Kiểm định khí thải xe máy cũ: Muộn còn hơn không

13/06/2020

Quy định xe máy có tuổi thọ trên 5 năm phải kiểm tra khí thải định kỳ là một bước bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Bởi xe cũ thải ra nhiều loại khí độc hại cho sức khỏe con người.

Xe máy cũ được sử dụng vào việc chuyên chở hàng quá tải tại các đô thị. Ảnh minh họaXe máy cũ được sử dụng vào việc chuyên chở hàng quá tải tại các đô thị. Ảnh minh họa

Hàng loạt khí độc hại

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ GTVT công bố đang thu hút sự quan tâm của người dân. Trong đó, nhiều điều khoản mới tác động trực tiếp đến xe máy - loại phương tiện chiếm đến 95% lượng xe cơ giới đang hoạt đông. Cụ thể, Khoản 6 Điều 93 trong dự luật quy định mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải. 

Dự luật cũng nêu rõ việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, quy định mới sẽ không áp dụng đồng loạt với tất cả xe máy mà sẽ theo lộ trình. Bước đầu, cơ quan chức năng có thể tập trung kiểm tra các loại xe cũ nát, tuổi thọ trên 10 năm hoặc kiểm soát trước với xe máy 175 cc trở lên vì số lượng ít.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy xâm nhập vào phổi, thậm chí vào máu của con người sẽ gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Những thành phần độc hại có trong khí thải xe máy có thể kể đến là carbon dioxide.

Carbon dioxide là sản phẩm phụ của những phản ứng đốt cháy nguyên liệu, nó cũng là chất gây nên hiệu ứng nhà kính. Tùy hàm lượng mà carbon dioxide sẽ gây độc, mức độ ảnh hưởng có thể biến đổi từ nhức đầu, xây xẩm, run bẩy, cảm giác bị kim chích, khó thở, đổ mồ hôi, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh… 

Carbon monoxide (CO) là một trong những thành phần khí thải xe máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí và sức khỏe. Khí thải NO và NO2 gây hại hệ mạch máu, nếu thai phụ hít phải chúng thường xuyên sẽ gây nên dị dạng thai nhi, biến đổi DNA và các chứng bệnh đa xơ cứng. Sulfur dioxide là loại khí thải xe máy sẽ gây rối loạn hô hấp, ảnh hưởng xấu đến hệ hoạt động của cơ thể.

Ngoài ra còn có các phần tử cực nhỏ là những thành phần lạ có trong khí thải xe máy, chúng sẽ gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư. Các hợp chất hydrocarbons đa vòng gây tổn hại lên các tế bào da và hệ tự miễn của cơ thể. Đây là một trong những thành phần khí thải xe máy phổ biến nhất gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người.

Các loại xe máy cũ được tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ảnh minh họa

Độc hại của xe cũ

Theo Cục Đăng kiểm, cả nước hiện có hơn 50 triệu xe máy hoạt động (Hà Nội có 5,7 triệu xe, TPHCM có 8,1 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Nếu được ban hành, quy định trên sẽ buộc chủ nhân của các xe máy phát sinh nhiều khí phải đứng trước 2 lựa chọn: Sửa chữa, bảo dưỡng để đạt yêu cầu hoặc dừng sử dụng phương tiện.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, xe càng cũ thì càng xả thải nhiều, tiêu hao nhiên liệu càng lớn và càng gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Khi xăng dầu bị đốt cháy, thường có nhiều khí CO2 được phát tán ra môi trường. 

Đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, sẽ không cháy hết mà xả thải vào không khí ngoài chất độc của các khí thông thường còn là muội than rất độc hại. Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện “quá đát” thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.

Hiện rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Đáng nói, tình trạng xe máy cũ nát, thải khói đen kịt trên các tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người dân thắc mắc là việc kiểm định khí thải xe máy, kiểm soát lượng xe máy “hết đát” này bằng cách nào? 

TS Phạm Sanh, chuyên gia về phát triển giao thông đô thị cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên sớm đưa ra chính sách kiểm định khí thải xe máy và thu hồi lượng lớn xe máy không đạt yêu cầu kỹ thuật đang lưu hành. Muốn làm được điều này, ngành giao thông thành phố cần có các quy chuẩn cụ thể về tiêu chuẩn khí thải phù hợp với mô-tô, xe máy đang lưu hành.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, xe máy cũng phải đưa vào kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng. 

Đối với xe máy đã quá hạn sử dụng cần được Nhà nước thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, ngành giao thông thành phố phải có chính sách hỗ trợ mua hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng người nghèo.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết, việc kiểm soát khí thải xe máy đúng là rất cần thiết. Nguyên nhân là vì hiện nay khí thải ở Việt Nam được xác định là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm soát thời gian đầu có thể sẽ gặp phải những khó khăn nên chúng ta cần kiên quyết thực hiện. Ban đầu chúng ta sẽ ra thông điệp để người dân biết. Sau đó có thể dùng những logo hay tem kiểm định để phân biệt là xe nào đã được kiểm định đạt quy chuẩn. Đối với những xe không đạt chuẩn có thể phạt.


Tác giả: Nhật Phong