Khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

30/11/2020

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định đến thời điểm này, dự án thu phí tự động không dừng cơ bản đảm bảo yêu cầu đặt ra.

khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm BOT theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước.

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xung quanh nội dung này.

Cơ bản giải quyết xong các khó khăn

Thưa Thứ trưởng, tiến độ lắp đặt thu phí tự động không dừng hiện đang triển khai và đạt được kết quả như thế nào?

Hiện nay dự án thu phí tự động không dừng đã cơ bản khắc phục được những khó khăn hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực lớn của Bộ GTVT, các nhà đầu tư BOT và các nhà cung cấp dịch vụ ETC.

Dự án thu phí tự động không dừng là dự án độc lập mà lại được bổ sung vào các dự án BOT nên phải hoàn tất nhiều thủ tục để làm sao đảm bảo theo quy định. Cũng vì đây là dự án bổ sung chưa nằm trong phương án tài chính ban đầu của các nhà đầu tư BOT nên phải tính toán lại sao cho phù hợp.

Thứ hai, thu phí tự động không dừng là vấn đề mới, chưa lường hết được các khó khăn về công nghệ, về kết nối, trách nhiệm của nhà đầu tư BOT, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ ETC. Bên cạnh đó còn là những khó khăn liên quan đến nguồn vốn của các ngân hàng tài trợ cho dự án và vấn đề thanh toán của chủ phương tiện khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, những khó khăn trên đã cơ bản được giải quyết một cách tổng thể và đồng bộ.

Một khó khăn lớn của dự án là đàm phán ký hợp đồng dịch vụ ETC giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT, giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC. Bộ GTVT đã giải quyết vấn đề này thế nào?

Trước hết như tôi đã nói, đây là mô hình mới. Thay vì trước đây chúng ta dùng phương thức thu thủ công, dùng nhân lực con người là chính, đến nay chúng ta đã dùng công nghệ tự động thay thế con người. Chính vì vậy khi thực hiện dự án còn nhiều vấn đề chưa rõ nét về hành lang pháp lý, những phát sinh, những đối tượng liên quan. Trong khi đó lại cần sự phối hợp của nhiều chủ thể như cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ ETC, nhà đầu tư BOT, các ngân hàng và chủ phương tiện giao thông đường bộ.

Mỗi đối tượng trong dây chuyền này có trách nhiệm, chia sẻ thì dự án triển sẽ thuận lợi. Ngược lại dự án sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như với nhà đầu tư BOT, vì dự án thu phí tự động là hạng mục được bổ sung trong khi nhà đầu tư BOT đã hoàn thành đầu tư, lắp trạm thu phí một dừng (MTC) và đã triển khai thu phí.

Hạng mục thu phí tự động không dừng được bổ sung vào dự án trong khi phương án tài chính của dự án BOT đã được hoàn thiện và đã được sự thống nhất của ngân hàng tài trợ vốn mà chưa thống nhất phương án cấp tiếp tín dụng cho nhà đầu tư thực hiện thu phí không dừng. Vì vậy, ở đây cần sự chia sẻ, nhà đầu tư BOT cần nỗ lực và ngân hàng chấp thuận cho vay tiền để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ ETC, nếu phương án tài chính của họ khả thi thì ngân hàng cũng sẽ tạo điều kiện cho vay đầu tư. Tuy nhiên, khi lập phương án tài chính, một số nhà đầu tư BOT không đáp ứng được nên ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, ngân hàng lại phải xem xét lại cấp tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ ETC.

Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhà đầu tư BOT đã thế chấp tài sản dự án cho ngân hàng. Muốn đầu tư thu phí không dừng lại phải được sự đồng ý của ngân hàng. Trong khi một số trạm doanh thu chưa đủ để hoàn trả vốn vay thì ngân hàng khó đồng ý để cho vay tiếp đầu tư thu phí không dừng. Mỗi đối tượng, mỗi khâu vướng một chút, quá trình tích lũy lại ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Một nguyên nhân khác khiến dự án chậm tiến độ là hành lang pháp lý ban đầu từ khi thí điểm đến hành lang pháp lý là quyết định 07/2017 của Thủ tướng. Quyết định 07 đã cơ bản đề cập đến các đối tượng nhưng chưa giải quyết triệt để những mâu thuẫn, vướng mắc và hướng giải quyết các trạm thu phí này.

Từ thực tiễn đó, Bộ GTVT đã cùng các nhà đầu tư, các nhà cung cấp dịch vụ cùng với ngân hàng nghiên cứu, điều chỉnh lại hành lang pháp lý cho dự án. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép sửa quyết định 07, giải quyết các bất cập cũng như đưa ra giải pháp để thực hiện dự án mang tính khả thi. Chính vì vậy, sau khi Quyết định 19/2019 được ban hành, Bộ GTVT đã cùng với các đơn vị tháo gỡ khó khăn và đến nay tiến độ triển khai được đảm bảo.

Sẽ phạt ô tô không có thẻ vẫn cố tình đi vào làn thu phí không dừng

Trong cuộc họp Chính phủ gần đây về tháo gỡ vướng mắc các dự án BOT, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT không triển khai thu phí không dừng. Việc này đang được Bộ GTVT thực hiện thế nào?

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến 31/12 nhà đầu tư nào không lắp hệ thống thu phí tự động không dừng thì sẽ dừng thu phí. Đây là chủ trương, giải pháp mạnh để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện và đã đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc này. Kể cả các trạm khi đã lắp thu phí tự động không dừng mà xe ô tô không có thẻ vẫn cố tình đi vào làn thu phí không dừng sẽ có hình thức xử phạt.

