Đề xuất quản xe đạp điện như xe cơ giới

07/08/2018

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện, coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, hạn chế TNGT…

10

Cần có chương trình tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kỹ năng vận hành, điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông an toàn (Trong ảnh: Học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Xuân Thủy, Hà Nội)

Xe đạp điện lưu thông như xe máy

Chiều 5/8, khảo sát trên một số tuyến phố ở Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận, dù chưa chính thức vào năm học mới nhưng đã có nhiều học sinh, trẻ em sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông.

Trên đường Nguyễn Trãi, đường trục chính của khu đô thị Làng việt kiều, Văn Quán (Hà Đông) có khá nhiều xe đạp điện qua lại. Hầu hết, xe do học sinh độ tuổi THCS, phụ nữ điều khiển chạy xen lẫn với xe máy với tốc độ không khác gì xe máy. Cuối giờ chiều, nhiều đoạn xuất hiện học sinh đi 3-4 xe theo tốp, gồm cả xe máy dưới 50cc, xe máy điện có gắn biển số và xe đạp điện (bàn đạp). Hầu hết, các em không đội mũ bảo hiểm, thường xuyên chạy song song và vừa đi vừa trêu đùa. Khi đến các điểm rẽ, sang đường không bật xi-nhan xin đường.

"Xe đạp điện là loại phương tiện lưỡng tính, sử dụng được cả trạng thái động cơ và thô sơ (đạp để di chuyển). Phương tiện có khả năng mất an toàn nhất ở trạng thái dùng động cơ, nhưng quy định quản lý hiện nay mới chỉ ở trạng thái xe thô sơ. Nên quản lý xe đạp điện ở mức cao hơn, đưa vào nhóm xe cơ giới để quản lý phù hợp về mặt vận hành, tham gia giao thông”.

Ông Khương Kim Tạo
Nguyên Phó chánh Văn phòng
Ủy ban ATGT Quốc gia

Em Tiến, đang học lớp 8 một trường ở Hà Đông cho biết, thời gian này em và các bạn đang đi học thêm để chuẩn bị học lên lớp 9 và năm sau thi chuyển cấp. “Bố mẹ mua cho em xe đạp điện từ lúc được nghỉ hè để em tự đi học thêm. Em đi mấy lần rồi quen, bố mẹ chỉ dặn mỗi lần đi về phải sạc điện, chứ không dạy khi nào thì xi-nhan, đi đường thế nào là đúng, sai”, em Tiến kể khi PV hỏi về việc không đi vào làn đường sát bên phải, không bật xi-nhan khi rẽ.

Trong khi đó, quan sát ở một số tuyến đường ngoại thành Hà Nội, nhất là trên QL6, PV nhận thấy tình trạng cũng tương tự. Thậm chí, tại đây nhiều em học sinh còn đi xe đạp điện bị gãy một số bộ phận, mất xi-nhan. Có trường, chị em nữ còn đội nón khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - người nhiều năm giảng dạy tại Đại học GTVT, các quy định về quản lý vận hành đối với xe đạp điện đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc để loại xe này lưu thông trên đường dành cho xe cơ giới. Điều này dẫn đến tình trạng dù là xe đạp điện nhưng lưu thông không khác xe máy, gây nguy hiểm cho chính người điều khiển.

Thực tế thời gian qua, khá nhiều trường hợp học sinh, người điều khiển xe đạp điện bị tai nạn thương tâm. Theo Ban ATGT các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra hàng chục trường hợp tai nạn liên quan đến xe đạp điện, trong đó có trường hợp tử vong.

Điển hình là ngày 22/4, 4 học sinh THPT đi trên 2 xe đạp điện tại ngã tư giao QL8B và đường Lê Xuân Đào, địa bàn xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị xe ô tô đâm, khiến 1 em tử vong tại chỗ, 3 em khác thương nặng. Trước đó, một cụ ông 82 tuổi đi xe đạp điện trên QL1 tại địa bàn TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bị xe BKS 43B-031.71 đâm, gây thương tích nặng.

Đề xuất quản lý như xe cơ giới

Theo Cục Đăng kiểm VN, một số tiêu chuẩn cơ bản được quy định đối với xe đạp điện là có vận tốc thiết kế không quá 25km/h, công suất ắc quy không quá 250W, trọng lượng toàn bộ xe không được quá 40kg và có bàn đạp. Hiện toàn quốc có hơn 310.000 xe đạp điện đã được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường và lưu thông, trong đó hầu hết được sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng xe đạp điện lớn hơn nhiều lần, do tình trạng sản xuất, lắp ráp chui hoặc nhập lậu.

“Hiện Luật GTĐB quy định xe đạp điện là loại xe thô sơ, không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy. Do không phải đăng ký quản lý khi lưu thông nên trên thực tế xuất hiện nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông”, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Cũng theo ông Hình, xe đạp điện đang được quản lý như xe thô sơ, nhưng bản chất là phương tiện có gắn động cơ và thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến phương tiện này. “Vì vậy, cần sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện, coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, góp phần hạn chế TNGT”, ông Hình đề xuất.

Liên quan đến đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, hiện quy định xe hai bánh sử dụng điện thành xe đạp, xe máy và mô tô điện là bất hợp lý, chỉ nên phân loại thành xe máy điện và mô tô điện. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi cách quản lý đối với xe đạp điện hiện nay, quản lý như xe máy (dùng xăng) có phân khối dưới 50cc để người điều khiển phải trang bị, tuân thủ quy tắc giao thông, đội MBH.

Theo ông Khương Kim Tạo, trước khi đề xuất quản lý xe đạp điện như xe cơ giới có hiệu lực, điều cần thiết hiện nay là quản lý chặt chẽ sản phẩm xe đạp điện bán ra thị trường, không để loại xe có vận tốc lớn hơn 25km/h nhưng lại mang mác xe đạp điện được lưu thông.

“Bên cạnh đó, trước khi vào năm học mới, cần có những chương trình tuyên truyền rộng rãi và có tài liệu hướng dẫn để người dân, nhất là trẻ em, học sinh sử dụng xe đạp điện an toàn, hạn chế tình trạng sử dụng xe đạp điện như xe cơ giới”, ông Tạo nói.


Tác giả: H. Xiêm