Công nghệ phải là động lực để thực hiện mục tiêu ATGT

22/02/2021

Công nghệ phải là động lực để hiện thực hóa mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5 - 10%.


Công nghệ phải là động lực để thực hiện mục tiêu ATGT 1

Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 - 2025 (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2016 - 2020, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí, song để tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT hàng năm từ 5 - 10%, đòi hỏi nỗ lực lớn và giải pháp đột phá của các cơ quan chức năng, trong đó trọng tâm là ứng dụng khoa học, công nghệ.

Ứng dụng công nghệ hiện còn là điểm nghẽn

Giai đoạn 2016 - 2020, dù năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn không theo kịp mức độ gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện các quy định pháp luật, siết chặt chế tài xử phạt, cải thiện mức độ an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biết rõ rệt.

So với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ TNGT đã giảm hơn 42%, số người chết do TNGT giảm gần 20% và số người bị thương giảm hơn 53%. Đặc biệt năm 2020, TNGT giảm sâu nhất trong vòng 10 năm, lần đầu tiên số người chết giảm xuống dưới 7.000 người.

Mặc dù vậy, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao. Vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải.

Điển hình như năm 2020, vụ TNGT xe khách tại Quảng Bình làm 15 người chết và 28 người bị thương. Đây là vụ TNGT có thương vong lớn nhất kể từ năm 2005.

Không ai trong chúng ta có thể yên lòng với con số gần 7.000 người chết vì TNGT. Hay mỗi ngày có khoảng gần 20 người thiệt mạng, khoảng gần 40 người thương tật suốt đời và những thiệt hại lớn về tài sản và môi trường do TNGT gây ra.

Bên cạnh những nỗi đau đớn khôn nguôi của người thân, bạn bè, cộng đồng, TNGT gây ra gánh nặng kinh tế khổng lồ cho gia đình và xã hội.

Về những nguyên nhân dẫn đến TNGT, trước tiên và thể hiện trực tiếp bên ngoài là hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông.

Sau đó chính là sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải và phương tiện giao thông cũng như năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, cần phải xem những nguyên nhân sâu xa bên trong, đó là những bất cập trong hệ thống quy định pháp luật; hạn chế trong chỉ đạo điều hành về ATGT của cấp ủy, chính quyền một số địa phương; sự yếu kém, buông lỏng, thiếu minh bạch, chưa công tâm, thậm chí tiêu cực của một bộ phận lực lượng thực thi công vụ.

Trong khi đó, giải pháp để giúp cho chúng ta khắc phục cơ bản được những nguyên nhân nêu trên, ứng dụng khoa học công nghệ, thì vẫn còn rất hạn chế.

Dù không ai phủ nhận chúng ta đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô, cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông của lực lượng CSGT; rồi gần đây số lượng camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm ngày càng tăng trên các tuyến cao tốc và quốc lộ… nhưng vẫn chỉ là những cơ sở dữ liệu và hệ thống xử lý có tính chất cục bộ, riêng lẻ của từng cơ quan chức năng, mức độ chia sẻ còn khá hạn chế, hầu như chưa có sự liên thông.

Việc tổ chức, quản lý, điều hành, chỉ huy giao thông cho đến hoạt động tuần tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý khai thác hạ tầng, cơ bản vẫn là thủ công, đâu đó trong có ứng dụng công nghệ (như camera giám sát giao thông, phần mềm sát hạch tự động, thiết bị giám sát hành trình, thu phí tự động không dừng…).

Hay nói cách khác, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm ATGT còn rất manh mún, thiếu đồng bộ. Điều này là trở lực khiến cho hành vi vi phạm không được giám sát, phát hiện khách quan và cung cấp kịp thời để xử lý; trạng thái giao thông không được nhận biết kịp thời để điều tiết, hướng dẫn, chỉ huy; quyết định dừng xe, kiểm tra, xử phạt phụ thuộc vào tâm lý, sức khỏe, cảm tính của con người vẫn chưa thể khắc phục.

