Xe tự lái của VinFast gặp thách thức gì tại Việt Nam?

02/02/2021

Xe tự lái của VinFast là một bước tiến quan trọng của nền công nghệ ôtô Việt Nam. Tuy nhiên, dòng xe này sẽ đối diện với những thách thức nào khi được bán ra trong nước.

Gần đây, VinFast vừa công bố những hình ảnh và thông tin cơ bản về 3 mẫu SUV mới. Trong đó có một mẫu xe điện, 2 mẫu xe có cả bản chạy xăng và chạy điện. Ngoài động cơ điện, điểm nhấn của 3 mẫu xe này là công nghệ tự hành, còn gọi là xe tự lái.

Xe tự lái là tương lai của thế giới

Ngoài các loại năng lượng xanh, công nghệ tự lái được xem là tương lai của ngành công nghiệp ôtô thế giới. Hiện tại, xe tự lái hiện được chia thành 5 cấp (level) theo phân loại của Hiệp hội Kỹ sư Ôtô Quốc tế (SAE), tùy theo mức độ can thiệp của công nghệ hỗ trợ lái vào quá trình vận hành của xe. Năm cấp độ của xe tự lái gồm:

Co hoi nao cho xe tu lai tai Viet Nam? anh 2

Gói hỗ trợ Traffic Jam Assist của Audi đạt mức tự hành cấp độ 2.

Cấp độ 1: Xe có các hệ thống hỗ trợ lái như kiểm soát hành trình, hỗ trợ giữ làn...

Cấp độ 2: Xe có thể tự can thiệp vào chân ga, tay lái trong các tình huống nhất định, tự động giảm tốc, tăng tốc. Một số hệ thống được đánh giá là tự hành cấp độ 2 như Autopilot của Tesla, Volvo với Pilot Assist hay Traffic Jam Assist của Audi.

Cấp độ 3: Ở điều kiện lý tưởng, người lái có thể rời tay khỏi vô-lăng, rời chân khỏi chân ga để xe tự hành. Tuy nhiên, người lái vẫn phải ngồi sau vô-lăng để đánh giá tình hình và xử lý các tình huống bất ngờ. Hiện tại, đây là cấp độ khả thi nhất cho xe dân dụng.

Cấp độ 4: Xe có thể tự vận hành mà không cần người lái phải ngồi sau vô-lăng. Người lái chỉ cần bước vào xe, chọn điểm đến và ấn nút khởi hành.

Cấp độ 5: Ở cấp độ này, chiếc xe trở thành xe không người lái. Chiếc xe có thể tự vận hành mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ con người. Do đó, xe cũng không cần vô-lăng, chân ga hay các nút chức năng.

Ngoài việc hỗ trợ, các công nghệ tự hành còn giải phóng tâm trí của người lái. Khi không phải tập trung cho việc cầm vô-lăng, người lái có thể xử lý các công việc khác hoặc thư giãn. Tuy nhiên, chúng ta không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các công nghệ này. Máy móc hay công nghệ hiện đại vẫn có tỷ lệ sai số nhất định.

Xe tự lái đã thật sự an toàn?

Về luật, các mẫu xe tự lái hiện tại không được phép lưu thông tại những quốc gia đã ký vào Công ước Vienna về Giao thông đường bộ hay còn được gọi là Công ước Vienna 1968. Công ước này chỉ cho phép các hệ thống can thiệp vào việc lái xe, không cho phép lái tự động ở tốc độ trên 10 km/h. Như vậy, Công ước Vienna 1968 gần như cấm tất cả các công nghệ tự lái từ cấp độ 2 trở lên. Hiện tại, Công ước này được phê chuẩn bởi 78 quốc gia.

Co hoi nao cho xe tu lai tai Viet Nam? anh 3

Xe tự lái của Waymo tại Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc không tham gia Công ước này. Do đó, xe tự lái vẫn còn "đất sống" khi 2 quốc gia này là thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Đó cũng là lý do mà 2 quốc gia này trở thành "cái nôi" của nhóm xe tự lái. Mỹ có Tesla và một vài hãng công nghệ nổi tiếng cũng tham gia vào mảng xe tự lái như Google, Apple... Dù sinh sau đẻ muộn, Trung Quốc vẫn không kém cạnh khi có các công ty khởi nghiệp chuyên về xe điện và xe tự lái.

