Future Bus - ý tưởng xe buýt tự hành của Mercedes-Benz

20/07/2016

Future Bus được phát triển dựa trên mẫu xe buýt Citaro của nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước Đức, dài 12 mét, trang bị động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng Mercedes-Benz OM 936, cho công suất 299 mã lực.

Mercedes-Benz dường như đang phát triển một mẫu xe buýt tự lái với chế độ CityPilot, được trang bị hàng loạt các công nghệ cao, hệ thống camera cũng như radar giám sát. Công ty gọi sản phẩm của mình - Future Bus là "một cột mốc quan trọng nhằm hướng đến thế hệ xe buýt tự hành trong thành phố”.


Ảnh: Future Bus - ý tưởng xe buýt tự hành của Mercedes-Benz

Trong khi đó, CityPilot là nền tảng được phát triển trên công nghệ từng được sử dụng trên xe tải tự hành Actros, cung cấp cho chiếc xe khả năng tự động chạy đúng làn, chuyển làn, kiểm soát vận tốc cũng như chức năng phanh. Thiết kế nội thất của xe buýt theo kiểu mở, không gò bó về cách bố trí ghế ngồi như xe buýt truyền thống, và được cho là lấy cảm hứng từ các ô vuông thường thấy trong thành phố hoặc công viên. Có 3 khu vực khác nhau dành cho hành khách, được sắp xếp dựa trên thời gian mà họ sẽ ngồi trên xe.

Mặc dù mang lại cho hành khách sự thoải mái, tuy nhiên có thể thấy thiết kế nội thất kiểu này sẽ khiến số lượng người trên xe khá hạn chế. Ngay vị trí cửa là hệ thống đèn cảnh báo, màu xanh lá hiện lên nghĩa là hành khách được phép bước lên xe, màu đỏ thì không được. Xe cũng có hệ thống soát vé diện tử nhằm giảm tối đa thời gian chờ đợi.

Future Bus có tốc độ tối đa 70 km/h và tài xế gần như không cần phải can thiệp vào bất cứ điều gì khi xe ở chế độ CityPilot, ngoại trừ những trường hợp cần thiết. Trên thực tế, CityPilot cũng như các chế độ tự hành khác được cho là có thể nâng cao tính an toàn bằng cách loại bỏ lỗi của con người trong việc xử lý các tình huống giao thông, đồng thời nâng cao hiệu quả cũng như sự thoải mái trong lúc xe vận hành.


Ảnh: Mang lại cho hành khách sự thoải mái

Hệ thống tự hành do Mercedes-Benz phát triển sử dụng 10 máy ảnh để quét môi trường xung quanh xe cũng như mặt đường. Bốn cảm biến radar tầm ngắn có nhiệm vụ theo dõi vùng nằm trong khoảng cách từ 50 cm đến 10 m phía trước xe, kèm theo 2 camera stereo có tầm nhìn lên đến 50 m, nhằm tạo ra một mô phỏng 3D và nhận diện các chướng ngại vật.

Việc theo dõi đường đi được giao cho hệ thống radar tầm dài và ngắn, trong khi GPS, camera theo dõi làn và 4 máy ảnh khác được sử dụng để xác định vị trí của xe buýt trong môi trường xung quanh. Ngoài ra, cũng có 2 camera hướng xuống phía dưới để ghi nhận điều kiện mặt đường, và 3 máy ảnh khác ghi lại hành trình cũng như các thao tác của tài xế.

Dữ liệu thu thập được từ tất cả các thiết bị nói trên được tổng hợp với nhau, tạo ra bức tranh chính xác và hoàn chỉnh nhất về tình hình của chiếc xe, cùng các yếu tố xung quanh nó. Future Bus có thể nhận ra tín hiệu đèn giao thông và chấp hành, phát hiện các trở ngại, kể cả người đi bộ và tự động phanh.

Mercedes cho biết CityPilot hiện đã được thử nghiệm trong điều kiện thực tế, trên một tuyến đường dài khoảng 20 km ở Hà Lan, trong đó bao gồm cả đường hầm, trạm xe buýt và một số đoạn cho phép lưu thông ở tốc độ cao.

Tác giả: TH, Theo Gizmag