Michelin lần đầu ra mắt lốp xe không bơm hơi

15/09/2021

Công ty Michelin giới thiệu mẫu lốp UPTIS chống thủng với kết cấu linh hoạt tại một triển lãm xe ở Munich.

150921.1.jpg

Thiết kế lốp Uptis của Michelin.​

Lốp xe chống thủng trở thành khái niệm hấp dẫn trong nhiều năm. Hãng sản xuất lốp xe Michelin phát triển ý tưởng này từ năm 2005. Sau hơn một thập kỷ làm việc, Michelin đã tiến gần hơn tới biến ý tưởng thành hiện thực. Công ty lần đầu tiên thử nghiệm lốp chống thủng trên xe điện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Hơn 3 tỷ lốp xe được sản xuất hàng năm trên khắp thế giới. Sau khi hết vòng đời, lốp xe thường bị thải ra bãi rác, có nguy cơ bắt lửa và xả khói độc vào khí quyển. Giống như nhiều đồ vật nhân tạo khác, một cách khiến lốp xe trở nên thân thiện với môi trường hơn là sử dụng vật liệu tự nhiên. Cách thứ hai là giảm tốc độ mài mòn khiến lốp xe nhanh hỏng. Hãng Michelin ở Pháp kết hợp cả hai phương pháp để sản xuất lốp xe "xanh" hơn.

Thông qua chương trình Vision Concept, công ty muốn tạo ra lốp xe không bơm hơi, có thể tái sử dụng và bền vững. Lốp Unique Punctureproof TIre System (UPTIS) có thiết kế độc đáo, không cần bơm hơi và không bao giờ bị thủng. UPTIS kết hợp vành nhôm và cấu trúc chịu lực linh hoạt làm từ nhựa gia cố bằng sợi thủy tinh (GFRP). Theo Michelin, thiết kế này có hiệu suất tương đương lốp xe thông thường.

Michelin ra mắt lốp UPTIS tại Triển lãm Ôtô Quốc tế tại Munich, Đức từ ngày 7 đến 12/9 và mời khách tham quan chạy thử loại lốp này. Dù không tiết lộ mức giá, công ty cho biết lốp UPTIS sẽ có mặt trên thị trường năm 2024. Trong giai đoạn đầu, lốp sẽ chứa nhựa tái chế. Theo thời gian, công ty sẽ thay thế 100% bộ phận của lốp bằng vật liệu hữu cơ hoặc có thể tái chế.

Ôtô điện tự tìm chỗ sạc và rửa xe

150921.jpg

Mẫu BMW iX

Sau khi tài xế xuống xe, chiếc BMW iX đi tìm chỗ sạc rồi chạy sang trạm rửa xe trước khi tự về chỗ đỗ, chờ chủ nhân gọi. Mẫu SUV điện mới chạy vào bãi đỗ xe của một trung tâm mua sắm. Nhưng xe được để tại một nơi không phải điểm đỗ, và tài xế xuống xe, mở điện thoại di động.

Qua ứng dụng đỗ xe tự động, tài xế kích hoạt tính năng tương thích và rời đi. Chiếc iX tự chạy đến điểm sạc, nơi trang bị cánh tay robot tự cắm sạc vào xe. Không rõ thời gian sạc bao lâu, nhưng chiếc xe điện ngay sau đó chạy sang điểm rửa xe rồi tự trở lại chỗ đỗ. Khi tài xế quay lại và kích hoạt tính năng gọi xe trên điện thoại, chiếc iX chạy lại vị trí ban đầu trong tình trạng sạch sẽ và pin ở mức 64%. Khi vào bãi đỗ, pin còn 25%. 

Mẫu xe đa dụng lắp hai động cơ điện đi kèm bộ pin 100 kWh, mỗi lần sạc đi được 600 km. Mẫu SUV thuần điện lần đầu giới thiệu cho thị trường châu Âu. Theo BMW, chiều dài và rộng của iX ngang bằng với BMW X5, nhưng chiếc SUV điện lại có chiều cao tương đương với X6 (hạ thấp so với X5) và bộ vành cùng kích cỡ với đàn anh X7. Vì vậy, dáng xe cho cảm giác thể thao.

Ngoại thất với lưới tản nhiệt hình quả thận đặc trưng BMW. Hai bên thân tạo nét cơ bắp với những đường dập nổi, cột D kiểu chia đôi, tay nắm cửa dạng phẳng. Cụm đèn trước và sau thiết kế dạng mảnh. Điểm nhấn khác nằm ở ở cửa cốp không khớp tách biệt và kéo dài toàn bộ đuôi xe.

Cabin là nơi tập trung công nghệ, vật liệu cao cấp và không gian rộng rãi. BMW ví nội thất của iX như phòng chờ hạng thương gia. Ghế phong cách mới, thiết kế liền tựa đầu. Bảng điều khiển bố trí tối giản, màn hình cong rộng kết hợp đồng hồ và màn hình giải trí. Vô-lăng hình lục giác mới. BMW sử dụng vật liệu bằng pha-lê để trang trí cần số, núm tròn điều khiển màn hình và nút chỉnh ghế.

iX trang bị hai động cơ điện công suất 496 mã lực và bộ pin 100 kWh. Nhờ đó, chiếc SUV có thể di chuyển quãng đường lên tới 600 km theo tiêu chuẩn châu Âu WLTP hoặc 482 km theo chuẩn FTP-75 của EPA. Hãng xe Đức cho biết, công nghệ mới của iX cho phép sạc nhanh DC với công suất lên đến 200 kW, cho phép sạc đầy từ 10-80% dung lượng dưới 40 phút. Cụ thể, với 10 phút sạc nhanh cho phép iX di chuyển 120 km. Với sạc Wallbox 11 kW cho phép sạc đầy 100% mất 11 giờ.