Nhìn lại năm 2021: Thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tải trọng phương tiện

07/01/2022

Năm 2021, công tác quản lý các điều kiện về an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải được thực hiện chặt chẽ.

Bộ Giao thông vận tải đã chủ động, kịp thời phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông vận tải an toàn, thích ứng với các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QRCode, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong điều kiện vẫn bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19.

Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải

Chú thích ảnh

Cân tải trọng xe tải chở nguyên vật liệu tại Quốc lộ 24C, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm qua, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, nhất là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn, lượng hành khách sụt giảm, bên cạnh đó, doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để trang bị các thiết bị phòng, chống dịch cho hành khách, lái, phụ xe, lái tàu, phi công…, và tại các cảng hàng không, bến xe, nhà ga. Tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa cho các phương tiện đi, đến hoặc đi qua khu vực, địa bàn thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch cho 5 lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải, gồm: đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, đường thủy nội địa và hàng hải để các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương thống nhất áp dụng trên toàn quốc; đồng thời, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công an đã trực tiếp và chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông ban hành 4 kế hoạch, 1 phương án, 15 điện cùng nhiều công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh để phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong năm qua, Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tại 2.962 chốt, với 4.734 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, khoảng 5.000 chốt, với hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia các chốt tại cơ sở để phân luồng, hướng dẫn giao thông.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi sử dụng phương tiện đưa, đón cán bộ, chiến sỹ và trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác đảm bảo kỹ thuật cho các xe tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là chiến dịch tăng cường xe cứu thương, xe vận chuyển quân và trang thiết bị y tế cho các tỉnh phía Nam. Đến nay, Quân đội đã điều động 7.255 xe ô tô các loại cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có 1.741 xe con, 1.433 xe ca, 3.207 xe vận tải, 729 xe cứu thương và xe xét nghiệm, 145 xe chuyên dùng khác.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải đã kịp thời giải quyết các vướng mắc về công tác vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19; thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, 63 địa phương về công tác vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất các phương án phối hợp đảm bảo vận chuyển người, thuốc men, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra và xử lý ngay các tồn tại bất cập về vận tải và tổ chức giao thông phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng mã QRcode để tổ chức “luồng xanh” vận tải hàng hóa trên đường bộ và đường thủy nội địa. Bộ cũng thành lập 4 tổ kiểm tra hiện trường trực tiếp theo dõi hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không tại các chốt kiểm soát dịch, trên các tuyến quốc lộ, cảng biển, bến thủy nội địa, đầu mối hàng hóa tại 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tập trung phối hợp ngay với lực lượng chức năng của địa phương để xử lý các điểm ùn tắc.

Gỡ vướng trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện

Theo quy định tại Nghị định 100/20219/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trước ngày 1/1/2022, tất cả các xe đăng ký kinh doanh dịch vụ phải đổi biển số sang biển nền màu vàng. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đổi biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen cho xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải. Tính đến ngày 14/12/2021, toàn quốc đăng ký mới 428,8 nghìn xe ô tô, 2,5 triệu xe mô tô, 140,5 nghìn xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký là 5,2 triệu ô tô, 68,3 triệu mô tô và 1,76 triệu xe máy điện.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đưa vào cảnh báo các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phương tiện liên quan đến các vụ án; tiếp tục thực hiện công khai thông tin phương tiện vi phạm hành chính thông qua đường dây nóng và trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam; duy trì việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm phương tiện thông qua mạng kiểm định và qua hệ thống Camera giám sát trực tuyến.

Trong năm 2021, số lượt phương tiện đường bộ vào kiểm định là 4,45 triệu lượt; trong đó hơn 4 triệu lượt phương tiện kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và 393,6 nghìn lượt phương tiện kiểm định không đạt tiêu chuẩn ở lần kiểm định thứ nhất. Số lượng phương tiện thủy nội địa được kiểm tra giám sát kỹ thuật là 33,4 nghìn lượt; lĩnh vực tàu biển là 1,5 nghìn lượt tàu; lĩnh vực đường sắt có 4.009 phương tiện được đăng kiểm.

Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn công tác kiểm định xe ô tô quân sự cho 18 cán bộ, nhân viên các trung tâm, trạm kiểm định (100% khá, giỏi, trong đó có 39,9% giỏi). Thực hiện nghiêm công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô quân sự, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và xe làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong năm qua đã kiểm định được 44,5 nghìn lượt xe, số lượt xe đạt yêu cầu là 43,6 nghìn xe (98,01%).

 Nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Để tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thử nghiệm lắp đặt và lập hồ sơ chứng nhận hợp quy thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe theo quy định tại QCVN: 105:2020/BGTVT; thí điểm lắp đặt thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin học lái xe) theo QCVN:106:2020/BGTVT tại các Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bộ cũng xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sớm triển khai áp dụng nội dung sát hạch bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong năm 2021, các đơn vị chức năng đã cấp 498 nghìn giấy phép lái xe ô tô, gần 624,6 nghìn giấy phép lái xe mô tô; thực hiện cấp 2.124 giấy phép lái xe quốc tế.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quân thực hiện nghiêm công tác đào tạo, kiểm tra, giám sát, sát hạch cấp 1.919 giấy phép lái xe ô tô quân sự. Cấp, đổi 9.161 giấy phép lái xe ô tô quân sự, 843 giấy phép lái xe mô tô quân sự cho các đơn vị đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

Nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo thuyền viên, người lái, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đánh giá ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra về đáp án theo nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; triển khai thực hiện bộ phận một cửa điện tử đối với lĩnh vực đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Tính đến hết tháng 11/2021, tổng số giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn được cấp là 453 nghìn chiếc; trong đó, 11 tháng năm 2021, cấp được 7.250 chiếc.

Đối với lĩnh vực đường sắt, lực lượng chức năng đã tổ chức sát hạch cấp mới, cấp lại 67 giấy phép lái tàu. Lĩnh vực hàng không dân dụng, trong năm 2021, đã cấp phép cho 2.561 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bay.

Thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tải trọng phương tiện

Chú thích ảnh

Lực lượng liên ngành tỉnh Tuyên Quang kiểm tra trọng tải xe chở hàng.

 Năm 2021, để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg và Chỉ thị số 03/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe; phối hợp giữa các đơn vị để trao đổi thông tin, xử lý các phương tiện có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, cơi nới, thay đổi kết cấu, đặc biệt là tình trạng hoán cải container thành thùng xe để chở hàng quá tải.

Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, cân xách tay tiến hành kiểm tra 73,9 nghìn xe, trong đó phát hiện 9,2 nghìn xe vi phạm về tải trọng, tước 2,78 nghìn giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 85,44 tỷ đồng.

Thanh tra hàng hải - Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức thanh tra một số cảng biển tại khu vực Đà Nẵng và phát hiện 20 xe ô tô xếp hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, tiến hành thủ tục xử phạt vi phạm hành chính 40,5 triệu đồng. Ngoài ra, các Cảng vụ hàng hải đã chủ trì thực hiện trên 1.000 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện 15 cuộc kiểm tra tải trọng, phát hiện 5 lượt phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, chuyển Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt các phương tiện này với số tiền 32 triệu đồng.

Các đơn vị chức năng ngành đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm; theo đó, các đơn vị đã tổ chức 31 lượt cân kiểm tra tải trọng toa xe (với 506 toa xe được cân), qua kiểm tra không phát hiện các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện.

Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý trên 90,4 nghìn trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng phương tiện (chiếm 3,18% các hành vi vi phạm).