Bộ GTVT ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19

16/03/2020

Ngày 12/3/2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (sau đây gọi chung là Kế hoạch). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành GTVT do ảnh hưởng của dịch cúm Covid - 19, ngày 27/2/2020

Theo đó, Kế hoạch nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành giao thông vận tải (GTVT) đã được xác định tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, trong đó tập trung những nội dung sau:

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30 tháng 01 năm 2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2020 và các công điện của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban chỉ đạo địa phương phòng chống dịch Covid-19.

Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực và khu vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức đề kháng và khả năng thích ứng với các biến động từ bên ngoài và bên trong, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...

2. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao.

3. Trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Vụ Tài chính để tổng hợp, xử lý.

4. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.

5. Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

6. Có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm.

7. Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo thời hạn báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020...; không được để chậm trễ như vừa qua.

8. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; công bố công khai việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; các Cục, Tổng cục, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch này; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 11 và Kế hoạch này; tuyệt đối tránh xin cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải - email: vuvantai@mt.gov.vn) gửi Bộ GTVT để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giao Vụ Vận tải tổng hợp báo cáo và triển khai trong toàn ngành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố để bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19./.