Đầu tư cho giao thông Đông Nam bộ là đầu tư cho phát triển đất nước

23/11/2020

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định: Đầu tư cho kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ là đầu tư hiệu quả nhất của đồng vốn ngân sách.

Đầu tư cho giao thông Đông Nam bộ là đầu tư cho phát triển đất nước 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP. Vũng Tàu ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy, triển khai nhiều dự án quan trọng cho vùng.

Theo Thứ trưởng, vùng Đông Nam bộ là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, logistics, hàng không lớn nhất của cả nước. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển tăng trưởng hàng năm (5 năm qua) là 20%/năm. Tuy nhiên, đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối chưa tương xứng nên ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

“Phải xác định đầu tư cho kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ là đầu tư cho sự phát triển chung của đất nước chứ không chỉ riêng vùng. Đây là phương thức đầu tư hiệu quả nhất của đồng vốn ngân sách Nhà nước để tăng sự cạnh tranh của kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các bộ đề xuất chính sách để phân bổ vốn đầu tư công và thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách.

Bộ GTVT đã và đang có nhiều hành động quyết liệt hơn để một vài năm tới có thể khởi công nhiều dự án kết nối cho vùng Đông Nam bộ, điển hình như phấn đấu khởi công giai đoạn đầu dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai III (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch); cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đầu ngành, đại diện các bộ đã thể hiện các ý kiến, kế sách tâm huyết với mong muốn kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ cần phải được đầu tư xứng tầm để khu vực này “cất cánh”.

Đầu tư cho giao thông Đông Nam bộ là đầu tư cho phát triển đất nước 2

​​​​(Ảnh minh họa)

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị đã đặc biệt quan tâm phát triển vùng Đông Nam bộ, trong đó đặc biệt quan tâm tới TP.HCM với các nghị quyết về định hướng phát triển.

Nhờ đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn tiếp tục là vùng có đóng góp lớn nhất về GDP, tạo nhiều việc làm và chứng tỏ tiềm năng - nội lực phát triển vượt trội. Mức đóng góp GDP 50,8%, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp lớn hơn cả 3 vùng KTTĐ còn lại cộng lại.

Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP 2016-2018 đạt 6,72% (trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 9,08%). Vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nền kinh tế tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu, theo TS Trần Đình Thiên.

Lý giải về điều này, ông Thiên nói: Đó là do thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm; ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các dự án như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải mà triển khai chậm thì sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ tới vùng mà còn tới cả nước.

PGS TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhìn nhận, cần có một cơ chế đủ mạnh, có dấu ấn của "nhạc trưởng" để xác định thế mạnh của từng tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ. Thậm chí, còn cần cả cơ chế để các tỉnh không chỉ cùng đóng góp nguồn lực để phát triển mà còn có cơ chế để chia sẻ lợi ích từ sự phát triển đó.

"Làm sao để nếu Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao thì các tỉnh khác như: Bình Dương, Đồng Nai… cũng thấy vui, hạnh phúc", TS Ngân đặt vấn đề.

Đầu tư cho giao thông Đông Nam bộ là đầu tư cho phát triển đất nước 3

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống phát biểu

Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống, vùng Đông Nam Bộ có vai trò hết sức quan trọng với cả nước và với khu vực. Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xử lý nhiều vấn đề nguồn lực để phát triển giao thông vùng này, trong đó cả phát triển đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Trong tương lai, quy hoạch cũng đặt vấn đề đường sắt, tính đến kết nối Đông Nam bộ với ngoại vùng cũng như quốc tế.

Sắp tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục làm tốt hơn công việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để giai đoạn 2021-2025, cố gắng phấn đấu đưa những công trình giao thông trọng điểm, dự án mang tính tháo gỡ nút thắt cho khu vực Đông Nam bộ.

Hội thảo do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, báo Tuổi Trẻ và Cổng thông tin Chính phủ (chinhphu.vn) đồng tổ chức.


Tác giả: M. Huyên