Cuối cùng, trở lực lớn nhất cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm ATGT đó là thể chế. Trước hết, đó là chúng ta thiếu một hệ thống quy định pháp luật đồng bộ và đủ linh hoạt để tạo môi trường pháp lý cho đầu tư phát triển, khai thác, sử dụng và duy trì những ứng dụng mới công nghệ, từ các hệ thống công nghệ thông tin (đặc biệt là phần mềm) trong quy hoạch, quản lý, điều hành giao thông vận tải, phương tiện thông minh, đến những vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng; quy định cụ thể về kết nối, chia sẻ, dùng chung dữ liệu cũng nhưng trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo mật dữ liệu chia sẻ hay dùng chung…

Đồng thời, việc tổ chức bộ máy, chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với môi trường làm việc có mức độ ứng dụng công nghệ cao là điều kiện cần nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được.

Đó là lý do cho đến nay chúng ta vẫn chưa có hạ tầng thông minh và thân thiện có thể tự động giám sát tình trạng, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông và tự động thông báo tới phương tiện tham gia giao thông để người điều khiển (hoặc máy tính) điều chỉnh hành vi tham gia giao thông (hãm phanh, giảm tốc độ, chuyển làn đường, chuyển tuyến đường…).

Hay đơn giản nhất là chúng ta vẫn chưa có hệ thống điều khiển đèn tín hiệu linh hoạt theo lưu lượng, theo thời gian thực tế. Còn chưa kể đến mong muốn về phương tiện thông minh, tự nhận biết chướng ngại, sự cố trên đường (hoặc sự cố của bản thân phương tiện), thông báo tự động cho các phương tiện khác và cho trung tâm điều hành tuyến đường để người điều khiển (máy tính) phương tiện điều chỉnh hành vi tham gia giao thông cũng như trung tâm điều hành điều chỉnh phương án tổ chức giao thông.

Công nghệ là động lực thúc đẩy 5 trụ cột về ATGT

Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, các Nghị quyết của Chính phủ cũng như Quyết định 2060/QĐ-TTg tháng 12/2020 về chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu hàng năm kéo giảm TNGT từ 5 - 10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương và mong muốn đến năm 2045 không còn thương vong do TNGT gây ra.

“Thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT. Đây là giải pháp nền tảng quan trọng nâng cao ATGT một cách bền vững. Ông Khuất Việt Hùng”


Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khẳng định tiếp tục thực hiện 5 trụ cột chính sách về ATGT mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã xác định từ Nghị quyết 64 ngày 10/5/2010, đó là: Quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả; kết cấu hạ tầng an toàn; phương tiện giao thông an toàn; người tham gia giao thông an toàn; ứng phó sau tai nạn kịp thời hiệu quả.

Để thúc đẩy thực hiện hiệu quả 5 trụ cột nêu trên, trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định vai trò có tính chất động lực của khoa học công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong 5 trụ cột bảo đảm ATGT, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước có vai trò then chốt.

Trước hết, đó là việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy định pháp luật về bảo đảm ATGT với những quy định rõ ràng, cụ thể, hệ thống tạo môi trường pháp lý cho ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước nói riêng và cho cả 4 trụ cột còn lại.

Nếu không quy định vào Luật, việc ứng dụng công nghệ sẽ không thể triển khai trong thực tiễn công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ví dụ, hiện nay Luật GTĐB quy định xe ô tô kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên chưa có quy định đầy đủ việc tiếp nhận, lưu trữ, bảo mật, chia sẻ, sử dụng chung giữa các bộ, ngành, lực lượng.

Hay chưa có quy định về việc tư nhân đầu tư, vận hành hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu và cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông cho cơ quan chức năng…

Chỉ khi được quy định trong luật, Nhà nước mới được cấp phép cho tư nhân thực hiện và được chi ngân sách, nhân lực cho hoạt động ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vẫn tiếp tục xác định một trong những đột phá hàng đầu đó là thể chế, con người, hạ tầng. Khi lấy công nghệ làm động lực, việc thay đổi về thể chế còn không chỉ là hoàn thiện quy định pháp luật, mà cũng cần xem xét thiết kế bộ máy, phân công chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là yêu cầu về trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực.

Phải có quy định cụ thể trong luật, mới có thể điều chỉnh thiết kế bộ máy, phân công lại chức năng nhiệm vụ phù hợp với công nghệ mới; từ yêu cầu chất lượng nhân lực mới tạo cơ sở pháp lý cho thị trường đào tạo nhân lực phát triển. Nếu chỉ có quy định làm ra sản phẩm công nghệ mới mà bộ máy cũ, con người cũ sẽ việc ứng dụng công nghệ sẽ khó thành hiện thực.

