Nhiều nước châu Âu lập liên minh làm pin xe điện

04/05/2019

Chính phủ và doanh nghiệp các nước châu Âu thành lập liên minh để phát triển thế hệ pin xe điện kế tiếp, đầu tư từ 5 đến 6 tỉ EUR vào dự án.

 /// Ảnh: Reuters

Xe điện đang là sự lưa chọn hàng đầu tại nhiều nước phát triển

Theo AFP, đây là thông tin mà bộ trưởng tài chính Pháp và Đức vừa đưa ra hôm 3.5. Số tiền trên tương đương từ 5,6 tỉ USD đến 6,7 tỉ USD. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cùng người đồng cấp Đức Peter Altmaier cho hay trong một cuộc họp báo rằng tối đa 1,2 tỉ EUR trợ cấp công sẽ được cấp cho liên minh này.

Bộ trưởng Tài chính Pháp cho hay: “Nhiều nước thành viên khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia dự án, trong số này có Ý, Bỉ, Ba Lan, Áo và Phần Lan”. Ít nhất 4 tỉ EUR sẽ đến từ các hãng tư nhân, trong đó có nhà sản xuất ô tô PSA và hãng sản xuất pin Pháp Saft, một đơn vị của hãng dầu khí Total.

“Hôm nay chúng tôi nhận thấy dự án có được sự quan tâm hơn bao giờ hết”, Altmaier nói, cho biết thêm rằng 35 doanh nghiệp đã đăng ký vào dự án. Danh sách đăng ký có nhiều cái tên sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu. Giới lãnh đạo chính trị Liên minh châu Âu (EU) từ lâu kêu gọi nỗ lực hợp tác để tự sản xuất pin, giúp các hãng xe không phải phụ thuộc vào pin Trung Quốc.

Một nhà máy thí điểm với khoảng 200 nhân viên sẽ mở cửa ở Pháp trong vài tháng tới. Theo kế hoạch thì một nhà máy tương tự cũng sẽ xuất hiện tại Đức, mỗi nhà máy tạo khoảng 1.500 việc làm mới. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã và đang tăng sản xuất xe điện sau nhiều năm chịu bê bối về ô nhiễm diesel và trong bối cảnh quy định về việc cắt giảm khí thải carbon cứng rắn hơn có hiệu lực.

Tuy vậy, các hãng xe châu Âu vẫn phải mua linh kiện pin từ nhà sản xuất nước ngoài, chủ yếu là từ châu Á. Đây là các thành phần cần thiết để chế tạo pin có dung lượng cao, cần dùng cho xe điện. Ngoài liên minh phát triển thế hệ pin xe điện mới, Đức và Pháp còn cố gắng thúc đẩy một nhóm để phát triển công nghệ pin có thể được sử dụng trong nước, dọc theo dây chuyền sản xuất của hãng chế tạo máy bay châu Âu Airbus. 

Hà Lan: Thành phố Amsterdam sẽ cấm ô tô gây ô nhiễm từ năm 2030

Thà nh phố Amsterdam nhìn từ SkyLounge trên tầng 11 của khách sạn DoubleTree by Hilton Hotel ở Amsterdam và o ngà y 2/4/2013. Ảnh: Reuters / Michael Kooren

Thành phố Amsterdam nhìn từ SkyLounge trên tầng 11 của khách sạn DoubleTree by Hilton Hotel ở Amsterdam vào ngày 2/4/2013.

“Ô tô và xe máy chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ bị cấm tại Amsterdam, thủ đô của Hà Lan từ năm 2030 nhằm làm sạch không khí trong thành phố”, hội đồng thành phố cho biết vào ngày 3/5.

“Ô nhiễm thường là một kẻ giết người thầm lặng và là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức khỏe ở Amsterdam”, ủy viên hội đồng giao thông thành phố, Sharon Dijksma cho biết.

Mặc dù nhiều người Hà Lan sử dụng xe đạp trên cả nước nhưng ô nhiễm không khí ở Hà Lan còn tồi tệ hơn so với quy định của châu Âu, nguyên nhân chính là do các phương tiện giao thông đông đúc ở các thành phố Amsterdam và Rotterdam.

Bộ y tế Hà Lan đã cảnh báo nồng độ NO2 và phát thải chất dạng hạt hiện nay có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, với việc phơi nhiễm mãn tính sẽ rút ngắn hơn một năm tuổi thọ của con người.

Amsterdam cho biết thành phố này đặt mục tiêu thay thế tất cả các động cơ xăng và diesel bằng các giải pháp thay thế không có khí thải, như xe điện và hydro vào cuối thập kỷ tới.

Thành phố sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2020 bằng cách cấm các xe diesel được sản xuất trước năm 2005 trong thành phố và sẽ dần dần mở rộng phạm vi các phương tiện bị cấm.

Thành phố Amsterdam cho biết sẽ sử dụng trợ cấp và giấy phép đỗ xe để kích thích người dân chuyển sang sử dụng xe sạch hơn.


Tác giả: T. Thảo-M. Đan