Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác cả nghìn km đường bộ cao tốc

24/12/2020

Bộ GTVT quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành,...


Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác cả nghìn km đường bộ cao tốc 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chủ trì hội nghị

Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm đầu cầu TP.Hà Nội và các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đầu tư hàng loạt công trình, năng lực kết cấu hạ tầng tăng vọt

“Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp hạng 3, sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32). Tất cả các chỉ số đánh giá về Logistics năm 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó, mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).”

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Điển hình, trong công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011- 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, ở lĩnh vực đường bộ cao tốc, giai đoạn vừa qua, khu vực phía Bắc hoàn thành đầu tư các tuyến đường cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn.

Khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Hiện nay, hai tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Liên Khương - Đà Lạt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cũng được chú trọng đầu tư đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Điển hình, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các sân bay được xây dựng mới gồm: Phú Quốc, Vân Đồn,… nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm; Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm.

Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu,…


Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác cả nghìn km đường bộ cao tốc 2

Thứ trưởng Lê Đình Thọ báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Tạ Hải

“Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ 95/144 (năm 2011) lên 79/137 (năm 2016), trong đó, chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016 (năm 2011, Việt Nam xếp hạng 53/155 nước).

"Riêng trong năm 2020, Bộ GTVT kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây", Thứ trưởng Thọ cho biết.

Đồng thời, Bộ GTVT đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu).

Ngoài ra, Bộ GTVT đang tích cực đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của nhà đầu tư đối với 3 dự án thành phần có nhà đầu tư đáp ứng (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), dự kiến hoàn thành và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Thời gian qua, Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm khởi công một số hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

Cùng với đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Tiến hành động thổ Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; Tập trung triển khai để đưa vào khai thác một số hạ tầng giao thông quan trọng như: Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; Dự án nâng cấp, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài,...


Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác cả nghìn km đường bộ cao tốc 3

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác trong cả nước lên 1.163km.

Vận tải tăng trưởng mạnh, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, số vụ giảm 42,7%, số người chết giảm 19% và số người bị thương giảm 53,91%so với giai đoạn 2011 - 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Đối với lĩnh vực vận tải, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, giai đoạn từ 2016 -2019, sản lượng vận tải luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,87%/năm về khối lượng vận chuyển và 7,1%/năm về khối lượng luân chuyển.

Vận tải hành khách có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,75%/năm về khối lượng vận chuyển và 10,4%/năm về khối lượng luân chuyển.

Chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần năm 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

"Đặc biệt, trong 5 năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm, trật tự ATGT; hoàn thành và kịp thời đưa vào khai thác có hiệu quả các dự án, công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, hiện đại,... ", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không để nợ đọng.

Chất lượng, tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật, đề án của Bộ GTVT ngày càng được cải thiện, nâng cao qua từng năm. Công tác xây dựng quy hoạch đã bước đầu đáp ứng yêu cầu định hướng cho công tác đầu tư theo thứ tự ưu tiên là những cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình hình thành chủ trương, xây dựng các chính sách, kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức thực hiện.

Công tác cải cách hành chính được Bộ GTVT tập trung thực hiện có hiệu quả như tổ chức sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Bộ GTVT cũng quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án cắt giảm 35 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 166 thủ tục hành chính, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GTVT (đạt tỷ lệ 67,36%); sửa đổi, bổ sung 10/10 văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Bộ GTVT chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tích cực tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Bộ GTVT cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua cần tiếp tục khắc phục như: Hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý và giảm hiệu quả khai thác vận tải; Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu,...


Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác cả nghìn km đường bộ cao tốc 4

Một số hạng mục của Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 chuẩn bị được khởi công xây dựng

Năm 2021 phấn đấu giải ngân hơn 46 nghìn tỷ đồng

Đề cập đến kế hoạch năm 2021, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đối với lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020.

Về giải pháp thực hiện, Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch Covid -19 và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới gắn với yêu cầu phục hồi thị trường vận tải trong nước.

Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Về đầu tư phát triển, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân khoảng 46.005 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa, Bộ GTVT sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp,…

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Bộ GTVT sẽ chú trọng giải quyết các khoản nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách, bao gồm: Hoàn ứng trước kế hoạch, trả nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ khối lượng hoàn thành các dự án triển khai giai đoạn trước, trả nợ tới hạn các dự án BT, nợ địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án trước năm 2016.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án: Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông đặt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh,…


Tác giả: BGT