Hạn chế do COVID-19 đang chất chứa các rắc rối cho thuyền viên và chuỗi cung ứng toàn cầu

13/04/2020

Ngày 07/4/2020, Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã thay mặt cho những người đi biển trên toàn thế giới, đưa ra lời kêu gọi chung tới các chính phủ về việc tạo điều kiện cho sự di chuyển thiết yếu của thuyền viên và nhân viên hàng hải trên phạm vi toàn cầu.


Bức thư chung nói trên của ICS và ITF gửi cho các chính phủ theo sau cuộc đối thoại của họ với G20, và các kết quả tích cực được định hình trong cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng đầu tư và thương mại G20 diễn ra ngày 30/3/2020.

Khoảng 90 phần trăm thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng vận tải hàng hải - là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu,  phụ thuộc vào 2 triệu người đi biển và nhân viên hàng hải thế giới vận hành đội tàu buôn trên khắp các đại dương.

Với dự định tiếp tục hạn chế việc đi lại và các chuyến bay, đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với các chính phủ là phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng về tạo thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên. Nếu không có sự phối hợp hành động toàn cầu, dòng hàng hóa xuất nhập khẩu hiệu quả bằng đường biển sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm, tạo ra những tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi của nền kinh tế các nước trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Mặc dù các chính phủ đang phải tập trung vào tình trạng khẩn cấp y tế công cộng ngay lập tức do COVID-19 gây ra, chúng ta không được quên rằng - trong số các hoạt động kinh tế quan trọng khác - đội tàu thương mại vận chuyển vật tư y tế, thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô của thế giới, cùng với các sản phẩm và linh kiện được sản xuất ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, là cần thiết cho các nền kinh tế quốc dân hoạt động hiệu quả và bảo toàn việc làm cho rất nhiều người lao động trong cuộc khủng hoảng này.

Vào ngày 30/3/2020, các bộ trưởng đầu tư và thương mại G20 tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đảm bảo sự hoạt động thông suốt và liên tục của các mạng lưới logistics đóng vai trò là xương sống của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi sẽ tìm ra các cách thức để mạng lưới logistic thông qua vận tải hàng không, hàng hải và đường bộ vẫn mở, cũng như các cách thức để tạo điều kiện cho sự di chuyển thiết yếu qua biên giới của các nhân viên y tế và các doanh nhân, nhưng không làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus."

Điều quan trọng được G20 đưa ra trong tuyên bố nêu trên là các chính phủ đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống giao thông hàng hải toàn cầu, bằng cách tạo điều kiện cho sự di chuyển thiết yếu của thuyền viên và nhân viên hàng hải thế giới, bao gồm cả khả năng thay đổi thuyền viên.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp diễn phức tạp, ICS và ITF mong muốn thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng G20 đối với các biện pháp khuyến nghị các chính phủ nhằm tạo điều kiện cho việc thay đổi thuyền viên tại các cảng, như được nêu trong Thông báo số 4204/Add.6 ngày 27/3/2020 Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Những khuyến nghị toàn diện này bao gồm việc công nhận những người đi biển chuyên nghiệp và nhân viên hàng hải, bất kể quốc tịch, là "người lao động chủ chốt" cung cấp dịch vụ thiết yếu và chấp nhận cho họ những miễn trừ thích hợp từ các hạn chế đi lại hoặc di chuyển quốc gia, để cho phép họ đến và rời tàu. Những khuyến nghị này hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và được bổ sung bởi tuyên bố ba bên (bao gồm đại diện các chính phủ, các chủ tàu và thuyền viên) được Tổ chức Lao động quốc tế ban hành ngày 31/3/2020.

Ngoài nhiều hạn chế về đi lại, cùng với những thách thức liên quan đến các quy trình kiểm tra sức khỏe và nhập cư ảnh hưởng đến người đi biển và nhân viên hàng hải, một trở ngại cấp bách đối với việc thay đổi thuyền viên - điều rất quan trọng đối với các hoạt động vận tải hàng hải an toàn, hiệu quả - là việc đình chỉ các chuyến bay hiện tại nhiều sân bay trên thế giới. Vì lý do nhân đạo - và yêu cầu tuân thủ các quy định về an toàn và việc làm quốc tế - việc thay đổi thuyền viên không thể bị trì hoãn vô thời hạn.


