Giải quyết vướng mắc xây dựng hạ tầng xe điện

02/09/2021

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phương tiện chạy điện đã sẵn sàng cung ứng các loại sản phẩm ra thị trường, nhưng quy định hành lang pháp lý để hoạt động và điều kiện đủ để xây dựng hạ tầng, trạm xạc an toàn hiện nay vẫn là những vấn đề cần phải giải quyết.

Vướng cơ chế    

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện tham gia giao thông đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu nói chung và tại các đô thị Việt Nam nói riêng. Ở nhiều quốc gia, xe chạy năng lượng điện đang được coi là giải pháp hàng đầu giảm thiểu ô nhiễm không khí, môi trường. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Song, để phát triển xe điện cần phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chính sách hỗ trợ phát triển và hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý chất lượng phương tiện khi hiện thực hóa xe điện.

Qua tìm hiểu, các hãng xe VinFast, Honda đã nhận hàng nghìn đơn đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên sản xuất ở Việt Nam, lắp đặt hàng nghìn trạm sạc xe điện và chuẩn bị giao xe cho khách hàng  trong thời gian tới. Theo kế hoạch, đến năm 2025, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với công suất thiết kế lên tới 500.000 xe/năm, trong đó có các mẫu ô tô, xe máy điện thân thiện môi trường. Hay Công ty Honda VN (HVN) hiện đã sản xuất mẫu mô tô điện PCX EV tại Việt Nam, với gần 1.000 xe, nhưng chưa bán trực tiếp cho khách hàng, mà vẫn đang chạy thử nghiệm, vì khó cạnh tranh với xe xăng.

Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên hiệp hội đang quan tâm đến sự phát triển của xe điện tại thị trường Việt Nam, nhiều hãng sản xuất xe ô tô điện đã có những bước đi đầu tiên, nhưng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện trong thực tế vẫn chưa có. Đơn cử, tiêu chuẩn xe điện mà VinFast áp dụng là tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp xây dựng, công bố. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chuẩn ban hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, thì xe điện vẫn phải đăng ký tiêu chuẩn xe xăng và cơ quan đăng kiểm không biết cấp phép theo quy định nào.

Về vấn đề này, theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), hiện hầu hết các nước đều có quy định về quản lý sản phẩm pin, ắc quy của xe điện chặt chẽ, nhưng Việt Nam chưa có chế tài quản lý, thu gom, xử lý sản phẩm này sau khi sử dụng thải bỏ.

Vấn đề cốt yếu nửa của xe điện là việc đầu tư phát triển mô hình các trạm sạc xe điện để đảm bảo hạ tầng cho xe điện chạy. Tại nhiều nước hiện nay, mô hình trạm sạc điện thường đặt ở các bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, cây xăng theo quy định của nước sở tại, nhưng ở Việt Nam chưa có mô hình này. Muốn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trạm sạc cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. 

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, với hạ tầng trạm sạc, nếu có chính sách ưu đãi về cấp đất, tín dụng (giảm lãi suất) dành cho các nhà đầu tư sẽ là hướng tốt, nhưng cần có cam kết, mục tiêu, lộ trình rõ ràng giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người dân để hiện thực hóa, nhất là vấn đề tính toán số lượng ô tô chạy điện thay cho ô tô chạy xăng để đảm bảo giao thông đô thị.

020921.jpeg

Xây dựng hạ tầng cho xe ô tô điện

Theo các chuyên gia giao thông, sự ra đời của xe ô tô điện là xu thế tất yếu. Các loại ô tô nói chung, ô tô điện nói riêng trong nước hiện được kiểm soát về an toàn kỹ thuật đáp ứng quy chuẩn an toàn kỹ thuật chung của phương tiện, như QVN 09:2015/BGTVT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Để xe điện hoạt động được cần phải có hạ tầng, trong đó chủ yếu là các mô hình các trạm sạc xây dựng quy định như thế nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu... cần sớm được các cơ quan quản lý liên quan hoàn thiện, ban hành trên phương diện hài hòa quy chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Xe ô tô điện đang dần khẳng định vị trí trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô tại Việt Nam. Bên cạnh nhiều sản phẩm xe máy điện đã được bán, lưu hành rộng rãi trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã thử nghiệm, sản xuất và chuẩn bị bán rộng rãi ra thị trường.

Cụ thể như, VinFast đã tiên phong cho dòng xe ô tô điện “Made in Vietnam” và đã chào bán mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên VFe34 vào tháng 3/2021. Theo công bố của hãng này, đến nay đã có gần 3.700 đơn đặt hàng VFe34 để chờ đón thời điểm giao xe vào tháng 11/2021. Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco - Chu Lai... Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường xe ô tô điện vẫn phải chờ các hãng hoàn thiện hạ tầng cho phương tiện này hoạt động.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (Tiểu ban kỹ thuật-VAMA) cho hay, hiện nay, VinFast, Mitsubishi, Honda... đã có những bước đi đầu tiên về ô tô điện. Song, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và hạ tầng là các trạm sạc xe điện vẫn chưa có nhiều, đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp. Không giống như xe máy điện có thể sạc tại nhà, để ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi sẽ cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương.

VinFast đang tích cực triển khai kế hoạch thiết lập hơn 2.000 trạm sạc xe điện tại 63 tỉnh thành, tương ứng với hơn 40.000 trụ sạc các loại dành cho ô tô phù hợp với các điểm dừng nghỉ, bãi đỗ xe ở cao tốc, quốc lộ, nơi lái xe có thời gian nghỉ ngắn, nhằm chuẩn bị hạ tầng vận hành cho xe ô tô điện vào cuối năm. Các trạm sạc xe điện VinFast sử dụng công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp quá trình sạc dễ dàng, đơn giản và phương thức thanh toán thuận tiện, bảo mật nhất cho khách hàng. Việc xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp sẽ giúp VinFast giải tỏa mối lo của người tiêu dùng về phạm vi di chuyển của những chiếc ô tô điện, khi có thể dễ dàng nạp năng lượng tiếp tục hành trình tương tự như đổ xăng.

Tác giả: Lê Sơn