Tham gia Cơ chế một cửa quốc gia: Giao thông vận tải dẫn đầu

08/09/2017

Trao đổi với phóng viên DĐDN, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (TTCNTT) Lê Thanh Tùng cho biết, Bộ GTVT đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

​​

Dự án do TTCNTT chủ trì xây dựng và quản lý, vận hành. Kết quả đã chính thức vận hành 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên cổng thông tin một cửa quốc gia (bao gồm: hàng hải: 5 thủ tục; đăng kiểm: 5 thủ tục; đường thuỷ nội địa: 2 thủ tục).

p/Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: M.Hùng

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: M.Hùng

Những kết quả đạt được

Về lĩnh vực hàng hải: Bắt đầu triển khai tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng từ ngày 12/11/2014, hiện đã triển khai tại 9/25 cảng vụ Hàng hải, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Vũng Tàu, Khánh Hoà, Đồng Nai và TP HCM. Về số lượng hồ sơ có 92.401 hồ sơ nộp trực tuyến, đã hoàn thành giải 81.141 hồ sơ (tỷ lệ 87,81%). Theo báo cáo từ các cảng vụ Hàng hải đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết các hồ sơ đều thực hiện theo phương thức trực tuyến.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, trong tháng 11/2016 Trung tâm đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cục Hàng hải Việt Nam đào tạo cho người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho các khu vực cảng biển còn lại. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong công tác phối hợp và điều kiện cơ sở hạ tầng CNTT tại các cảng vụ nên chưa triển khai mở rộng. Trong năm 2017, Bộ GTVT sẽ phối hợp với TCHQ hoàn thành triển khai mở rộng cho các vụ Hàng hải còn lại.

Về lĩnh vực đăng kiểm: triển khai thí điểm từ ngày 25/5/2015, hiện đã triển khai trên toàn quốc đối với các thủ tục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe và động cơ nhập khẩu. Về số hồ sơ có 27.882 hồ sơ nộp trực tuyến, đã hoàn thành giải quyết 26.452 hồ sơ (đạt tỷ lệ: 95,2%), cấp 249.522 giấy an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Từ 10/2015, Đăng kiểm VN đã hoàn toàn tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả theo hình thức trực tuyến, rất ít hồ sơ nộp trực tiếp.

Theo ông Lê Thanh Tùng thì đường bộ là hệ thống lớn nhất ngoài hệ thống giấy phép lái xe, hệ thống thứ hai về DN nhiều là hệ thống đăng kiểm, hệ thống tham gia cơ chế 1 cửa, hệ thống này có 5 thủ tục mức độ 4 tham gia cơ chế 1 cửa quốc gia. Tất cả các DN thực hiện thủ tục nhập khẩu, ô tô, xe máy, động cơ từ nước ngoài về Viêt Nam được cấp giấy phép chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường. Đơn cử 1 DN đặt tại Hà Nội thông quan 2 lô hàng 1 lô hàng ở Lào Cai 1 lô hàng ở Hải Phòng thì DN đó phải nộp hồ sơ tại Hà Nội, sau đó luân chuyển các hồ sơ này đến các đăng kiểm viên khu vực đó rồi bố chí kiểm tra hiện trường đầy đủ thì mang các kết quả về Hà Nội nhập. Khi cơ quan chức năng tại Hà Nội ra kết quả, DN mới đem kết quả đó đi thông quan.

Quy trình như trước đây 1 lô ôtô như vậy thì thường bên đăng kiểm thời gian mất 7 đến 10 ngày nhưng với việc thông quan trực tuyến, các hồ sơ không phải lưu chuyển nhiều, thời gian được rút ngắn tối đa. Hiện nay tất cả các hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính không nhận hồ sơ giấy và trả kết quả bằng điện tử.

Về lĩnh vực đường thuỷ nội địa: Do việc phối hợp của các Bộ ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa đồng bộ nên kết quả triển khai còn hạn chế.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2016 số lượng DN tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4610 DN, chiếm 53% số lượng DN tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ giải quyết trên cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.

Khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, có một số thủ tục của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia có sự tham gia của nhiều bộ. Vì vậy, để giải quyết tốt một số hồ sơ cần sự vào cuộc đồng bộ và đầy đủ của các bộ, tuy nhiên nhiều lúc công tác này chưa được các bộ khác quan tâm đúng mức.

Có nhiều dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT có quy mô triển khai từ Trung ương đến địa phương ( hiện nay có 37 DVC lĩnh vực đường bộ, 22 DVC lĩnh vực đường thuỷ nội địa), các địa phương hiện nay cũng xây dựng các DVC này theo mô hình Hệ thống thông tin chính quyền tập trung toàn tỉnh. Vì vậy, nếu không triển khai công tác kết nối, tích hợp các DVC trực tuyến của Bộ GTVT với các hệ thống thông tin chính quyền địa phương sẽ gây khó khăn cho người làm thủ tục và cán bộ tại Sở GTVT.

56 TTHC trong Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4

Ngày 9/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 846/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017. Theo đó, có 354 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2017 và 353 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các địa phương thực hiện trong năm 2017. Riêng Bộ GTVT có 56 TTHC gồm: Lĩnh vực thu Hàng không có 23 TTHC; lĩnh vực Đường bộ có 33 TTHC.

Để thực hiện hiệu quả các dịch vụ công, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá, xác định TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Bộ TT-TT hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ và cấp tỉnh theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chia sẻ thông tin số theo quy định của pháp luật; xây dựng tiêu chí đánh giá, công nhận cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan điện tử; xây dựng bộ công cụ phục vụ việc tích hợp ứng dụng chữ ký số với các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kết nối, tích hợp dịch vụ công để bảo đảm tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm dịch vụ chứng thực chữ ký số cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, vận hành Cổng thanh toán tập trung để thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp NSNN khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Nội vụ quy định về việc tiếp nhận, lưu trữ văn bản điện tử, bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử để liên thông giữa các bộ, ngành...

Đối với những dịch vụ công trực tuyến đã được bộ, ngành triển khai toàn quốc, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm triển khai phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí; bảo đảm khả năng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để truy xuất thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân; bảo đảm khả năng tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.​​

Tác giả: Tiến Việt (enternews.vn)