Khi hệ thống thu phí không dừng được kết nối giữa nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ sẽ kiểm soát được dòng tiền. Thêm nữa là kết nối giữa các ngân hàng để làm sao chuyển dòng tiền để phân bổ hoàn trả cho các nhà đầu tư. Người dân dùng thẻ thanh toán ETC, trước mắt sẽ dùng một tài khoản giao thông trả trước.

Người dân có thể nạp tiền đủ để trả cho quãng đường di chuyển và cân đối số dư trong tài khoản lưu số tiền vào phải. Để tiếp tục xử lý các vướng mắc này và đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân, biện pháp kết nối giữa các ngân hàng sẽ dùng ví điện tử. Bên cạnh đó, sẽ kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ ETC.

khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

Tiến độ dự án thu phí tự động không dừng đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng - Ảnh minh họa

Có dán thẻ mới thấy hết tiện ích của thu phí không dừng

Cách thức trả tiền phí qua thẻ được đánh giá chưa thuận tiện, Bộ GTVT có giải pháp gì để tối ưu cho người sử dụng?

Đối với nhà cung cấp dịch vụ dự án giai đoạn 1 (BOO1), đã liên thông tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng BIDV. Ngoài ra, BOO1 cũng đang xúc tiến kết nối với các ngân hàng khác để có hình thức thanh toán thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ.

Đối với nhà đầu tư dự án giai đoạn 2 (BOO2), hiện đã có giải pháp sử dụng ví điện tử kết nối với hơn 30 ngân hàng. Các ngân hàng sẽ thực hiện các quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân dùng tài khoản cá nhân để thanh toán thuận tiện.

Việc vận hành hệ thống sau khi đã hoàn thành lắp đặt được Bộ GTVT tính toán thế nào để đạt hiệu quả, tránh lãng phí?

Như tôi đã nói ở trên đây là dự án mới liên quan đến công nghệ cho nên vấn đề hành lang pháp lý hết sức quan trọng, làm sao vừa phải chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm và hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí dẫn đến tiêu cực. Đây là chủ trương nhất quán từ Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, các đơn vị quán triệt thực hiện.

Trên cơ sở Quyết định 19, Bộ GTVT đã hoàn tất thủ tục để triển khai dự án đạt hiệu quả. Bên cạnh đó có nhiều giải pháp song hành được triển khai, phấn đấu đến 31/12, mỗi trạm đều có làn thu phí tự động không dừng. Vì vậy, phải chuẩn bị ngay bước dán thẻ cho chủ phương tiện, vừa tuyên truyền vừa trực tiếp đến các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp dán thẻ sử dụng dịch vụ.

Nhiều người dân khi chưa dán thẻ còn băn khoăn nhưng khi đã thực hiện mới thấy hết tiện ích của nó, không phải chờ đợi, không mất thời gian dừng xe, lưu thông nhanh hơn, giảm ùn tắc, giúp tham gia giao thông văn minh hơn.

Tiến độ 31/12 đã đến gần, theo Thứ trưởng đâu là yếu tố quan trọng nhất để đạt được mục tiêu này?

Không phải không có thu phí tự động không dừng mà chúng ta không kiểm soát doanh thu các trạm thu phí BOT. Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT và các ngân hàng đã có sự kiểm soát chéo doanh thu. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ VN đã kiểm soát doanh thu thu phí bằng phần mềm.

Đến nay 44 trạm thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp xong hệ thống thu phí tự động không dừng. Các công việc tiếp theo đang được hoàn thiện như tiếp tục đẩy nhanh dán thẻ, phân luồng giao thông tạo ý thức cho chủ phương tiện trong sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền việc dán thẻ.

Đối với các dự án của Tổng công ty đầu tư đường cao tốc VN (VEC), tuy Thủ tướng cho phép lùi sau 31/12 nhưng Bộ GTVT vẫn tiếp tục làm việc tháo gỡ nguồn vốn để thực hiện đầu tư thu phí tự động không dừng các tuyến cao tốc của VEC.

Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT đang tập trung lắp thiết bị tại trạm và đẩy nhanh kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ BOO1 và BOO2.

Cả nước hiện có hơn 90 trạm thu phí do Bộ GTVT và các tỉnh quản lý. Bộ GTVT đã lựa chọn được hai nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ có thể đảm nhận lắp thiết bị tại trạm (Fond-and) và hệ thống lưu dữ liệu xử lý thanh toán (Bank-and). Hai nhà cung cấp dịch vụ đều phải tuân theo một công nghệ chung và thực hiện nhiệm vụ ở các trạm khác nhau. Để tạo sự thống nhất, hai nhà cung cấp dịch vụ này phải kết nối liên thông để nâng cao tính hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư.

Đến thời điểm này, dự án về cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đặt ra. Thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh, chặt chẽ để vận hành khai thác thuận lợi hơn. Khi triển khai có thuận lợi có khó khăn nhưng trước hết phải là trách nhiệm và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc. Quá trình thực hiện dự án đã quán triệt được tinh thần này.

Để đạt được kết quả đó, mỗi cá nhân, đơn vị đã thấy rõ trách nhiệm của mình, vừa làm vừa hoàn thiện, khi thấy các bất cập được tập trung nghiên cứu khắc phục kỳ được. Có thế, dự án sẽ dần đi đến hoàn thiện và đạt được kết quả như hôm nay và sẽ đảm bảo đúng tiến độ đến 31/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tác giả: Trần Duy