 | |
Dự án đã từng bị tạm ngưng
Từ năm 2001, Sở Giao thông Công chính
(nay là Sở GTVT) đã đề xuất ý tưởng làm buýt đường sông để phục vụ người
dân địa phương, khách du lịch… Tuy nhiên, ý tưởng đó đã gặp những trở
ngại như cơ sở hạ tầng, phương tiện, bến bãi ở mỗi quận huyện đều rời
rạc, chắp vá. Tuy là một thành phố lớn nhưng TP. Hồ Chí Minh chưa có một
quy hoạch tổng thể nào cho đường sông, đặc biệt là định hướng lâu dài.
Mãi đến cuối năm 2010, Công ty TNHH Thường Nhật đã đề xuất thí điểm mở 2
tuyến ca-nô buýt, mỗi tuyến dài 11km đến quận Thủ Đức và quận 6. Lúc
này, UBND Thành phố đã chấp thuận và giao các đơn vị liên quan khảo sát,
lập dự án. Thành phố cũng yêu cầu Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn
Samco (đơn vị trực thuộc UBND Thành phố) phối hợp cùng Công ty TNHH
Thường Nhật nghiên cứu, thực hiện dự án.
Việc triển khai xây dựng mô hình mang
tính dẫn đầu, tiêu biểu và chưa có tiền lệ trước đó thường sẽ gặp nhiều
khó khăn, từ việc những quy định hiện hành đến vốn đầu tư, cơ chế chính
sách… Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu
tư dự án cho biết, cái khó của việc triển khai buýt đường sông là trở
ngại về tĩnh không thấp của những cây cầu bắc ngang tuyến vận tải. Với
lộ trình tuyến buýt số 1 từ bến Bạch Đằng về Linh Đông thì hành trình
này đi qua 3 chiếc cầu, trong đó cầu Thủ Thiêm và cầu Sài Gòn có độ tĩnh
không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới bắt đầu thì cầu Kinh
Thanh Đa có độ tĩnh không không đạt. Ở lộ trình 2 đi theo rạch Bến Nghé -
Tàu Hũ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, tất cả các cây cầu đều có độ tĩnh không
đạt yêu cầu. Do đó, đơn vị đã phải đợi Thành phố khai thông lại dòng Bến
Nghé - Tàu Hũ và việc nâng độ tĩnh không cũng như xử lý nguồn nước, xử
lý việc lấn chiếm hai bên dòng kênh này là tốn rất nhiều chi phí và thời
gian.
Mặt khác, ở cả hai lộ trình tuyến buýt
đều phải có rất nhiều bến dừng, đỗ, đón khách để phục vụ cho nhu cầu đi
lại của người dân. Mặc dù đơn vị là nhà đầu tư tâm huyết trong việc lập
dự án mở các tuyến buýt sông này nhưng vào thời điểm năm 2012, phía Công
ty đã phải tạm dừng dự án vì không tìm được vị trí lập bến ở hai bên bờ
sông, bờ kênh làm điểm để lên xuống của khách. Thời điểm đó, UBND quận 1
chỉ cho phép sử dụng cầu bến hiện hữu, không cho xây thêm cầu bến mới
tại đây nên kế hoạch xây bến buýt sông trung tâm tại quận 1 của Công ty
TNHH Thường Nhật coi như không thực hiện được.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, để
tuyến buýt sông hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người
dân thì việc xây dựng các bến đón khách phải đáp ứng những tiêu chí như:
Bến đỗ khách phải ở vị trí đắc địa, thuận lợi và có kết nối tốt với các
tuyến xe buýt…; bến đỗ nằm gần khu đông dân cư, có kết nối đường bộ
tốt, phương tiện ra vào thuận lợi. Đồng thời, khu vực này phải có nhà
chờ, có chỗ gửi xe máy cho người dân… Có như thế, khi vận hành và đưa
vào sử dụng buýt đường sông mới thực sự phát huy hết khả năng của mình
và được người dân ưu tiên sử dụng. Còn nếu có quá nhiều bất cập thì việc
“đổ bể” của dự án là điều khó tránh khỏi.
Những chuyến tàu chở khách đầu tiên
Trải qua nhiều khó khăn, sau một thời
gian dài nỗ lực thực hiện, đến cuối tháng 11 vừa qua, những chuyến buýt
đường sông đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh đã chính thức được đưa vào hoạt
động.
Đánh giá hoạt động của tuyến buýt này,
ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thành
phố có hơn 1.000km đường thủy nội địa nhưng những năm qua chưa khai thác
lợi thế này. Việc có tuyến buýt đường sông sẽ góp phần tìm lời giải bài
toán “giải cứu” ùn tắc đường bộ và cũng là sản phẩm ngành Du lịch của
Thành phố. Tuyến buýt số 1 vận hành sẽ tạo tiền đề cho các tuyến buýt
đường thủy khác phát triển, đây là mốc quan trọng mở ra một loại hình
vận tải hành khách công cộng mới, từng bước hoàn thiện vận tải hành
khách liên kết đa phương thức cùng với tàu điện ngầm, giảm bớt áp lực và
sự phụ thuộc vào đường bộ như hiện nay.
Vận tải đường thủy là loại hình vận tải
có chi phí đầu tư và vận hành thấp. Do vậy, tuyến buýt thủy đầu tiên này
cũng sẽ thúc đẩy hình thức hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích mạnh
mẽ sự tham gia của tư nhân trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
đường thủy, khắc phục tình trạng thiếu hụt vốn như hiện nay.
Trong 10 ngày đầu tiên khi tuyến buýt
hoạt động, đơn vị đã miễn phí vé để người dân có thể trải nghiệm dịch
vụ. Để công tác phục vụ hành khách tốt hơn, Công ty đã đề xuất Thành phố
sử dụng xe điện 4 bánh vận chuyển khách du lịch và người dân từ các địa
điểm khách sạn, khu du lịch đến các bến tàu buýt sông. Đặc biệt, tại
những bến xe buýt cũng có bố trí bãi gửi xe cho hành khách đi xe buýt.
Để thu hút hành khách, phía đơn vị đầu
tư phải chọn kết nối những điểm đích bằng những lộ trình đường sông
không quá dài và trên cùng một cung đường, thời gian đến điểm của buýt
đường sông phải đảm bảo nhanh hơn buýt đường bộ. Công ty tin tưởng đây
sẽ là mô hình được người dân ủng hộ nếu hoạt động của nó an toàn, bảo vệ
được môi trường và thuận tiện cho hành khách. Mặt khác, Thành phố đã và
đang đầu tư để nạo vét, chỉnh trang sông, kênh, rạch trên địa bàn. Thêm
vào đó, với xu hướng tìm về thiên nhiên của cộng đồng sẽ là điều kiện
thuận lợi để buýt đường sông ra đời.
Trong tương lai, chúng tôi đã có kế
hoạch phát triển giai đoạn hai tuyến buýt đường sông nếu được người dân
ủng hộ, ví dụ như đầu tư mở rộng và phát triển các tuyến liên kết toàn
TP. Hồ Chí Minh với các tuyến vành đai và các đô thị khác như: Long An,
Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lúc đó,
vận tải hành khách đường sông sẽ phủ kín và phát huy hiệu quả, ông Toản
nhấn mạnh