INTRODUCTION

1. Đơn vị thẩm định thiết kế

Phòng Quy phạm là đơn vị của Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện công tác thẩm định thiết kế tàu biển, các ụ nổi, các phao neo, phao tín hiệu tàu biển, các tài liệu hướng dẫn sử dụng trên tàu biển (ví dụ Thông báo ổn định cho thuyền trưởng, Sổ tay hướng dẫn xếp hàng, Sơ đồ kiểm soát cháy, Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm biển của tàu) và các hệ thống, sản phẩm công nghiệp lắp đặt đơn chiếc trên tàu.

2. Giải thích thuật ngữ

(1) Thiết kế đóng mới: thiết kế theo đơn đặt hàng cho một mẫu/loạt tàu/sản phẩm riêng để triển khai đóng mới/chế tạo lần đầu.

(2) Thiết kế sửa đổi: thiết kế cho các tàu/sản phẩm chưa triển khai đóng mới/chế tạo hoặc đang trong giai đoạn đóng mới/chế tạo nhưng chưa hoàn thành, trong đó có sửa đổi một số phần hoặc chi tiết so với thiết kế đã được thẩm định.

(3) Thiết kế hoán cải: thiết kế cho các tàu hiện có nhằm mục đích cải tạo hoặc thay đổi một số phần như tính năng, công dụng, cấp tàu, hoặc lượng chở hàng/khách của tàu đó.

(4) Thiết kế/hồ sơ sơ bộ và thiết kế/hồ sơ chính thức

Thiết kế/hồ sơ sơ bộ (preliminery) là bản vẽ, tài liệu được lập dựa trên cơ sở các tính toán thiết kế giả định để làm căn cứ và phục vụ cho việc lựa chọn, xác định các thông số thiết kế khác và để minh chứng cho việc thiết kế phù hợp với các yêu cầu. Các tài liệu này sẽ bị mất hiệu lực khi có tài liệu chính thức.

Thiết kế/hồ sơ chính thức (final) là bản vẽ, tài liệu bổ sung sửa đổi của thiết kế/hồ sơ sơ bộ, được lập trên cơ sở đã có đầy đủ các thông tin cuối cùng (dựa vào các kết quả thử nghiệm, đo đạc, bố trí thực tế) và các khuyến nghị, lưu ý (nếu có) khi thẩm định thiết kế/hồ sơ sơ bộ. Các tài liệu này được sử dụng chính thức trên tàu.

(5) Thiết kế lập hồ sơ: Thiết kế của các tàu (đã hoàn thành việc đóng mới) được VR kiểm tra phân cấp không có sự giám sát của VR trong đóng mới. Hồ sơ thiết kế của tàu được VR thẩm định để tiến hành phân cấp tàu. Ngoài ra, đối với các tàu mà hồ sơ thiết kế bị thất lạc, hư hỏng không đủ cơ sở để kiểm tra duy trì cấp tàu hoặc do chủ tàu đề nghị, hồ sơ thiết kế của tàu có thể được lập lại trên cơ sở kiểm tra, khảo sát tàu để thẩm định lại.

(6) Thẩm định bản vẽ: kiểm tra một cách độc lập và có trình tự các bản vẽ, tài liệu thiết kế hoặc các báo cáo để kiểm soát việc tuân thủ với các yêu cầu của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật và Công ước quốc tế có liên quan.

(7) Đăng kiểm viên thẩm định thiết kế : người được VR công nhận là đăng kiểm viên thẩm định thiết kế và đưa ra kết luận về việc tuân thủ hay không tuân thủ yêu cầu.

3. Hồ sơ thiết kế trình thẩm định

3.1 Quy định chung

Người đề nghị thẩm định thiết kế phải có Giấy đề nghị thẩm định thiết kế (theo mẫu) kèm theo hồ sơ thiết kế.

Hồ sơ thiết kế trình VR thẩm định tối thiểu phải bao gồm 03 bộ, được trình bày theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, trong đó 01 bộ được trả lại cho khách hàng sau khi thẩm định xong.

Ngoài ra, nếu tàu biển được giám sát tại từ 2 chi cục trở lên hoặc theo yêu cầu của chủ tàu/đề nghị của cơ sở thiết kế thì hồ sơ thiết kế có thể tăng thêm tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Hồ sơ thiết kế trình thẩm định phải có danh mục bản vẽ (để tạo điều kiện nhập số liệu nhanh, danh mục bản vẽ nên được lập riêng bằng excel theo mẫu như hướng dẫn này để gửi Cục Đăng kiểm), trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau: tên bản vẽ; ký hiệu bản vẽ; phiên bản (rev.); số tờ.

