Các thông số kỹ thuật cơ bản cần quan tâm khi mua xe ô tô

11/11/2019

Hiện nay nhu cầu tìm hiểu và mua xe ô tô của người Việt là rất lớn. Nhưng để chọn mua xe ô tô phù hợp, ngoài việc quan tâm đến các thương hiệu, dòng xe, kiểu dáng, các thông số kỹ thuật cơ bản cũng là một vấn đề quan trọng được chú ý hàng đầu. Một chiếc xe về cơ bản có rất nhiều thông số kỹ thuật: kích thước, công suất, động cơ, hộp số, dẫn động, các trang bị an toàn,…

Tu van mua xe

Tư vấn mua xe

Kích thước tổng thể

Kích thước tổng thể gồm các chiều dài, rộng và cao. Đây là kích thước từ vị trí đầu xe đến cuối xe, từ nóc xe xuống mép dưới bánh xe và từ mép trái sang mép phải. Kích thước này sẽ cho người mua biết xe này thuộc “típ” nhỏ, gọn hay cao to, bề thế.

Chiều dài - chiều rộng cơ sở

Chiều dài – chiều rộng cơ sở

Chiều rộng cơ sở 

Chiều rộng cơ sở được tính bằng khoảng cách từ tâm lốp bên trái đến tâm lốp bên phải.

Chiều rộng cơ sở càng lớn thì độ ổn định của ô tô càng cao và xe dễ điều khiển hơn. Nhưng khi chiều rộng cơ sở lớn sẽ ảnh hưởng khả năng di chuyển ở những con đường hẹp và chật chội.

Chiều dài cơ sở 

Chiều dài cơ sở là khoảng cách từ tâm bánh xe trước đến tâm bánh xe sau.

Chiều dài cơ sở càng lớn thì xe càng ổn định khi di chuyển cũng như tăng không gian bên trong tạo cảm giác thỏa mái hơn. Chiều dài cơ sở càng lớn thì khoang hành khách càng rộng rãi.

Bán kính quay vòng tối thiểu 

Bán kính quay vòng tối thiểu được tạo bằng cách cho xe quay vòng đánh lái hết cỡ và được tính từ tâm vòng quay đến bánh xe ngoài cùng.

Bán kính quay vòng tối thiểu

Bán kính quay vòng tối thiểu

Bán kính quay vòng tối thiểu càng nhỏ thì càng tốt, càng dễ dàng di chuyển trong những con đường nhỏ hẹp. 

Khoảng sáng gầm xe

Khoảng sáng gầm là khoảng cách từ mặt đất đến điểm thấp nhất của gầm xe. Khoảng sáng gầm cho người xem biết về xe phù hợp với kiểu đường nào, khả năng lội nước, khả năng vượt chướng ngại vật,…

Dung tích xi lanh 

Dung tích xi lanh được biết đến như số “chấm” của ô tô (1.0, 1.5, 2.0,…) là phần thể tích xi lanh quét bởi pit-tông khi đi từ điểm chết trên đến điểm chết dưới của động cơ.

Đối với động cơ 1 xi lanh, dung tích động cơ cũng là dung tích xi lanh. Còn đối với động cơ nhiều xi lanh, dung tích động cơ chính là tổng dung tích của các xi lanh.

Thông thường dung tích xi lanh cho ta biết về độ lớn của động cơ. Dung tích xi lanh càng lớn thì xi lanh càng nạp được nhiều hỗn hợp không khí, năng lượng sinh ra trong quá trình cháy càng lớn, công sinh ra càng cao, động cơ càng khỏe và tất nhiên cũng sẽ tốn nhiều nguyên liệu hơn.

Công suất, mô men xoắn

Công suất và mô men xoắn là đơn vị biểu đạt sức mạnh của xe ô tô. Công suất càng cao thì sức mạnh của động cơ, của xe càng lớn. Mô men xoắn càng cao thì khả năng chịu tải càng lớn, xe mạnh mẽ, tăng tốc nhanh.

Hộp số 

Hộp số là hệ thống gồm nhiều cặp các bộ các bánh răng khớp với nhau, được sử dụng để truyền mô-men xoắn từ động cơ tới các bánh xe chủ động của ôtô. Chức năng của hộp số là thay đổi momen và tốc độ của động cơ, giúp xe chuyển động và hoạt động linh hoạt. Có 4 loại hộp số phổ biến bao gồm: hộp số sàn (MT), hộp số tự động (AT), hộp số vô cấp (CVT), hộp số ly hợp kép (DCT) với các đặc điểm khác nhau, chúng tôi sẽ làm rõ ở những bài tiếp theo để bạn đọc tiện tham khảo.

Hệ thống truyền lực 

Đây là hệ thống trong xe kết nối hộp số hoặc hộp số với trục truyền động và được chia thành ba loại chính:

Dẫn động bánh trước (FWD),

Dẫn động bánh sau (RWD)

Dẫn động bốn bánh (4×4 / 4WD / AWD)

Có thể thấy các thông số kỹ thuật của xe sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc lúc mua xe. Biết được sự khác biệt về loại động cơ, loại truyền động và các tính năng an toàn trong xe có thể đảm bảo rằng bạn có được chiếc xe phù hợp cho mục đích sử dụng cá nhân, kinh doanh hoặc gia đình.