, trước giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nên nhóm nghiên cứu chưa cập nhật diễn biến tình hình thị trường trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay.

Trên thực tế, 7 tháng đầu năm nay ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sụt giảm bình quân 45% cả về sản lượng và doanh số, tác động đến nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến 2 sự điều chỉnh quan trọng về mặt chính sách, vừa để kích cầu, vừa thúc đẩy công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.

Thứ nhất là nghị định 70/2020, giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước, được chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 28/6 đến hết năm 2020.

Thứ hai là nghị định 57/2020, miễn thuế nhập khẩu cho 27 nhóm linh kiện lắp ráp ô tô chạy xăng và 30 nhóm linh kiện lắp ráp xe ô tô điện, có hiệu lực từ 10/7/2020.