3.2 Khối lượng và yêu cầu đối với hồ sơ thiết kế

(1) Đối với thiết kế đóng mới: khối lượng bản vẽ, bản tính, tài liệu tham khảo được quy định trong các Quy chuẩn, Quy phạm, Luật quốc gia/quốc tế mà tàu biển phải áp dụng.

(2) Đối với thiết kế hoán cải: khối lượng bản vẽ, bản tính thể hiện đầy đủ và phù hợp với nội dung hoán cải.

Đối với tàu biển hoán cải lớn (như thay đổi tính năng, công dụng, kích thước, lượng chở hàng, cấp tàu, vùng hoạt động ...), phương án hoán cải tàu phải được đơn vị thẩm định thiết kế xem xét và khảo sát theo quy định trước khi tiến hành thẩm định. Ngoài ra, phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Phương án hoán cải cần được nêu rõ trong thuyết minh, trong đó có bao gồm chi tiết các phần cắt/tháo bỏ và thay mới/trang bị thêm.

- Trong từng bản vẽ, ngoài việc nêu nội dung tổng thể về thay đổi, bổ sung liên quan đến bản vẽ đó, phải đánh dấu rõ (nếu thể hiện được) hoặc nêu rõ nội dung phần tháo bỏ để thay mới; phần giữ nguyên nhưng có sửa đổi, bổ sung gia cường; phần trang bị thêm để tạo điều kiện phân biệt dễ dàng các phần giữ nguyên với các phần thay đổi, bổ sung.

- Trong các trường hợp thay thế, bổ sung gia cường hoặc trang bị thêm kết cấu, nếu xét thấy khó thi công, lắp đặt thì phương án/trình tự hoặc quy trình thi công của hạng mục đó phải được thể hiện một cách ngắn gọn trên bản vẽ liên quan để định hướng được cho việc thi công/giám sát tại hiện trường.

(3) Đối với thiết kế sửa đổi: trường hợp tàu chưa được thi công các hạng mục dự định sửa đổi: khối lượng bản vẽ, bản tính thể hiện đầy đủ và phù hợp với nội dung sửa đổi. Trường hợp tàu đã thi công theo thiết kế được thẩm định mà muốn thay đổi thì ngoài khối lượng như trên còn phải có thêm phương án xử lý các thay đổi liên quan.

Trong từng bản vẽ sửa đổi/hoán cải phải có mục nội dung sửa đổi liên quan đến bản vẽ đó và phần sửa đổi phải được đánh dấu rõ trên bản vẽ để dễ dàng phân biệt với các phần không thay đổi.

3.3 Phương thức trình thẩm định hồ sơ thiết kế

3.3.1 Trình thẩm định hồ sơ theo dạng thông thường

Hồ sơ thiết kế được trình thẩm định dưới dạng bản in. Đơn vị thẩm định thiết kế tiến hành thẩm định trên cơ sở các bản in này.

3.3.2 Trình thẩm định hồ sơ dạng điện tử

Hồ sơ thiết kế được trình thẩm định dưới dạng các file máy tính và gửi cho đơn vị thẩm định theo dạng thư điện tử, đĩa CD ..., hồ sơ hoàn thiện cuối cùng phải do cơ sở thiết kế in và cung cấp đủ số bộ hồ sơ theo yêu cầu.

3.3.3 Trình thẩm định hồ sơ thiết kế một lần

Toàn bộ hồ sơ thiết kế được trình thẩm định một lần cho đơn vị thẩm định thiết kế.

3.3.4 Trình thẩm định thiết kế nhiều lần

Trường hợp không thể trình thẩm định hồ sơ thiết kế một lần đầy đủ, thì thiết kế có thể được trình thẩm định làm nhiều lần. Hồ sơ trình thẩm định lần đầu phải sao cho có thể đánh giá được tình trạng cơ bản của tàu và nói chung, bao gồm các bản vẽ, bản tính như dưới đây. Tùy theo mức độ phức tạp của tàu mà có thể yêu cầu thêm khối lượng hồ sơ trình thẩm định.

