Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông”

24/12/2018

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Tiêu chí “Văn hóa giao thông đường bộ”.

​​​​

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa nội dung Tiêu chí Văn hóa giao thông vào trong đời sống; vận động nhân dân thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông”, góp phần từng bước hình thành thói quen nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; kiềm chế và kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông.


Ông Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội nghị 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực đã dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đa số các tổ chức, cá nhân. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra được khắc phục kịp thời, tăng cường kỷ cương, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. 

​Để triển khai thực hiện tốt Tiêu chí “Văn hóa giao thông đường bộ”, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết”, trong giai đoạn 2018 - 2021 sẽ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa giao thông” triển khai trên toàn quốc, trong tổ chức thực hiện cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thống, hiện đại để tạo chuyển biến quan trọng trong văn hóa giao thông trên toàn quốc.


Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại hội nghị 

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, mọi đối tượng; nhân rộng các mô hình tuyên truyền có hiệu quả. Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền để các đơn vị thực hiện đảm bảo thống nhất. Đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, chú trọng đến tuyên truyền trực quan như pa nô, băng rôn, khẩu hiệu và các phương tiện thông tin ở địa phương, cơ sở để thu hút sự quan tâm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Đồng thời tiếp tục thực hiện lồng ghép nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cơ quan chức năng, các địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác quản lý trật tự an toàn giao thông tại cơ quan, đơn vị, địa phương đang quản lý. Tăng cường công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Chủ động phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ATGT.

Tác giả: X. Nguyên