Hàng tháng (trong trường hợp bình thường), trên toàn thế giới khoảng 100.000 thuyền viên cần được thay đổi trên các tàu họ đang vận hành, để tuân thủ các quy định hàng hải quốc tế có liên quan nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn, phúc lợi cho thuyền viên, và đảm bảo việc vận chuyển an toàn, hiệu quả bằng đường biển các hàng hóa và sản phẩm quan trọng.

Ngành vận tải hàng hải toàn cầu nhận thấy các hạn chế và giao thức y tế hiện đang áp dụng ở nhiều quốc gia đối với việc di chuyển bằng đường hàng không, việc đi lại của thuyền viên và việc lên, rời tàu của họ tại cảng, sẽ làm cho nhiều hoạt động thay đổi thuyền viên có thể phải hoãn lại ít nhất cho đến tháng 5/2020, và còn có khả năng lâu hơn.

Tuy nhiên, hàng chục ngàn người đi biển, khi thời gian phục vụ trên tàu của họ đã kết thúc, đang chờ được hồi hương; và chúng ta có thể sớm đến thời điểm, khi chính quyền quốc gia tàu mang cờ không còn sẵn sàng chấp nhận việc kéo dài thời gian ở lại trên tàu của các thuyền viên khi mà hợp đồng lao động của họ đã hết hiệu lực.

Một mối quan ngại lớn đối với ngành vận tải biển là những hạn chế tại chỗ đã dẫn đến hàng ngàn người đi biển đã phải ở lại trên biển trong vài tháng sau khi hợp đồng lao động hết hạn, và điều này, kết hợp với các nhiệm vụ trên tàu đã tạo ra sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần đối với thuyền viên, làm tăng theo cấp số nhân nguy cơ tai nạn và thảm họa hàng hải, đó là kịch bản khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh và đã bị kéo căng.

Do đó, cần phải có một chiến lược toàn cầu để tạo ra co chế hợp tác cần thiết giữa các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, các chính phủ và các bên liên quan khác, bao gồm cả các hãng hàng không lớn, để tạo điều kiện cho việc di chuyển và thay đổi thuyền viên càng sớm càng tốt.

Để giải quyết vấn đề cấp bách nêu trên, trong thư chung của mình gửi các chính phủ, ICS và ITF kêu gọi:

- Các chính phủ xác định các cảng của quốc gia và các sân bay thích hợp gần đó, mà từ đó việc thay đổi thuyền viên có thể được nối lại càng sớm càng tốt; đồng thời thông báo điều này cho IMO và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

- Các chính phủ, trong trường hợp khẩn cấp về y tế, cho phép thuyền viên được tiếp cận điều trị y tế khẩn cấp trên bờ và, nếu cần thiết, để tạo điều kiện hồi hương khẩn cấp theo yêu cầu của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 của ILO.

- Các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vì tính cấp bách của vấn đề, cần tham gia ngay lập tức với hiệp hội chủ tàu, công đoàn thuyền viên quốc gia và các bên liên quan khác, để tìm ra các giải pháp cho vấn đề nghiêm trọng về thay đổi thuyền viên, nếu không sẽ có nguy cơ cản trở những nỗ lực tập thể để giải quyết đại dịch COVID-19 đồng thời với việc cho phép các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục hoạt động.

- G20 thành lập một nhóm chuyên trách đặc biệt về vấn đề thay đổi thuyền viên, điều này sẽ bổ sung rất lớn vào các phản ứng hiệu quả đối với đại dịch virus corona.

Trong thư của mình, ICS và ITF đánh giá cao nỗ lực của các chính phủ và hoan nghênh sự dẫn dắt đã được G20 đưa ra trong việc thừa nhận tầm quan trọng của giao thông hàng hải. Hai tổ chức này khẳng định sự sẵn sàng hợp tác với G20 để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiếp tục hoạt động, và có thể tìm ra giải pháp cho thách thức phức tạp về tạo điều kiện thay đổi thuyền viên cho các tàu thương mại trên toàn thế giới.

Tác giả: H.V