1. Thuyết minh chung (thân tàu, máy, điện);

2. Bản tính kết cấu;

3. Bản tính ổn định sơ bộ;

4. Các yếu tố thuỷ lực;

5. Bản vẽ tuyến hình;

6. Bản vẽ bố trí chung;

7. Bản vẽ kết cấu cơ bản;

8. Bản vẽ các mặt cắt ngang;

9. Bản vẽ vách ngang;

10. Bản vẽ khai triển tôn;

11. Kết cấu đáy đôi (nếu áp dụng);

12. Kết cấu vùng mũi, lái;

13. Kết cấu buồng máy.

4 Thẩm định thiết kế tàu biển lập hồ sơ

Đối với các tàu biển được Đăng kiểm kiểm tra phân cấp không có giám sát của VR trong đóng mới, quy trình thực hiện tương tự như nêu trên. Trong trường hợp này, chủ tàu/cơ sở thiết kế có thể sao chép lại hồ sơ thiết kế đóng mới/hoán cải, hoàn công của tàu để trình thẩm định.

Nếu thiết kế trước đây của tàu không thỏa mãn hoàn toàn với cấp tàu hoặc các quy định của Quy chuẩn, Công ước quốc tế áp dụng cho tàu thì tàu phải được trang bị bổ sung hoặc sửa đổi, thay đổi cho phù hợp. Trong trường hợp này, các phần bổ sung, thay đổi/sửa đổi phải được đánh dấu rõ trong các bản vẽ được thẩm định.

Trường hợp các tàu bị thất lạc hồ sơ hoặc các tàu chuyển cấp mà không có đầy đủ hồ sơ, chủ tàu phải lập lại hồ sơ, bản vẽ của tàu để thẩm định. Nếu cần phải có căn cứ thẩm định, người thẩm định có thể đề nghị tiến hành đo đạc, kiểm tra xác thực bởi đăng kiểm viên của đơn vị giám sát trước khi tiến hành thẩm định bản vẽ.

Đối với các tàu chuyển cấp từ các tổ chức đăng kiểm trong Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm quốc tế (IACS), khối lượng bản vẽ thẩm định có thể được xem xét phù hợp với các hướng dẫn đối với việc vào cấp của các tổ chức đăng kiểm trong khối IACS.

5 Thẩm định các tàu lưỡng cấp

Đối với các tàu mang lưỡng cấp của VR với một tổ chức phân cấp khác, các quy định được áp dụng tương tự như việc thẩm định thiết kế nêu trên, trừ việc khối lượng hồ sơ thiết kế trình thẩm định sẽ căn cứ vào thỏa thuận giữa VR và tổ chức phân cấp đó, cũng như căn cứ vào mức độ ủy quyền của VR cho tổ chức phân cấp đó.

6 Hồ sơ thiết kế do người nước ngoài thực hiện

Đối với những hồ sơ thiết kế do người nước ngoài thực hiện, hoặc do đơn vị thiết kế trong nước thiết kế cho người nước ngoài, VR chỉ chấp nhận ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh, nếu ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ thiết kế khác với những ngôn ngữ này thì phải có bản dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của đơn vị thiết kế, ngôn ngữ trong các giấy chứng nhận, thông báo thẩm định, các nhận xét/lưu ý, ... do VR thực hiện được sử dụng bằng tiếng Anh.

7 Tiến độ thẩm định thiết kế

Thời gian và tiến độ thẩm định thiết kế được quy định như sau:

(1) Đối với tàu biển

(a) Sau khi nhận thiết kế, trong thời gian không quá 20 ngày, đơn vị thẩm định thiết kế phải hoàn thành việc thẩm định thiết kế (nếu hồ sơ thiết kế đã đầy đủ và thỏa mãn) hoặc phải có nhận xét thẩm định thiết kế lần đầu gửi cho cơ sở thiết kế để chỉnh sửa, hoàn thiện (nếu có).

(b) Đối với các loại thiết kế kiểu mới hoặc phức tạp, thời gian thẩm định thiết kế có thể được kéo dài hơn thời gian quy định nêu trên theo thỏa thuận giữa cơ sở thiết kế và đơn vị thẩm định thiết kế.

(c) Sau khi nhận hồ sơ khắc phục sự không phù hợp theo nhận xét từ cơ sở thiết kế thì thời gian thẩm định bổ sung nói chung không được quá 2 ngày làm việc. Nếu có khó khăn, cần kéo dài thời gian thẩm định thiết kế thì phải có sự thỏa thuận giữa cơ sở thiết kế và đơn vị thẩm định thiết kế.

