GIỚI THIỆU VỀ ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM

21/04/2017

​Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn và chất lượng của các phương tiện

​Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn và chất lượng của các phương tiện và thiết bị giao thông vận tải, có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện giám sát kỹ thuật, chứng nhận chất lượng và an toàn cho các phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và công trình biển, các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho các ngành nói trên. Đồng thời, VR cũng là một tổ chức phân cấp tàu thuỷ.
Hoạt động của VR nhằm nâng cao an toàn sinh mạng con người, tài sản và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, không vì mục đích lợi nhuận. Cục Đăng kiểm Việt nam là Cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên trong ngành GTVT được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 do Tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế BVC cấp.

Ban lãnh đạo Cục ĐKVN
Ban Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Ðăng kiểm Việt Nam có 26 Chi cục thực hiện kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện thuỷ và công trình biển; có hệ thống 86 Trung tâm/Trạm đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện cơ giới đường bộ.
Đăng kiểm Việt nam là thành viên của Tổ chức OTHK, CITA và có mối quan hệ hợp tác song phương với tất cả các thành viên của Hiệp hội phân cấp Quốc tế IACS trên cơ sở những thoả thuận đã ký.
Ðăng kiểm Việt Nam có khoảng 1106 cán bộ, công nhân viên, trong đó có hơn 903 cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đẳng và đại học, khoảng 94 cán bộ có trình độ trên đại học.

Mục tiêu chất lượng
Mục tiêu Chất lượng của Ðăng kiểm Việt Nam là phục vụ lợi ích công cộng và nhu cầu của khách hàng, góp phần bảo đảm an toàn sinh mạng con người, tài sản và môi trường, thông qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và giám sát kỹ thuật khi thiết kế, đóng mới, cũng như trong suốt quá trình khai thác các phương tiện sắt, thủy, bộ và công trình biển.

Chính sách chất lượng
Chính sách chất lượng của Ðăng kiểm Việt Nam (VR) là cung cấp các dịch vụ có chất lượng để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.
Các hoạt động giám sát kỹ thuật, chứng nhận chất lượng và an toàn của VR luôn bảo đảm tính trung thực, tin cậy, nhanh chóng, rõ ràng và không ngừng được hoàn thiện.
Chính sách này được hiểu, thi hành và duy trì ở mọi cấp của Ðăng kiểm Việt Nam.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