Mặt khác, khi xây dựng pháp luật ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi cần có điểm mở vừa đủ để linh hoạt nhưng vẫn kiểm đủ để kiểm soát. Nếu không đủ độ linh hoạt sẽ kìm hãm sự phát triển.

Trong đó, cần giao thẩm quyền cụ thể và xác định thực hiện thế nào. Công nghệ sẽ thay đổi hàng ngày hàng giờ vì vậy trong quá trình xây dựng Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử nên thay đổi trình tự xây dựng luật để chính sách và pháp luật phản ứng nhanh hơn, đáp ứng được với tốc độ phát triển của công nghệ, từ đó có thể điều chỉnh nhanh hơn thiết kế bộ máy thực thi ứng dụng công nghệ đảm bảo ATGT.

Liên quan đến trụ cột hạ tầng, giao thông thông minh có vai trò quan trọng.

Giao thông thông minh là mối quan hệ giữa hạ tầng với phương tiện, phương tiện với phương tiện, phương tiện và người đi bộ. Hạ tầng thân thiện không chỉ đơn giản là tuyến đường có hốc cứu nạn, đường lánh nạn để giảm thương vong mà cần có giao thông thông minh. Khi có giao thông thông minh khi đó hạ tầng tương tác với người lái xe với phương tiện để tự điều chỉnh không xảy ra tai nạn.

Chiến lược đảm bảo ATGT giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra khái niệm mới là hạ tầng giao thông thân thiện và trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 thì đó chính là hạ tầng giao thông thông minh. Để đạt được mục tiêu này phải có thiết kế, quy hoạch thông minh. Nói đến thiết kế thông minh bao gồm thiết kế cứng và thiết kế mềm.

Nghĩa là khi trên tuyến đường nào đó xảy ra tình huống lưu lượng giao thông đột biến, gây ùn tắc giao thông thì hệ thống tổ chức giao thông tự động giảm tốc độ, thay đổi phương án tổ chức giao để giảm ùn tắc.

Đồng thời tự động thông tin đến phương tiện tự điều chỉnh tốc độ. Muốn như vậy phải có cơ sở dữ liệu để tự động hóa các phương án thiết kế, tự động hóa phương án tổ chức giao thông.

Phương tiện an toàn là phương tiện thông minh tự có khả năng giao tiếp với hạ tầng, tự đánh giá, tự điều chỉnh phù hợp với thực trạng giao thông trên tuyến. Đồng thời có những tính năng hỗ trợ người lái trong những tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Hoặc giữa các phương tiện có thể tự thông tin cho nhau khi có một phương tiện gặp tai nạn.

Đối với người tham gia giao thông, quá trình đào tạo, sát hạch được ứng dụng công nghệ để quá trình sát hạch không phụ thuộc vào con người thế nào.

Bên cạnh đó, với ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp phong phú thêm các hình thức tuyên truyền. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) về tuyên truyền ATGT được đưa vào nền tảng Facebook chẳng hạn sẽ giúp một ai đó có nhu cầu muốn biết về kỹ năng điều khiển xe phân khối lớn, sẽ tự động cung cấp các thông tin theo từng đối tượng và lan tỏa đến nhiều người.

Công nghệ phục vụ cứu hộ, cứu nạn một cách nhanh nhất, khi một phương tiện nào đó không may gặp tai nạn sẽ tự động báo đến cơ sở y tế, lực lượng CSGT và các phương tiện khác. Hay có một app về y tế sẽ hướng dẫn người gặp tai nạn các bước sơ cứu ngay trên điện thoại.

Để an toàn cần giải quyết cả 5 trụ cột và được kết nối vận hành bằng công nghệ và phải lấy công nghệ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt. Nếu chúng ta có phương tiện thông minh nhưng pháp luật, hạ tầng chưa cho phép, hệ thống quản lý hay con người tham gia giao thông chưa sẵn sàng, phương tiện đó không thể và không được chạy trên đường.

Vì vậy, cả 5 trụ cột đều phải lấy công nghệ làm động lực một cách đồng bộ. Phải quán triệt và hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công nghệ phải là động lực là chìa khóa. Người đứng đầu mọi cơ quan, tổ chức cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu mới thành công.