Giới thiệu

​​​​​​HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN


Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan duy nhất được Chính phủ Việt Nam giao cho chức năng tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam bao gồm:

  1. Thẩm định thiết kế tàu biển;
  2. Kiểm tra/chứng nhận vật liệu, trang thiết bị lắp đặt trên tàu;
  3. ​​Kiểm tra, giám sát trong quá trình đóng mới;
  4. Kiểm tra duy trì cấp tàu​ trong quá trình khai thác;
  5. Phân cấp tàu và xuất bản Sổ Đăng ký kỹ thuật tàu biển;
  6. Đánh giá, công nhận năng lực các cơ sở sản xuất, cơ sở chế tạo và cơ sở cung cấp dịch vụ;
  7. Kiểm tra,​​​​​​​​​​​​​ chứng nhận theo luật/công ước quốc tế;
  8. Đánh giá, chứng nhận Hệ th​​ống quản lý an toàn (ISM Code);​​​​
  9. Đánh giá, chứng nhận Hệ thống An ninh tàu biển (ISPS Code);
  10. Dịch vụ tư vấn và kỹ thuật đặc biệt.


1. Thẩm định thiết kế tàu biển

Thẩm định thiết kế là việc đánh giá sự phù hợp của thiết kế so với các yêu cầu của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, Công ước quốc tế và các Quy định hiện hành có liên quan phải áp dụng​ đối với tàu biển.


2. Kiểm tra, chứng nhận vật liệu, trang thiết bị lắp đặt trên tàu

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện kiểm tra và chứng nhận đối với các vật liệu, máy và trang thiết bị sau đây:

a. Sản phẩm phân cấp (Classed marine products)

  • Vật liệu kim loại - Thân tàu (Hull metal material)
  • Thiết bị neo và chằng buộc (Anchoring and mooring equipment)
  • Trang thiết bị (Equipment and outfit)
  • Thiết bị lái và máy lái (Rudder and steering gear)
  • Bơm và ống (Pumps and piping)
  • Nồi hơi và bình áp lực (Boiler and pressure vessel)
  • Máy (Machinery)
  • Thiết bị điện và tự động (Electrical equipment and automation)
  • Trục, chân vịt và thiết bị đẩy (Shafting, propeller and thruster)
  • Vật liệu hàn(Welding consumables)
  • Phương tiện chống ăn mòn (Corrosion resistant means)
  • Vật liệu phi kim loại (Non-metallic mate​​​rials)

b. Sản phẩm theo luật (Statutory marine products)

  • Vật liệu và thiết bị chống cháy (Fire-resisting material and equipment)
  • Trang thiết bị và hệ thống dập cháy (Fire-extinguishing system and equipment)
  • Hệ thống báo động và phát hiện cháy (Fire detector and alarm system)
  • Thiết bị cứu sinh (Life-saving appliances and arrangements)
  • Thiết bị và vật liệu chống ô nhiễm (Environmental protection equipment and material)
  • Thiết bị hành hải, tín hiệu và liên lạc (Communication, navigation and signaling equipment)
  • Thiết bị nâng hàng (Cargo gears)


3. Kiểm tra giám sát trong quá trình đóng mới tàu

​​​​​​K​​iểm tra tàu biển trong đóng mới có tầm quan trọng ​đặc biệt nhằm đảm bảo các công việc sử dụng vật liệu, gia công lắp ráp, hàn vỏ tàu, sử dụng và lắp đặt trang thiết bị,... thoả mãn thiết kế được thẩm định. Trong quá trình đóng mới mọi sự không phù hợp so với quy chuẩn hoặc thiết kế được thẩm định đều phải được khắc phục.


4. Kiểm tra duy trì cấp tàu trong quá trình khai thác

Tất cả các tàu được Cục Đăng kiểm Việt Nam phân cấp phải duy trì tình trạng kỹ thuật thoả mãn các yêu cầu của Quy chuẩn. Các tàu phải được kiểm tra theo chu kỳ với các loại hình kiểm tra như sau:

  • Kiểm tra hàng năm, trung gian và định kỳ đối với kết cấu vỏ tàu, máy tàu, điện tàu và trang thiết bị;
  • Kiểm tra trên đà;
  • Kiểm tra trục chân vịt;
  • Kiểm tra nồi hơi;
  • Kiểm tra liên tục máy;
  • Kiểm tra bất thường;

Thời hạn của mỗi loại hình kiểm tra của từng tàu cụ thể được theo dõi và công bố trên cổng thông tin điên tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.


5.​ Hoạt động phân cấp tàu biển

Sau khi đăng kiểm viên hoàn thành kiểm tra thoả mãn, hồ sơ kiểm tra lần đầu sẽ được Hội đồng phân cấp tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét và phê chuẩn. Căn cứ quyết định phê chuẩn của Hội đồng phân cấp tàu, giấy chứng nhận cấp tàu và giấy chứng nhận đăng ký thiết bị sẽ được cấp cho tàu, và tàu được đăng ký vào Sổ Đăng ký kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Hội đồng phân cấp tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ:

  • Kiểm tra quá trình phân cấp tàu;
  • Đánh giá chất lượng liên quan của các đơn vị và cá nhân, quyết định các hành động khắc phục và phòng ngừa cần thiết;
  • Giải quyết các vấn đề kỹ thuật và nghiệp vụ phức tạp;
  • Thu thập các thông tin phản hồi từ thực tế giám sát kỹ thuật, thực tế khai thác tàu để định hướng chỉ đạo, phát triển quy phạm và nâng cao chất lượng phân cấp tàu;
  • Quyết định việc trao cấp, không trao cấp hoặc treo cấp, rút cấp các tàu dự kiến mang cấp hoặc đang mang cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.