Có phần lạc hậu so với hiện tại, Công ước Vienna 1968 vẫn chưa được sửa đổi điều khoản về xe lái tự động. Điều này cũng có cơ sở khi chúng ta không thể phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc. Dù hiện đại đến đâu, máy móc vẫn có sai số.

Co hoi nao cho xe tu lai tai Viet Nam? anh 4

Chiếc Tesla Model 3 đâm vào xe cảnh sát khi đang ở chế độ tự hành Autopilot.

Cuối tháng 3/2018, xe tự lái thử nghiệm của Uber gây tai nạn chết người tại bang Arizona, Mỹ. Một số vụ tai nạn chết người liên quan đến chế độ tự lái của các mẫu xe Tesla được ghi nhận không ít. Do đó, mức độ an toàn của xe tự lái vẫn còn gây hoài nghi.

Thêm một vấn đề nữa về pháp lý, khi nhiều quốc gia đang tranh cãi về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm do xe tự lái gây ra, chủ xe, hãng xe, hay một thực thể "thông minh nhân tạo" nào đó?

Cơ hội nào cho xe tự lái tại Việt Nam?

Theo công bố của VinFast, các mẫu xe mới của hãng sẽ có mức tự hành ở cấp độ 2-3. Gần như chắc chắn mẫu xe cao cấp nhất trong bộ 3 xe mới của VinFast có thể tự lái ở cấp độ 3. Hiện tại, cấp độ 3 được xem là cấp độ khả thi nhất cho xe dân dụng. Hãng xe nổi tiếng nhất với công nghệ tự lái là Tesla cũng đang đáp ứng ở cấp độ 3. Với khả năng tự hành cấp độ 3, các mẫu xe của VinFast nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông trong và ngoài nước.

Co hoi nao cho xe tu lai tai Viet Nam? anh 5

Các mẫu xe tự lái của VinFast nhận được sự quan tâm của truyền thống trong nước và quốc tế.

Năm 2014, Việt Nam đã gia nhập Công ước Vienna 1968 và các mẫu xe tự hành "không có đất sống" tại Việt Nam. Đó cũng là lý do một số hãng xe cắt đi tính năng trợ lái thuộc cấp độ 2-3 đối với xe tại Việt Nam. Điển hình là Mercedes-Benz với tính năng đỗ xe tự động.

Do đó, các mẫu xe mới của VinFast có thể sẽ phải "ẩn" đi các công nghệ tự lái để được phân phối tại Việt Nam. Để người dùng Việt sở hữu xe tự lái, chỉ có 2 khả năng xảy ra là Việt Nam rút khỏi Công ước Vienna về Giao thông đường bộ hoặc Công ước này được sửa đổi ở khoản xe lái tự động.

Việt Nam rút khỏi Công ước là việc khó có thể xảy ra. Việc Công ước Vienna được sửa đổi có vẻ khả thi hơn. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019, vấn đề sửa đổi quy định trong Công ước này đã được đề cập, nhưng chưa có giải pháp chính thức nào.

Co hoi nao cho xe tu lai tai Viet Nam? anh 6

Xe tự lái chưa khả thi tại Việt Nam.

Như đã nói, xe tự lái cấp độ 3 cần điều kiện giao thông lý tưởng để hoạt động. Tuy nhiên, điều kiện giao thông tại Việt Nam vẫn chưa đạt mức lý tưởng cho xe tự lái vận hành. Do đó, mức độ tự lái tối đa có thể đáp ứng tại Việt Nam là cấp độ 2. Thực tế, các công nghệ tự lái thuộc cấp độ 2 vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi vận hành ở Việt Nam.

Do đó, xe tự lái sẽ gặp nhiều thách thức lớn khi được bán ra tại Việt Nam, nhất là khi Công ước Vienna 1968 còn hiệu lực. Đối với các mẫu xe của VinFast, rất có thể hãng này sẽ chú trọng thị trường Mỹ hơn là thị trường Việt Nam.

Tác giả: Hoàng Trọng