(d) Đối với các tài liệu hướng dẫn, thời gian thẩm định không được quá 3 ngày làm việc.

(e) Sau khi các tồn tại của thiết kế đã được xử lý xong và hoàn thiện, đơn vị thẩm định thiết kế phải hoàn thành hồ sơ thẩm định thiết kế trong thời gian không quá 1 ngày làm việc.

(2) Đối với sản phẩm công nghiệp

(a) Sau khi nhận thiết kế, trong thời gian không quá 5 ngày, đơn vị thẩm định thiết kế phải hoàn thành việc thẩm định thiết kế (nếu hồ sơ thiết kế đã đầy đủ và thỏa mãn) hoặc phải có nhận xét thẩm định thiết kế lần đầu gửi cho cơ sở thiết kế để chỉnh sửa, hoàn thiện (nếu có).

(b) Sau khi nhận hồ sơ khắc phục sự không phù hợp theo nhận xét từ cơ sở thiết kế thì thời gian thẩm định bổ sung nói chung không được quá 1 ngày làm việc.

(c) Sau khi các tồn tại của thiết kế đã được xử lý xong và hoàn thiện, đơn vị thẩm định thiết kế phải hoàn thành hồ sơ thẩm định thiết kế trong thời gian không quá 1 ngày làm việc.

8 Hoàn thành thủ tục thẩm định thiết kế

8.1 Các loại khuyến nghị sử dụng khi thẩm định thiết kế:

- Khuyến nghị loại “ĐKV”: Phải được đăng kiểm viên hiện trường, kiểm soát và thực hiện.

- Khuyến nghị loại “TK”: Phải được thực hiện và đáp ứng cho phòng Quy phạm, có kèm theo việc bổ sung bản vẽ, tài liệu. Đăng kiểm viên hiện trường phải liên hệ với Phòng Quy phạm để có hành động khắc phục trước khi tiến hành kiểm tra hạng mục liên quan.

- Khuyến nghị “Phải được trình lại”: các bản vẽ phải được trình thẩm định lại do bố trí lại việc phân chia khoang, không đủ số liệu, thông tin, bản vẽ chỉ được thẩm định sơ bộ hoặc bản vẽ có quá nhiều khuyến nghị/lưu ý.

8.2 Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và các thông báo

Sau khi đã thẩm định đầy đủ hồ sơ thiết kế hoặc, đối với trường hợp thẩm định thiết kế tàu biển theo nhiều lần, đã thẩm định xong các bản vẽ, tài liệu nêu ở 3.3.4 thì đơn vị thẩm định thiết kế lập và cấp các Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tương ứng và các thông báo đính kèm (nếu có) kèm theo hồ sơ đã thẩm định. Trong trường hợp, các thiết kế sửa đổi, hoán cải nhỏ, hoặc bổ sung công dụng, thiết bị mà không có yêu cầu cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế thì có thể chỉ cần cấp thông báo thẩm định thiết kế.

8.3 Đóng dấu và các hoàn thành hồ sơ:

(1) Đóng các loại dấu vào các bản vẽ, tài liệu hướng dẫn theo quy định (các loại dấu theo mẫu);

(2) Đăng kiểm viên thẩm định thiết kế ký tên trên các thuyết minh, bản tính, bản vẽ, tài liệu hướng dẫn được đóng dấu;

(3) Đối với các thuyết minh, bản tính, hoặc các bản vẽ, tài liệu được trình để tham khảo: đóng dấu “Để tham khảo”;

(4) Đối với các bản vẽ, tài liệu các tàu hiện có (tàu chuyển cấp, lập hồ sơ); các bản vẽ thẩm định sơ bộ (ví dụ để phục vụ đấu thầu...); các bản tính quan trọng phục vụ, trợ giúp kiểm tra hiện trường (ví dụ bản tính dao động xoắn hệ trục); các hồ sơ, tài liệu đã được 1 tổ chức Đăng kiểm được VR công nhận duyệt, VR thẩm định lại trên cơ sở các số liệu đã có; các hồ sơ, tài liệu không yêu cầu phải được thẩm định nhưng được soát xét phù hợp với các quy định của luật liên quan: đóng dấu “Đã soát xét” (Reviewed).

