Tăng cường bảo đảm ATGT cho khách du lịch nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam

01/10/2019

Nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019, trong tháng 9/2019, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Lào Cai, Tổng cục Du lịch và một số cơ quan đơn vị liên quan tổ chức 03 Hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT cho người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam.


Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT phát biểu khai mạc Hội nghị tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 06/9/2019.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Thạch cho biết: “Trong những năm vừa qua công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cả xã hội quan tâm vào cuộc; nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài về đảm bảo TTATGT đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Kết quả, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc đã có những chuyển biến tích cực; liên tiếp trong 06 năm (từ 2012 ÷ 2018) tai nạn giao thông (TNGT) đã được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí, năm 2012 số người chết là 9446, số người bị thương 33411 người, năm 2018 số người chết giảm còn 8125 người và số người bị thương là 14194 người, trung bình 1 năm giảm 2% số người chết và 8% số người bị thương; đồng thời, trong 08 tháng đầu năm 2019 tình hình TNGT cũng giảm cả 03 tiêu chí, cụ thể: toàn quốc xảy ra 11331 vụ, làm chết 5096 người và làm bị thương 8587 người. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 451 vụ (giảm 3,83%), giảm 270 người chết (giảm 5,03%), giảm 613 người bị thương (giảm 6,66%).

Tai nạn giao thông không chỉ xảy ra đối với người Việt Nam mà còn liên quan tới người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng như du khách quốc tế khi đi du lịch tại Việt Nam. Điều đáng buồn hơn là tai nạn giao thông liên quan tới khách du lịch và người nước ngoài tăng cao trong thời gian qua do lượng người nước ngoài tới Việt Nam du lịch và làm việc ngày càng tăng. Theo số liệu của Tổng cục du lịch, lượng du khách tới Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 15,5 triệu người, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 2 con số.

Các nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông không chỉ liên quan trực tiếp tới người điều khiển phương tiện, mà còn gián liên quan tới các cơ sở cho thuê phương tiện. Công tác xử lý tai nạn giao thông liên quan tới người nước ngoài thường phức tạp, khó khăn, bất đồng ngôn ngữ.”


Vì vậy, để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch, người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam, từ đó góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân một số địa phương, Tổng cục Du lịch và một số cơ quan đơn vị liên quan tổ chức 03 Hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT cho người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam trong tháng 9/2019 tại 03 miền trong cả nước. Cụ thể, miền Nam tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 06/9/2019, miền Trung - Tp. Đà Nẵng ngày 13/9/2019 và miền Bắc - Tp Lào Cai ngày 24/9/2019.

Với khoảng 400 đại biểu tham dự 03 Hội nghị nêu trên đến từ các cơ quan ban ngành của địa phương như: các cán bộ của Sở GTVT, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin truyền thông, Ban ATGT các quận, huyện trên địa bàn thành phố, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai, các Hiệp hội vận tải, taxi, Hiệp hội doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở kinh doanh cho thuê phương tiện, các cơ sở lưu trú. Ngoài ra còn có sự hiện diện của đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa TTDT, các Hiệp hội doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp du lịch lữ hành của 04 tỉnh miền Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, 05 tỉnh miền Trung (gồm Đà nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và một số tỉnh phía Nam.

Với 06 báo cáo viên Trung ương (Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an, Tổng Cục du lịch) và 03 báo cáo viên địa phương trình bày 10 bài tham luận với nhiều nội dung đa dạng, phong phú từ các quy định liên quan tới luật giao thông đường bộ, quy định về xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ, công ước quốc tế có liên quan; tham luận về công tác quản lý an toàn đối với du khách của ngành du lịch; cùng các biện pháp tăng cường giáo dục, cưỡng chế và xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, các Hội nghị đã chia sẻ nhiều thông tin thiết thực, hữu ích, nêu bật các giải pháp chính để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ nói chung cũng như an toàn giao thông cho người nước ngoài nói riêng:


Ông Bùi Thanh Thuận – Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng  phát biểu tại Hội nghị tổ chức tại khu vực miền Trung

 Tại Tp. Hồ Chí Minh: Đây là địa phương đi đầu trong cả nước về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với người nước ngoài. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP. HCM, việc đảm bảo toàn cho người nước ngoài khi lưu thông trên đường phố ở TP.HCM là nhiệm vụ quan trọng. Vừa kết hợp xử lý xử phạt nhưng quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn để người tham gia giao thông, đặc biệt là người nước ngoài họ hiểu và chấp hành một cách tốt nhất. 

“Việc này cần phải có sự tham gia của nhiều bên, ngoài các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông thì các đơn vị du lịch lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái… đặc biệt là tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong quản lý người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, tăng cường tuyên truyền về luật giao thông ngay khi người nước ngoài đến Việt Nam ngay tại sân bay” - ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.

Tại Đà Nẵng: Ông Bùi Thanh Thuận – Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các tuyến đường dẫn đến các khu du lịch, các khu vực tập trung đông du khách nước ngoài lưu trú trên địa bàn, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy do người nước ngoài điều khiển.


Ông Nguyễn Văn Thạch chủ trì phiên hỏi đáp tại Hội nghị khu vực miền Trung.

Cùng với đó tăng cường kiểm tra và yêu cầu các cơ sở cho thuê mô tô, xe máy trên địa bàn phải đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với phương tiện cho thuê, có đầy đủ giấy tờ xe theo quy định. Đồng thời, để nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lắp đặt hàng chục camera quan sát cùng máy chủ quản lý dữ liệu tại các nút giao thông lớn trong Tp Đà Nẵng...

Tại Lào Cai: địa phương có kinh tế mũi nhọn từ du lịch, dịch vụ với lượng khách du lịch tăng cao trong nhiều năm qua tuy nhiên lại là nơi có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan tới người nước ngoài thấp nhất cả nước. Hội nghị tổ chức tại Lào Cai nhận được đông đảo sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở kinh doanh cho thuê phương tiện, các cơ sở lưu trú cho thấy ý thức, sự quan tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với du khách của địa phương rất cao.

Hội nghị kiến nghị các cơ quan quản lý siết chặt hoạt động với các doanh nghiệp này về điều kiện kinh doanh, thủ tục, hợp đồng thuê xe, giấy tờ đảm bảo… Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái, ô tô tự lái cần thực hiện đúng quy định pháp luật, không vì lợi nhuận mà cho người nước ngoài không có giấy phép lái xe quốc tế, giấy phép lái xe Việt Nam thuê xe. “Cần gắn trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh cho thuê xe mô tô, xe máy, ô tô tự lái trong các vụ TNGT do người nước ngoài gây ra khi sử dụng xe thuê của các cơ sở này. CSGT bên cạnh tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý người nước ngoài tự lái xe tham gia giao thông ở Việt Nam.


Ảnh Hội nghị tại khu vực miền Bắc – Tp. Lào Cai

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, tích cực phối hơp đề nghị lực lượng chức năng tuyên truyền, tăng cường xử lý người nước ngoài vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tại Việt Nam.