Các hãng xe kêu gọi triển khai cơ sở hạ tầng phù hợp để giảm khí thải

02/04/2021

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô châu Âu kêu gọi các nước EU cam kết triển khai cơ sở hạ tầng phù hợp với các điểm sạc và trạm hydro nếu muốn thực hiện mục tiêu giảm CO2.

Cac hang xe keu goi trien khai co so ha tang phu hop de giam khi thai hinh anh 1

EU đặt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.​

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) cho biết các nhà sản xuất ôtô hàng đầu khối này sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải CO2 cao hơn cho ôtô vào năm 2030 nếu các nước EU cam kết triển khai cơ sở hạ tầng phù hợp với các điểm sạc và trạm hydro.

Trong một tuyên bố, ACEA đang kêu gọi đợt xem xét sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với các quy định về lượng khí thải của xe chở khách và xe tải cần dựa trên các mục tiêu triển khai cơ sở hạ tầng nghiêm ngặt trên toàn EU.

Oliver Zipse, Chủ tịch ACEA kiêm Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ôtô Đức BMW, cho biết các khoản đầu tư khổng lồ vào các phương tiện chạy điện đang được đền đáp.

Song, xu hướng này chỉ có thể duy trì nếu các chính phủ bắt đầu đầu tư phù hợp vào cơ sở hạ tầng và đó cũng là lý do tại sao bất kỳ mục tiêu giảm khí thải mới nào dành cho ôtô đến năm 2030 đều phải có điều kiện đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng. Theo ông Zipse, cam kết về khả năng trung hòa carbon không thể là “nghĩa vụ một sớm một chiều.”

Theo ACEA, cần có mối liên hệ trực tiếp giữa các mục tiêu phát thải của ngành ôtô và các mục tiêu quốc gia có thể thực thi đối với các điểm sạc và trạm tiếp nhiên liệu.

EU đặt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050. Dữ liệu từ ACEA cho thấy sẽ cần ít nhất ba triệu điểm sạc công cộng cho ôtô để đáp ứng mục tiêu dành cho năm 2030. Trong khi đó, hiện chỉ có khoảng 225.000 điểm đang hoạt động ở EU.

Anh có kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để cắt giảm khí thải

020421.1.jpg

Khí thải phát ra từ một nhà máy ở Scunthorpe, Anh.

Anh đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0% vào năm 2050 và cũng đang tìm cách thúc đẩy việc làm và khắc phục những thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Anh có kế hoạch đầu tư 1 tỷ bảng Anh (gần 1,4 tỷ USD) để cắt giảm khí thải từ các ngành công nghiệp, trường học và bệnh viện.

Kế hoạch này nằm trong "cuộc cách mạng xanh" quy mô lớn được thiết lập để tạo ra hàng nghìn việc làm và đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Anh đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0% vào năm 2050 và cũng đang tìm cách thúc đẩy việc làm và khắc phục những thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng cho biết các kế hoạch trên sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon và giúp nước Anh hướng tới mục tiêu giảm hoàn toàn lượng phát thải gây biến đổi khí hậu vào năm 2050.

Theo ông Kwarteng, các biện pháp này sẽ tạo ra và hỗ trợ tới 80.000 việc làm trong vòng 30 năm tới và giúp đất nước cắt giảm 2/3 lượng khí thải từ ngành công nghiệp trong 15 năm.

Khoảng 932 triệu bảng Anh sẽ được phân bổ cho 429 dự án trên khắp nước Anh để giúp giảm lượng khí thải từ các công trình công cộng như trường học, bệnh viện và cơ quan hành chính công thông qua các chương trình giảm khí thải carbon như chất cách nhiệt tiết kiệm năng lượng, hệ thống sưởi thải ít carbon, lắp đặt các tấm pin Mặt Trời và chiếu sáng hiệu quả .

171 triệu bảng Anh khác dự kiến sẽ được phân bổ cho 9 dự án ở Scotland, phía Nam xứ Wales và North West, Humber và Teesside ở Anh để giúp các ngành công nghiệp giảm phát thải cacbon.

Năm ngoái, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố về một "cuộc cách mạng xanh" mà ông cho biết sẽ huy động tổng cộng 12 tỷ bảng Anh tiền của chính phủ và tạo ra 250.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế “xanh” có tay nghề cao vào năm 2030./.

Tác giả: TTX