  • Hoạt động đăng kiểm tàu thủy tại Việt Nam được hình thành từ năm 1884, khi lần đầu tiên ở Việt Nam có ụ khô để đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển tại Ba Son, Sài Gòn.
  • Năm 1960, Phòng Ðăng ký hải sự trực thuộc Bộ Giao thông vận tải được thành lập để thực hiện việc kiểm tra các loại phương tiện vận tải đường thủy. Trụ sở của Phòng Ðăng ký hải sự đóng tại Hà Nội. Cơ quan này là cơ sở tiền thân của Ðăng kiểm Việt Nam ngày nay.
  • Ngày 25-4-1964, Ty Ðăng kiểm được thành lập, có trụ sở đóng tại thành phố Hải Phòng. Ngày này được lấy là ngày thành lập của Ðăng kiểm Việt Nam.
  • Năm 1970, Ðăng kiểm Việt Nam bắt đầu kiểm tra các tàu buôn chạy tuyến quốc tế ngắn. Từ năm 1975, Ðăng kiểm Việt Nam kiểm tra phân cấp và chứng nhận các tàu chạy tuyến quốc tế xa.
  • Năm 1980, Đăng kiểm Việt Nam ký thoả thuận với DSRK về hợp tác và thay thế lẫn nhau trong kiểm tra phân cấp.
  • Năm 1981, Đăng kiểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TSCI.
  • Năm 1983, Đăng kiểm Việt Nam được bầu làm thư ký thường trực Văn phòng IMO ở Việt Nam.
  • Năm 1984, Đăng kiểm Việt Nam lần đầu tiên tham dự Đại hội đồng IMO với sự uỷ quyền của Chính phủ Việt Nam.
  • Năm 1991, Đăng kiểm Việt Nam được chính phủ uỷ quyền chứng nhận các tàu Việt Nam phù hợp với các công ước SOLAS 74/78, MARPOL 73/78, LL66, TONNAG69, COLREG
  • Từ năm 1992, Ðăng kiểm Việt Nam bắt đầu tham gia giám sát kỹ thuật và phân cấp các giàn khoan biển.
  • Năm 1993, Ðăng kiểm Việt Nam triển khai đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sản phẩm công nghiệp lắp đặt trên phương tiện thủy và các công trình trên bộ.
  • Từ tháng 5-1995, VR bắt đầu xây dựng và triển khai hệ thống kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ.
  • Ngày 08-04-1998, Trụ sở của Ðăng kiểm Việt Nam chuyển từ Hải Phòng về Thủ đô Hà Nội.
  • Năm 1999, Ðăng kiểm Việt Nam mở Văn phòng đại diện tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
  • Từ 01-01-2000, Ðăng kiểm Việt Nam triển khai kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các loại phương tiện xe, máy thi công.
  • Từ ngày 29/10/2003, Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với Phương tiện và thiết bị an toàn đường sắt.
  • Từ ngày 12/02/2003, Đăng kiểm Việt Nam thi hành Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển(ISPS).
  • Từ tháng 09/2003, Đăng kiểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA).
  • Năm 2007, Đăng kiểm Việt Nam duyệt thiết kế và giám sát đóng mới tàu hàng rời 20.000 dwt lớn nhất đầu tiền tại Việt Nam theo qui phạm VR.
  • Năm 2007, lần đầu tiên một số chủ tàu nước ngoài (Trung Quốc, Malaysia) chấp nhận Quy phạm Phân cấp và đóng tàu biển của VR để phân cấp tàu của họ.


HỢP TÁC QUỐC TẾ
VR là Phó Tổng thư ký Văn phòng thường trực IMO Việt Nam.
VR là một trong các cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên quan hệ với IMO và tham gia các dự án/seminar của IMO tại Việt Nam. Chuyên gia của VR là thành viên chính thức của đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp thường kỳ của Đại hội đồng, Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC), Ủy ban Pháp luật (LC), v.v của IMO.
Chính phủ giao cho VR tổ chức hướng dẫn thực hiện các Công ước IMO ở Việt Nam; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho tàu Việt Nam theo qui định của các Công ước hàng hải quốc tế mà Việt Nam đã tham gia: SOLAS 74/78, MARPOL 73/78, LL66, TONNAGE 69, COLREG 72, INMARSAT 76.
VR là thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm Châu Á (The Association of Asian Classification Societies – ACS từ tháng 2 năm 2010. VR tham đầy đủ các hoạt động của ACS và các nhóm công tác của nó.
VR là tổ chức thành viên của Tổ chức Phân cấp tàu (các nước XHCN cũ) - OTHK từ năm 1984 và đã tham gia một số đề tài nghiên cứu khoa học với thành viên của OTHK. VR thường xuyên tham dự các khoá họp Hội đồng và tham gia vào hoạt động của các nhóm công tác.
​​
Quan hệ với Hiệp Hội Đăng Kiểm Châu Á (ACS)
Hiệp hội Đăng kiểm Châu Á có tên viết tắt tiếng Anh là ACS (The Association of Asian Classification Societies). ACS chính thức thành lập vào tháng 02 năm 2010. Các thành viên chính thức của ACS bao gồm: Đăng kiểm Nhật Bản (NK), Đăng kiểm Trung Quốc (CCS), Đăng kiểm Hàn Quốc (KR), Đăng kiểm Ấn Độ (IRS), Đăng kiểm Indonesia (BKI) và Đăng kiểm Việt Nam (VR).
Hiện nay, VR tham gia đầy đủ các hoạt động của Hiệp hội ACS. Mô hình hoạt động của ACS bao gồm:
+/ Uỷ ban Điều hành (Executive Committee – EC)
+/ Nhóm Quản lý kỹ thuật (Technical Management Group – TMG)
+/ Các nhóm công tác:​