(5) Lập các Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế và thông báo đính kèm (nếu có) phù hợp;

(6) Đối với tàu biển, lãnh đạo đơn vị thẩm định thiết kế ký tên, đóng dấu chức danh và dấu kỹ thuật của VR vào các thông báo thẩm định thiết kế (nếu có), các tài liệu hướng dẫn và các bản vẽ sau đây:

1. Bố trí chung

2. Sơ đồ dung tích khoang két

3. Đường cong thủy lực

4. Mặt cắt giữa tàu

5. Kết cấu cơ bản

6. Kết cấu các boong

7. Khai triển tôn

8. Kết cấu vách ngang

9. Bánh lái, trục lái

10. Nắp miệng hầm hàng (nếu có)

11. Sơ đồ các đường ống hút khô, dằn

12. Sơ đồ các đường ống hàng (nếu có)

(7) Đối với thiết kế sản phẩm công nghiệp, hoặc các cấu trúc nổi, bán nổi, về nguyên tắc cũng thực hiện như nêu trên, trừ việc lãnh đạo đơn vị thẩm định thiết kế ký tên và đóng dấu chức danh, dấu kỹ thuật của VR vào trang đầu (trang bìa) của hồ sơ (đối với thiết kế được đóng chung thành quyển) hoặc vào bản vẽ bố trí chung của sản phẩm (nếu hồ sơ thiết kế không đóng thành quyển).

(8) Đối với các bản vẽ được đóng thành quyển, việc ký tên và đóng dấu được thực hiện như trên có thể được hạn chế thành chỉ ký tên và đóng dấu ở trang bìa ngoài.

(9) Việc đóng các dấu chức danh lãnh đạo và dấu kỹ thuật của VR do Văn phòng Cục thực hiện, các mẫu dấu khác do đơn vị thẩm định thiết kế thực hiện.

(10) Đối với sản phẩm công nghiệp:

(a) Người thẩm định ký vào các bộ hồ sơ thiết kế.

(b) Nhân viên nghiệp vụ: Đóng dấu thẩm định và các ấn chỉ khác (nếu có) và lập các văn bản có liên quan. Trường hợp nhân viên nghiệp vụ lập và cấp các giấy chứng nhận thì các thông số trong Giấy chứng nhận phải được người thẩm định có liên quan kiểm tra xác nhận từ trước.

(c) Thủ trưởng đơn vị soát xét và ký vào các thông báo thẩm định thiết kế (nếu có) và hồ sơ thiết kế.

8.4 Chuyển giao hồ sơ thiết kế

Các bộ thiết kế được thẩm định và chuyển giao như sau:

- 01 bộ trả lại cơ sở thiết kế hoặc đơn vị chế tạo để chuyển cho chủ tàu/chủ sản phẩm công nghiệp (bộ số 3).

- 01 bộ gửi đến Chi cục đăng kiểm giám sát (bộ số 2).

- 01 bộ lưu tại Phòng Quy phạm (bộ số 1). Đối với tàu biển, sau khi tàu được hoàn thành và bàn giao, bộ số 1 được chuyển sang lưu tại phòng Tàu biển.

Ngoài các bộ hồ sơ chuyển giao như trên, nếu tàu biển được giám sát tại từ 2 đơn vị trở lên (theo đề xuất của chủ tàu hoặc điều kiện thi công thực tế) hoặc nếu có yêu cầu thì có thể yêu cầu cấp thêm hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể.

Đối với thiết kế hoàn công, quy định về số bộ hồ sơ và việc lưu giữ, chuyển giao hồ sơ được nêu trong Hướng dẫn giám sát đóng mới tàu biển.

Đối với thiết kế thi công: 01 bộ trả lại đơn vị đề nghị (nhà máy) để thực hiện, 01 bộ lưu tại chi cục giám sát cùng với hồ sơ giám sát tàu.

9 Phí và lệ phí thẩm định thiết kế

Phí thẩm định thiết kế được thực hiện theo quy định tại: Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng Phí trong lĩnh vực Đăng kiểm tàu biển, công trình biển; Phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 165/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính)

Các yêu cầu được hướng dẫn về thủ tục tiếp nhận và thẩm định thiết kế được gửi về:

Nguyễn Thu Huyền
Phòng Quy phạm
Cục Đăng kiểm Việt Nam
Số 18 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Tel.: 04.37684715, số lẻ: 510; DĐ : 0917348589; Fax.: 04.37684770; 
Email: huyennt@vr.org.vn