6. Đánh giá công nhận năng lực cơ sở sản xuất, có sở chế tạo và cơ sở cung cấp dịch vụ

Để đảm bảo chất lượng của các tàu được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra phân cấp, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đánh giá các hệ thống chất lượng, các quá trình sản xuất, các trang thiết bị của các cơ sở sản xuất, cơ sở chế tạo phù hợp theo các quy định của Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép. Trên cơ sở đánh giá đó Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận việc sản xuất, bảo dưỡng và sửa chữa của các vật liệu, trang thiết bị và các bộ phận được sử dụng trên tàu. Các cơ sở sản xuất và chế tạo có hệ thống quản lý chất lượng và quy trình sản xuất được đánh giá công nhận năng lực sẽ được áp dụng quy trình kiểm tra đơn giản hơn.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đánh giá công nhận năng lực của các cơ sở cung cấp các dịch vụ được sử dụng trong quá trình kiểm tra đóng mới và duy trì cấp tàu. Việc đánh giá sẽ bao gồm đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, quy trình đào tạo và huấn luyện các nhân viên kỹ thuật, hiệu chuẩn và duy trì các trang thiết bị, kiểm soát nhà thầu phụ, các quy trình thực hiện công việc, việc thẩm tra chất lượng dịch vụ. Phạm vi các dịch vụ được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá công nhận bao gồm:

  • Đo chiều dày kết cấu thân tàu;
  • Kiểm tra dưới nước thân tàu;
  • Thử, bảo dưỡng và kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến điện và hành hải lắp đặt trên tàu;
  • Thử chức năng thiết bị ghi dữ liệu hành trình (VDR) hoặc thiết bị ghi dữ liệu hành trình đơn giản (S-VDR) của tàu;
  • Bảo dưỡng và thử thiết bị cứu hoả của tàu;
  • Bảo dưỡng thiết bị cứu sinh của tàu;
  • Bảo dưỡng và thử xuồng cứu sinh, xuồng cấp cứu và thiết bị nâng hạ liên quan của tàu;
  • Thử kín nước của miệng hầm của tàu bằng thiết bị siêu âm;
  • Kiểm tra không phá huỷ (NDT);
  • Thử nghiệm phá huỷ (DT) và các loại thử nghiệm khác;
  • Các dịch vụ khác theo quy định của Quy chuẩn và các Công ước quốc tế liên quan.


7. Kiểm tra chứng nhận theo luật/Công ước quốc tế

7.1. Uỷ quyền của các Chính quyền Hàng hải

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được chính phủ của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Tuvalu, Mông cổ, Belize, Kiribati, Comoros uỷ quyền kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo các quy định của các Công ước quốc tế mà quốc gia đó tham gia.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có đủ khả năng thực hiện kiểm tra theo luật cùng với kiểm tra phân cấp trên các tàu treo cờ của các quốc gia nói trên để cung cấp cho chủ tàu mọi sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí. Vì số lượng các chính phủ uỷ quyền là thước đo chính đối với uy tín quốc tế của một tổ chức phân cấp, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang cố gắng hết sức mình để tăng thêm sự uỷ quyền từ các chính phủ khác.

7.2. Kiểm tra theo uỷ quyền của tổ chức đăng kiểm nước ngoài

Theo thoả thuận đã ký với các tổ chức đăng kiểm nước ngoài, Cục Đăng kiểm Việt Nam thay mặt 18 tổ chức đăng kiểm trên thế giới tiến hành kiểm tra, giám sát kỹ thuật của các tàu mang cấp của họ, trong đó có các tổ chức đăng kiểm lớn như: LR (Anh), NK (Nhật Bản), KR (Hàn Quốc), DNV GL (Na Uy - Đức), ABS (Mỹ), MRS (Nga), BV (Pháp), v.v...

Tương tự như vậy các tổ chức đăng kiểm nước ngoài nêu trên cũng sẽ thực hiện kiểm tra các tàu mang cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự uỷ quyền của Cục Đăng kiểm Việt Nam khi cần thiết.

7.3. Kiểm tra chứng nhận theo luật/công ước quốc tế

Theo uỷ quyền của các chính quyền hàng hải, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đầy đủ các hoạt động thẩm định thiết kế, kiểm tra trong đóng mới và kiểm tra các tàu đang khai thác phù hợp các yêu cầu của các Công ước quốc tế.


8. Đánh giá, chứng nhận Hệ th​​ống quản lý an toàn (ISM Code)


9. Đánh giá, chứng nhận Hệ thống An ninh tàu biển (ISPS Code)


10. Dịch vụ tư vấn và kỹ thuật đặc biệt

10.1. Thực hiện các dịch vụ tư vấn:

  • Tư vấn về ủy quyền phân cấp;
  • Tư vấn đánh giá kỹ thuật mua tàu, thuê tàu;
  • Tư vấn đóng mới, sửa chữa tàu;
  • Tư vấn lắp đặt các hệ thống trên tàu;

10.2. Các dịch vụ kỹ thuật đặc biệt:

  • Đánh giá về môi trường;
  • Kiểm tra, phân tích tai nạn;
  • Kiểm tra, đánh giá và lựa chọn sử dụng vật liệu;
  • Kiểm tra không phá huỷ.​
Văn bản
QUY CHUẨN - TIÊU CHUẨN