Hàng loạt phương tiện giao thông sắp được đơn giản thủ tục trước khi bán ra thị trường

10/05/2022

Hàng loạt sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải sẽ được đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành khi thông quan đối với hàng nhập khẩu và trước khi đưa ra thị trường đối với hàng sản xuất, lắp ráp...

100522.9.jpg

Xe đạp điện, xe đạp máy được đề xuất không cần chứng nhận trước thông quan trước khi nhập khẩu.

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, thay thế Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Theo đó, dự thảo bổ sung nguyên tắc xác định, chứng nhận, công bố sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục; rà soát, bổ sung, loại bỏ sản phẩm hàng hóa và cập nhật Mã hàng hóa (HS).

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục này.

Đáng chú ý, tại Phụ lục 1, sẽ cắt giảm 2 sản phẩm, hàng hóa ra khỏi danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước khi thông quan đối với nhập khẩu; trước khi đưa ra thị trường đối với sản xuất, lắp ráp để phù hợp với quy định của Luật đường bộ sau khi được ban hành.

Các hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành như xe máy, xe đạp điện... sẽ phải đăng ký trước với các cơ quan chức năng liên quan để được kiểm tra khi cập cảng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trước khi được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam

Đồng thời, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển 14 sản phẩm, hàng hóa từ danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước thông quan sang danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Tại phụ lục 2, cắt giảm 34 sản phẩm, hàng hóa khỏi danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy như xe cạp, xe đóng cọc và nhỏ cọc...

100522.10.png

Thông tư số 41 được ban hành gần 4 năm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá Thông tư ra đời làm rõ các đối tượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 mà Bộ Giao thông vận tải cần kiểm soát, góp phần nâng cao an toàn trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn chất lượng phương tiện giao thông vận tải.

Đến nay, các quy định trong các văn bản liên quan đã hoặc đang có sự sửa đổi, bổ sung (Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Thông tư số 65/2017/TT-BTC) cũng như có các quy định mới về hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu, sản xuất lắp ráp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, dẫn đến việc cần phải rà soát lại danh mục, xem xét lại các quy định đối với các văn bản tương ứng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Vì vậy, "việc xây dựng, ban hành Thông tư quy danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, thay thế Thông tư số 41 là cần thiết", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Theo đó, rà soát, bổ sung, loại bỏ sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 và triển khai thực hiện Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

100522.11.png

Bên cạnh đó, cập nhật mã HS để phù hợp với Quy định hiện hành của Bộ Tài chính về Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Đồng thời, cần thiết quy định lại các nguyên tắc chứng nhận, công bố theo quy định.

Cụ thể, đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải chứng nhận, công bố phù hợp với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, thời điểm chứng nhận, công bố hợp quy được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường.

Đối với phụ tùng nhập khẩu có số lượng ít, không đủ để lấy mẫu thử nghiệm theo quy định, được công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên cơ sở chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu xuất trình cho cơ quan hải quan bản thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan kiểm tra.

Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phải được chứng nhận, công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường. Việc thực hiện đánh giá hợp quy, chứng nhận hợp quy và tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với các sản phẩm hàng hóa phải do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và chứng nhận.

Tác giả: A.T