Cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên ngày càng sâu sắc

29/09/2020

Khoảng 400.000 thuyền viên từ khắp nơi trên thế giới hiện đang bị mắc kẹt trên các con tàu, họ vẫn phải tiếp tục làm việc và không thể hồi hương trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên ngày càng sâu sắc, đe dọa thương mại và an toàn hàng hải.


Trong một sự kiện cấp cao trực tuyến bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ngày 24/9/2020 - do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) tổ chức - Thuyền trưởng Hedi Marzougui, người chỉ huy một con tàu từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020, đã kêu gọi các chính phủ hành động để cho phép các thuyền viên được trở về nhà.

"Việc không biết được khi nào hay liệu chúng tôi có được trở về nhà hay không đã mang lại những tổn thất tinh thần nặng nề cho thuyền bộ của tôi và bản thân tôi", Thuyền trưởng Marzougui nói, "Tôi khích lệ mỗi người trong số các bạn nghĩ xem mình sẽ cảm thấy thế nào nếu phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ cuối tuần, không được gặp những người thân yêu của bạn và bị mắc kẹt trên biển. Bây giờ, thêm vào đó, bạn phải làm công việc này mà không biết khi nào mình sẽ được hồi hương."

Các hạn chế đối với việc đi lại và quá cảnh do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thông thường thuyền viên. Mặc dù đã có nhiều sự kêu gọi các chính phủ công nhận người đi biển là những lao động chủ chốt thiết yếu và để tạo thuận lợi cho việc đi lại của họ, nhưng số lượng thuyền viên phải gia hạn hợp đồng làm việc trên tàu thêm vài tháng vẫn tiếp tục tăng. Một số thuyền viên hiện đã đi biển 17 tháng không nghỉ, vượt quá giới hạn 11 tháng được quy định trong Công ước Lao động hàng hải (MLC). Bên cạnh 400.000 thuyền viên đang mắc kẹt trên biển, 400.000 người khác không thể lên tàu để làm việc.

Điều này đã đe dọa các nguyên tắc cơ bản của tiêu chuẩn an toàn tàu biển mà Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã phát triển trong hơn sáu thập kỷ qua, Tổng thư ký IMO ông Kitack Lim nhấn mạnh tại sự kiện của Liên hợp quốc được tổ chức trực tuyến quy tụ các nhà lãnh đạo từ các doanh nghiệp chủ chốt toàn cầu, ngành hàng hải, các chính phủ, Liên hợp quốc và các tổ chức công đoàn.


"Các thuyền viên đã quá mệt mỏi và kiệt quệ về tinh thần đang được yêu cầu tiếp tục vận hành tàu", Ông Kitack Lim cho biết, "Trên hơn 60.000 tàu hàng tiếp tục vận chuyển hàng hóa quan trọng, thực phẩm và thuốc men, sự an toàn của tàu không được chắc chắn, cũng như cuộc sống của các thuyền viên đang bị biến thành bất khả thi. An toàn hành hải đang bị đe dọa."

Tổng thư ký Kitack Lim nhắc lại kêu gọi của mình đối với các chính phủ: "Cần phải có hành động - và là cần thiết ngay bây giờ. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào những người đi biển. Họ không nên là nạn nhân thế chấp trong đại dịch này. Những người đi biển giao hàng cho chúng ta - và bây giờ chúng ta cần hỗ trợ họ."

Trong một tuyên bố được trình bày tại sự kiện ghi dấu Ngày Hàng hải thế giới 24/9/2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc ông António Guterres nhắc lại mối quan tâm của ông đối với những thuyền viên đang bị mắc kẹt trên biển. Ông tiếp tục kêu gọi các Chính phủ: "Giải quyết hoàn cảnh khó khăn của họ bằng cách chính thức công nhận thuyền viên và các nhân viên hàng hải khác là "người lao động chủ chốt", đảm bảo việc thay đổi thuyền viên an toàn và thực hiện các giao thức do các cơ quan của Liên hợp quốc, cũng như Văn phòng Vận tải biển quốc tế và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế phát triển, cho phép các thuyền viên mắc kẹt được hồi hương và những người khác được lên tàu làm việc."

Cả ông Guy Platten - Tổng thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) và ông Stephen Cotton - Tổng thư ký Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đều kêu gọi các chính phủ can thiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên, cảnh báo số lượng thuyền viên bị ảnh hưởng sẽ chỉ tiếp tục tăng nếu không có các hành động phối hợp của các chính phủ.

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - ông Guy Ryder kêu gọi các chính phủ thực hiện các giải pháp khẩn cấp và thực tế, tôn trọng đầy đủ các quyền của thuyền viên. "Các thuyền viên đang kiệt sức và đơn giản là không thể tiếp tục làm việc trên tàu vô thời hạn", ông Ryder Guy nói.

Các bộ trưởng giao thông và hàng hải của Canada, Pháp, Kenya, Panama và Philippines cũng đã có bài phát biểu tại sự kiện trực tuyến nêu trên của Liên hợp quốc. Họ kêu gọi các chính phủ khác tham gia với họ trong việc công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt, thực hiện các biện pháp thay đổi thuyền viên an toàn và tạo điều kiện cho thuyền viên quá cảnh an toàn trong đại dịch Covid-19./.

Tác giả: V. Hải