Hạ tầng giao thông “thay da đổi thịt” từ Quỹ Bảo trì đường bộ

07/08/2019

Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) ra đời đã làm thay đổi cơ bản công tác BTĐB, hạ tầng giao thông được đảm bảo an toàn, thông suốt. Nguồn vốn dành cho bảo trì đã được chủ động, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo trì trong nhiều năm qua.

anh bai 1_1

Quỹ BTĐB đã được triển khai hiệu quả cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Theo thống kê của Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, trong 5 năm từ khi có Quỹ BTĐB (2013 - 2017), từ nguồn vốn BTĐB, trên các tuyến quốc lộ đã xử lý 1.031 cầu yếu, 614 “điểm đen”; bổ sung, thay thế 13.252 biển báo hiệu đường bộ, xây dựng 1.138.000m hộ lan, cải tạo 137.000m cống và 1.372.410m rãnh thoát nước, 76.806.418m2 mặt đường; gia cố lề, mở rộng trên 1.000km mặt đường 3,5m - 5m thành mặt đường đường lớn hơn 5,5m để bảo đảm cho hai chiều xe đi tránh, vượt thuận lợi, góp phần giảm UTGT; xây dựng các trụ chống va trôi cho trụ cầu trên các tuyến sông có lưu lượng vận tải thủy lớn, xây dựng giá long môn kiểm soát xe quá khổ, quá tải qua các vị trí không bảo đảm tĩnh không…

Năm 2018, Quỹ BTĐB được bố trí 8.314,85 tỷ đồng để quản lý, bảo trì 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 24.598km, 6.255 cầu, 12 bến phà và 10 công trình hầm.

Đồng thời, từ nguồn vốn Qũy BTĐB Trung ương, các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn phân bổ và nguồn ngân sách địa phương để sửa chữa tập trung các công trình hư hỏng kéo dài, cứng hóa nhiều tuyến đường đất, gia cố mở rộng nhiều tuyến đường, sửa chữa được nhiều cầu, hộ lan, hệ thống cống rãnh, xử lý các vị trí ngầm tràn..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân và phát huy tối đa nguồn vốn của Quỹ BTĐB. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, nguồn vốn từ Quỹ BTĐB bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đạt kết quả tích cực về giải quyết nguồn vốn hạn hẹp do ngân sách nhà nước cấp trước đây. Việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ BTĐB địa phương đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Về cơ bản, đến nay công tác bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch được ưu tiên tập trung giải quyết hàng năm đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông của đất nước.

“Chúng ta cũng phải nhìn nhận trước khi có Quỹ BTĐB, mỗi năm cả nước có trên 12.000 người thiệt mạng vì TNGT, nhưng sau khi có Quỹ BTĐB, hạ tầng giao thông được cải thiện, các “điểm đen” được xóa, giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển... TNGT được kéo giảm hàng năm, đến nay số người chết do TNGT được kéo giảm xuống, còn trên 8.000 người, nguyên nhân kéo giảm thì có nhiều nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông được cải thiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.


Quỹ BTĐB hoạt đông công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Mặc dù có những thay đổi trong thời gian qua nhưng Quỹ BTĐB đã kịp thời điều chỉnh hoạt động điều hành theo đúng quy định; hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai các công việc cơ bản đảm bảo tiến độ; công tác thu phí được thực hiện đồng bộ hiệu quả, không bị thất thoát; công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên đã giúp Quỹ BTĐB hoạt đông công khai, minh bạch, đúng mục đích, phát huy được nguồn vốn đóng góp từ xã hội và ngân sách hỗ trợ.

Các hoạt động của Quỹ BTĐB đã được triển khai hiệu quả cả ở cấp Trung ương và địa phương. Với nguồn vốn có được cùng với sự điều hành quyết liệt kịp thời, công tác BTĐB đã có nhiều tiến bộ so với thời điểm trước khi có Quỹ BTĐB. Theo đánh giá của Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các giải pháp về giao thông, tổ chức, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã đổi mới phương pháp điều hành. Mặt khác, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng kế hoạch quản lý phương tiện cũng góp phần rất lớn vào sự thành công bước đầu của Quỹ BTĐB.

Thời gian qua, mặc dù nguồn vốn Quỹ BTĐB tuy đã được tăng lên và ổn định qua từng năm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nên công tác BTĐB chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác giao kế hoạch chi Quỹ BTĐB Trung ương bị chậm do thời điểm thông báo vốn hàng năm từ Bộ Tài chính cho Quỹ thường vào cuối tháng 11 nên việc lập kế hoạch chi Quỹ BTĐB Trung ương chỉ được triển khai vào tháng 12 hàng năm, từ đó dẫn đến việc nhiều nhiệm vụ quản lý bảo trì sẽ không được thực hiện kịp thời ngay từ đầu năm, làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư (trước đây, tạm giao kế hoạch chi cho các công tác bảo trì ngay từ đầu quý IV năm trước). Đồng thời, việc giải ngân vốn Quỹ BTĐB cũng bị chậm do vốn được chuyển theo quý từ Bộ Tài chính (trước đây phần kinh phí thu từ nguồn phí sử dụng đường bộ được giải ngân hàng tháng).

Việc sử dụng phần vốn chưa phân bổ kể từ năm 2017 còn bị động, chậm chễ dẫn đến nhiều nhiệm vụ cấp bách, đảm bảo ATGT chưa được xử lý kịp thời. Ngoài ra, mặc dù nguồn vượt thu phí sử dụng đường bộ năm 2017 là tương đối lớn (khoảng 810 tỷ đồng) nhưng không được sử dụng cho công tác quản lý, BTĐB (thực tế các nhiệm vụ bảo trì năm 2017 còn thiếu vốn rất nhiều), từ đó làm giảm hiệu quả công tác bảo trì.


Tác giả: M. Đức