  • ​​​​​Nhóm công tác về quản lý nước dằn tàu (EV)
  • Nhóm công tác về tái sinh tàu (RC)
  • Nhóm công tác về thiết kế dựa vào rủi ro (RD)
  • Nhóm công tác về khả năng đi biển của máy tàu (MS)
  • Nhóm công tác về tiêu chuẩn dựa trên mục tiêu (GB)
  • Nhóm công tác về khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG)
  • Nhóm công tác về kiểm tra của chính quyền cảng (PC)
  • Nhóm công tác về quản lý chất lượng (QS)


​Quan hệ với Hội Phân cấp tàu Quốc tế (The International Association of Class Societies - IACS)
Ðăng kiểm Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác và thay thế lẫn nhau về lĩnh vực phân cấp và chứng nhận tàu biển, công trình biển với tất cả các thành viên chính thức của IACS.
Trên cơ sở hợp tác với IACS, hàng năm, VR có hàng chục cán bộ được cử đi thực tập và đào tạo nghiệp vụ ở nước ngoài.

Quan hệ với các tổ chức quốc tế khác
VR có quan hệ với các tổ chức quốc tế khác như: Trường Ðại học hàng hải quốc tế (WMU), CIDA Canada, OSCC Nhật Bản, Cơ quan kiểm tra ô tô của Ðức (TUV), Cơ quan quản lý an toàn ô tô Trung Quốc, SIDA Thụy Ðiển, Trung tâm tiêu chuẩn hóa ô tô Nhật Bản (JASIC), ...
VR là thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm ô tô quốc tế (The International Motor Vehicle Inspection Committee – CITA) từ tháng 9/2003.
VR tích cực tham gia và là thành viên chính thức của đoàn Việt nam trong các cuộc họp chuyên môn về GTVT thuộc ASEAN.
Hợp tác với 15 tổ chức đăng kiểm lớn và tổ chức nước ngoài khác về thay thế lẫn nhau giám sát kỹ thuật:

  • Ðăng kiểm Tiệp (CRS); Năm ký 1997
  • Ðăng kiểm Anh (LR); Năm ký 1993 và 1999
  • Ðăng kiểm Nga (MRS); Năm ký 2001 và 2007
  • Ðăng kiểm Ba Lan (PRS); Năm ký 1984
  • Ðăng kiểm Cu Ba; Năm ký 1984 và năm 2007
  • Ðăng kiểm Bungary; Năm ký 1984 và năm 2001
  • Ðăng kiểm Nhật Bản (NK); Năm ký 1987, 1996 và 2005
  • Ðăng kiểm Triều Tiên (JoSon); Năm ký 1992
  • Ðăng kiểm Trung Quốc (CCS); Năm ký 1993 và 2009
  • Ðăng kiểm Pháp (BV); Năm ký 1994 và 2006
  • Ðăng kiểm Nauy (DNV); Năm ký 1994 và 2007
  • Ðăng kiểm Mỹ (ABS); Năm ký 1994, 1999 và năm 2007
  • Ðăng kiểm Hàn quốc (KR); Năm ký 1997, 2004 và năm 2006
  • CETE Apave (APAVE); Năm ký 1997
  • Ðăng kiểm Ý (RINA); Năm ký 1998
  • Ðăng kiểm Ukraina; Năm ký 2001
  • Ðăng kiểm Inđonêsia (BKI); Năm ký 2001
  • Ðăng kiểm Hy Lạp (INSB); Năm ký 2001
  • Ðăng kiểm sông Nga (RRR); Năm ký 2000
  • Ðăng kiểm Ðài Loan (CR); Năm ký 2001
  • Ðăng kiểm ấn Ðộ (IRS); Năm ký 2001