Phạt gần 1.600 tỉ đồng vi phạm giao thông đường thủy

12/10/2020

Luật Giao thông đường thuỷ nội địa đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn những bất cập, tồn tại trong cơ chế chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại Hội nghị "Tổng kết 15 năm thực hiện luật giao thông đường thuỷ nội địa”

Giao thông đường thuỷ đã nề nếp hơn

Báo cáo tại hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện luật giao thông đường thuỷ nội địa” hôm 9/10 cho biết, sau 15 năm triển khai, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa (GTĐTNĐ) đã tích cực triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa từng vùng, địa phương. Luồng tuyến thông suốt, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm, vận tải thuỷ nội địa tăng trưởng.

Mặc dù chưa đạt được đột phá nhưng với nỗ lực lớn, toàn ngành đã đưa giao thông vận tải đường thuỷ nội địa ngày càng khởi sắc, có vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, về mặt khách quan, giao thông đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập, tồn tại.

Báo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã xây dựng và trình Bộ GTVT ban hành 14 thông tư, bao gồm 2 thông tư quy định về công tác đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thuỷ nội địa.

Theo Cục Đăng kiểm, toàn quốc có có 372 nghìn phương tiện phải thực hiện đăng kiểm, hiện số phương tiện đã đăng kiểm 298 nghìn phương tiện, đạt 80%, trong đó các phương tiện loại lớn (200 tấn trở lên) 29 nghìn phương tiện, chiếm 7,8% số phương tiện thuộc diện đăng kiểm.

Phương tiện loại này đã chấp hành đăng kiểm đạt 100% và quay lại đăng kiểm đạt 92% số phương tiện. Phương tiện loại nhỏ hơn 200 tấn có 343 nghìn phương tiện, chiếm 92,2%. Các phương tiện 50 tấn đến dưới 200 tấn có 49 nghìn phương tiện, chiếm 13,17%. Các phương tiện từ 15 tấn đến dưới 50 tấn có 59 ngàn phương tiện, chiếm 16%. Các phương tiện từ 5 tấn đến 15 tấn có 235 nghìn phương tiện chiếm 63% số phương tiện thuộc đăng kiểm.

Ông Hải kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm phương tiện hết niên hạn sử dụng, chưa đăng ký, đăng kiểm, hết hiệu lực mà vẫn tham gia giao thông hay đẩy mạnh kiểm soát hoạt động tại các bến thuỷ nội địa… Đồng thời nghiên cứu lộ trình ngăn ngừa ô nhiễm không khí và nâng cao ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải.

Tại Hội nghị, ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc công ty vận tải thuỷ Tân Cảng đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển vận tải thuỷ nội bộ và ven biển.

Ông Khánh đề nghị nâng cấp, thay thế tĩnh không các cầu Đồng Nai và Bình Triệu (cũ) tuyến thượng lưu sông Sài Gòn hay triển khai nâng cấp luồng Chợ Gạo giai đoạn 2, khơi thông luồng tuyến phía Bắc, tuyến Hải Phòng, Bắc Ninh.

Đồng thời, hướng dẫn ban hành quy định chi tiết về phương tiện, luồng vận tải đối với tuyến sông pha biển gồm tuyến ĐBSCL - Cái Mép, TP.HCM/Cái Mép/ĐBSCL - Shihannouke Ville (Campuchia), tạo cơ hội hình thành tuyến ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

Công tác tuần tra kiểm soát giao thông đường thuỷ nội địa

Vi phạm còn nhiều, cần siết chế tài

Về công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an cho biết, sau 15 năm thực hiện Luật giao thông đường thủy nội địa, kết quả công tác tuần tra kiểm soát đã góp phần tích cực vào việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa.

Cảnh sát đường thuỷ phát hiện, lập biên bản 2,3 triệu trường hợp, cảnh cáo 9.233 trường hợp, nộp kho bạc 1.591 tỉ đồng, tước quyền sử dụng bằng, giấy chứng nhận khả năng thuyền trưởng, máy trưởng 3.503 trường hợp và đình chỉ hoạt động 10.335 trường hợp.

Thiếu tướng Trung cho rằng cần rà soát bổ sung ban hành mới các văn bản pháp luật về lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhất là văn bản quy định hành lang bảo vệ thuyền, luồng chạy tàu, đăng ký, đăng kiểm, quản lý cảng bến thuỷ nội địa….

“Bộ GTVT cần chỉ đạo lực lượng Cảng vụ đường thuỷ nội địa khắc phục phương tiện chở quá dấu mớn nước an toàn, quá số người được phép chở, xử lý nghiêm”, Thiếu tướng Trung nói.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định, có 3 hạn chế phát triển luật pháp và hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng và con người.

Theo Thứ trưởng, Cục đường thuỷ nội địa đang sửa thông tư 46 về quy định tĩnh không cầu. Theo ông, có tình trạng khi xây cầu chỉ lo xây, không tính toán tĩnh không cầu nên giao thông đường thuỷ bị tắc.

Ngoài ra khi xây cầu phải phân cấp, luồng nào phục vụ vận tải hàng hải và luồng nào phục vụ dân sinh để quản lý không chồng chéo. Ngoài ra Thứ trưởng nhấn mạnh: Các Giám đốc Sở GTVT lưu ý về việc không khuyến khích nạo vét duy tu tận thu cát trên sông Tiền, sông Hậu, gây hậu quả xấu cho luồng tuyến và môi trường.